Thám tử lần ra đầu mối hàng giả ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn - Ảnh: BẢO NGỌC
Đến giờ, công ty ấy khẳng định loại khóa của họ không có hàng giả. Thực ra chỉ đúng vậy sau khi đánh sập đường dây làm giả, còn trước đó vẫn có.
Thám tử NGỌC ANH
Nghi vấn nội gián
Đỗ Ngọc Anh - giám đốc Công ty thám tử VĐT (Hà Nội) - hào hứng trở lại địa điểm của phi vụ điều tra. Hợp đồng thành công ngoài dự kiến, cả một đường dây làm hàng giả bị đánh sập nhưng không hề có một dòng thông tin trên báo chí.
Thời gian ấy, trên mạng xuất hiện nhiều clip bẻ khóa trong "một nốt nhạc" do camera an ninh ghi lại. Phần lớn những chiếc khóa cửa bằng bốn ngón tay bị kìm cộng lực cắt ngọt xớt. Công sở cũng bị đột nhập, kẻ trộm không những bẻ khóa, phá két lấy tiền mà còn khiến nhiều ông sếp điêu đứng vì lộ chuyện giấu nhiều tiền ở cơ quan.
Thế rồi, hai người đàn ông mặc sơmi màu xanh đến văn phòng thám tử VĐT đề nghị điều tra. Lý do duy nhất họ chưa nhờ cơ quan công an là họ muốn tìm hiểu trước, giữ bí mật về chuyện bị làm giả. Lãnh đạo công ty này nghi ngờ họ đang "nuôi ong tay áo". Họ lường mọi vấn đề, quan trọng nhất là tìm được nội gián, chặn được hàng giả nhưng giữ "sạch" được thương hiệu. Chỉ cần một thông tin hàng của họ bị làm giả, họ sẽ mất rất nhiều khách hàng.
Nhân viên nghiên cứu thị trường của họ phát hiện trong số nhiều vụ bẻ khóa gần đây có những chiếc khóa được đóng nhãn công ty họ. Nhưng bộ phận kỹ thuật khẳng định khóa của họ không thể bị bẻ dễ dàng như thế.
Một cuộc thực nghiệm diễn ra, có đầy đủ hội đồng quản trị chứng kiến. Họ thuê năm thợ chuyên "phôtô" chìa khóa, phá khóa ở nhiều địa điểm khác nhau quanh Hà Nội, thử dùng kìm cộng lực và mẩu thép phá khóa giống như trong các clip trên mạng. Không ai phá nổi khóa. Tuy nhiên, với vài mẫu khóa họ mua ngoài chợ nghi ngờ hàng giả đã bị thợ bẻ dễ dàng.
Họ khẳng định sản phẩm của công ty đã bị làm giả và trà trộn bán lẫn vào hàng thật. Hàng giả làm từ loại thép có phẩm chất kém, rẻ tiền. Đặc biệt, họ lo lắng đây không phải làm hàng giả kiếm lợi thông thường, rất có thể đối thủ cạnh tranh dùng chiêu này để hạ uy tín thương hiệu.
Chỉ lãnh đạo cao nhất và vài người quan trọng trong công ty được biết kế hoạch thuê thám tử. Họ đề phòng nội bộ có người bán thông tin. Kế hoạch thuê thám tử để ngăn được nguồn hàng giả nhưng tránh làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của họ.
Phải ba tuần sau nữa, trung tâm nghiên cứu của doanh nghiệp này mới tìm ra điểm khác biệt giữa hàng giả và hàng thật. Các thám tử được doanh nghiệp bí mật tập huấn cách nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Họ cung cấp thêm danh sách 30 nhà phân phối lớn, nghi ngờ có hàng giả trà trộn.
Cài cắm nhân viên mới
Năm thám tử vào cuộc, họ bám theo người giao hàng của các nhà phân phối khả nghi. Tuần đầu tiên, họ tìm ra được lịch hoạt động của nguồn hàng nhập. Tất cả có một điểm chung rất đáng nghi: có chuyến hàng nhập về không phải từ Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên mà từ Lạng Sơn.
Các nhà phân phối này buôn bán kim khí tổng hợp, hàng nhập từ Móng Cái, Lạng Sơn về nhiều. Vấn đề đặt ra là trong các chuyến hàng đủ chủng loại kia, chuyến hàng nào là sản phẩm mà họ đang theo dõi?
Thám tử Yến tìm cách xin được chân giúp việc tại cửa hàng cho một nhà phân phối kim khí lớn ở Đại Từ, Bắc Ninh. Yến dạn dày nhưng vẻ mặt lại chất phác, có bằng kế toán, nhanh chóng lấy được lòng tin của người quản lý. Người này được coi là "tay phải" của ông chủ doanh nghiệp. Nhiều vụ làm ăn, chỉ người quản lý với ông chủ trao đổi riêng, còn kế toán, nhân viên khác không được biết.
Công việc ban đầu của Yến ở cửa hàng là đóng gói theo các đơn hàng. Sau tháng lương đầu tiên, Yến được nghe điện thoại, trực tiếp ghi đơn.
