24/09/2015 14:50 GMT+7

Ông Tập bác bỏ lo ngại về Biển Đông và đổ lỗi

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Hôm nay 23-9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Washington để hội kiến với Tổng thống Mỹ Barack Obama mà không tỏ bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào về các vấn đề nóng như Biển Đông hay tấn công mạng.

Ông Tập trao đổi với các lãnh đạo công nghệ Mỹ ở Seattle - Ảnh: Reuters

Theo AFP, suốt hai ngày qua tại Seattle ông Tập quảng bá thông điệp kinh tế Trung Quốc vững mạnh và Mỹ - Trung cần tăng cường hợp tác. Nhưng có một điểm mà ông Tập nhấn đi nhấn lại là chính quyền Mỹ cần tôn trọng “quan điểm khác biệt” của Trung Quốc về các vấn đề chính trị.

Trong bài phát biểu ở Seattle, ông Tập tuyên bố hai nước “cần hiểu rõ hơn ý đồ chiến lược của nhau” và kêu gọi xây dựng “mô hình quan hệ cường quốc mới”.

Tuy nhiên các nhà phân tích khẳng định ông Tập không hề tỏ bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ông muốn mềm mỏng về các vấn đề chính trị nóng và quyết tâm đòi vị thế cường quốc sánh ngang với Mỹ.

Đổ trách nhiệm cho Mỹ

Chuyên gia Scott Kennedy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết ông Tập không thừa nhận bất kỳ phần sai nào trong các chính sách và hành động của Bắc Kinh và đổ mọi trách nhiệm cho Mỹ về mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai nước.

“Trọng tâm bài phát biểu của ông Tập là biện minh cho chính quyền Trung Quốc trong mọi lĩnh vực mà Washington và Bắc Kinh đối đầu” - ông Kennedy nhấn mạnh.

Về vấn đề Biển Đông, ông Tập bác bỏ mọi lo ngại của Mỹ đối với việc Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của VIệt Nam.

Về cáo buộc Trung Quốc đứng sau các vụ tấn công mạng tại Mỹ, Washington đã đe dọa sẽ trừng phạt các quan chức Bắc Kinh. Tuy nhiên ông Tập mô tả cả Trung Quốc và Mỹ đều là “nạn nhân” của tấn công mạng và chỉ đề xuất lập một “ủy ban cấp cao” để thảo luận vấn đề này.

Trước việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc ra luật an ninh hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ (NGO) nước ngoài, ông Tập tuyên bố các NGO nước ngoài “phải tuân thủ luật pháp Trung Quốc và thực hiện các hoạt động phù hợp với luật pháp Trung Quốc”.

Tối nay, ông Tập sẽ ăn tối với ông Obama ở Nhà Trắng. Lễ đón chính thức sẽ diễn ra vào ngày mai. Giới quan sát nhận định nhiều khả năng cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo sẽ không đem lại kết quả cụ thể nào do bất đồng quá lớn, có chăng chỉ là hai nước đạt một thỏa thuận không tấn công mạng hệ thống hạ tầng trọng yếu của nhau trong thời bình.

Bị doanh nghiệp Mỹ chỉ trích

Tại Seattle, dù chuyến thăm của ông Tập tập trung vào mối quan hệ kinh tế nồng ấm, nhưng sự căng thẳng và khác biệt cũng thể hiện rất rõ.

Theo báo New York Times, tại đây ông Tập đã tiếp xúc với hàng loạt lãnh đạo công nghệ Mỹ, như nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, tổng giám đốc Apple Tim Cook, người đứng đầu IMB Virginia Rometty, ông chủ Amazon Jeffrey Bezos…

Đại diện các công ty công nghệ Mỹ đều than phiền về hành vi tấn công mạng, ăn cắp công nghệ diễn ra thường trực ở Trung Quốc và việc chính phủ nước này áp dụng nhiều chính sách phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker cho rằng các vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, cản trở hai nước thúc đẩy thương mại song phương.

Ông Dean Garfield, chủ tịch Hội đồng Công nghiệp công nghệ thông tin Mỹ, thẳng thừng chỉ trích những gì Chính phủ Trung Quốc cam kết và thực tế hoàn toàn không khớp nhau.

Ông Garfield bày tỏ nghi ngờ về những cam kết kinh tế mà ông Tập đưa ra. Nhiều doanh nhân