Yến bí mật sao chép mọi thông tin, hàng đến, hàng đi trong ngày. Địa chỉ, số điện thoại của các nhà cung cấp và khách hàng khác cũng được chuyển cho các thám tử ở vòng ngoài phân tích.
Cô nhân viên mới nhanh nhẹn, tháo vát còn giới thiệu cho cửa hàng một người giao hàng bằng xe máy mới, rẻ hơn, chịu khó và có trách nhiệm hơn. Quản lý cửa hàng thực sự yên tâm. Anh giao hàng mới này chính là thám tử Vĩnh - một cộng sự đắc lực của VĐT. Vĩnh nhanh chóng khoanh vùng năm nhà xe khách khả nghi chuyển hàng cho nhà phân phối này.
Vòng trong, Yến chưa được kiểm hàng nhập về. Công việc này do người quản lý trực tiếp làm, thỉnh thoảng có giao cho một kế toán khác là cháu gái của ông chủ. Cháu gái ông chủ còn giữ một cuốn sổ khác ghi nhiều thông tin ngoài cuốn sổ chính để kê khai thuế. Nhiều chuyến hàng theo xe khách Lạng Sơn về có cách đóng gói khác nhau. Khi thì to đùng, nhẹ bẫng, khi thì nặng hàng tạ, có khi lại là vài hộp giấy nhỏ.
Thời gian không đủ để Yến thâm nhập sâu hơn vào công ty, các thám tử quyết định phân tích đầu ra. Họ đối chiếu số lượng hàng hóa nhập vào của công ty khách hàng với phiếu xuất hàng phát hiện ra một điều đặc biệt: lượng hàng xuất ra vượt 1/3 lượng hàng nhập vào. Chắc chắn số hàng giả đã được trà trộn.
Nhập vai nhân viên để tìm ra mối hàng giả - Ảnh: VŨ TUẤN
Bí mật đơn hàng từ biên giới
Thám tử Ngọc Anh và một thám tử khác theo sát các chuyến xe từ Lạng Sơn. Lần ngược đầu chuyển hàng, các thám tử này khoanh vùng được các đơn hàng bí ẩn được gửi từ một kiốt ở chợ biên giới Tân Thanh.
Ngọc Anh vào vai một ông chủ doanh nghiệp đi tìm nguồn hàng. Tay chủ kiốt ở Tân Thanh, người Hoa, đưa cho xem một loạt hàng mẫu rồi cam kết: muốn bao nhiêu cũng có. Mẫu mã thế nào cứ chụp ảnh, gửi qua Zalo hoặc Wechat. Chuyển tiền buổi sáng, buổi chiều nhận được hàng. Không chỉ khóa, cả bao bì, nhãn mác, thậm chí cả tem chống hàng giả... cũng được ông chủ này cung cấp. Ngọc Anh nhận định: toàn bộ là "hàng đồi" - tức hàng lậu được cửu vạn khuân qua đồi vượt biên vào nội địa.
Loại hàng Ngọc Anh đặt tay buôn Trung Quốc không giao hoàn chỉnh mà chia ra thành nhiều gói hàng để qua mặt lực lượng chức năng.
Toàn bộ bản sao chứng từ, sổ sách và hình ảnh được chuyển lại cho công ty thuê thám tử "phá án". Bằng chứng thu được đủ để tố giác một vụ làm giả số lượng lớn. Tuy nhiên, bàn đi tính lại, công ty quyết định cung cấp chứng cứ cho cơ quan quản lý ở mức xử phạt hành chính.
Mục đích của họ là chặn nguồn hàng giả. Thời gian này, công ty đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều doanh nghiệp khác. Thế độc tôn thị trường của họ bị lung lay, nhiều cái tên mới nổi có sản phẩm bắt mắt, hợp thị hiếu hơn đang phát triển mạnh mẽ.
Công ty nhận định lợi thế lớn nhất của họ là giá trị truyền thống, nắm giữ công thức tôi thép riêng. Trong lòng người tiêu dùng, họ chưa bao giờ nghĩ loại khóa của công ty này bị làm giả, chỉ có hàng nhái kiểu dáng, bao bì, chất lượng thấp. Họ cần phải được giữ vững niềm tin thương hiệu này.
Thám tử Ngọc Anh giải thích công ty ấy quyết định không làm lớn vụ việc để bảo vệ thương hiệu. Nhà phân phối bị cắt hợp đồng, chịu phạt vi phạm hành chính. Còn nguồn sản xuất hàng giả nằm ở bên kia biên giới nên vượt ngoài tầm tay. Sau vài tháng theo dõi, điều tra, các thám tử cũng không tìm thấy mối liên hệ nào của công ty đối thủ trong vụ này.
Đặc biệt, một điều đáng mừng nữa cho công ty là họ không "nuôi ong tay áo", nội bộ vẫn trung thành.
_______________________________
Công thức bí truyền của một tiệm bánh lớn ở Sài Gòn bị mất cắp. Tiệm đối thủ cho ra loại bánh có vị y hệt. Bà chủ tiệm thuê thám tử rồi đau xót nhận ra bí mật của những người bên cạnh mình.
Kỳ tới: Giải mật nuôi ong tay áo
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận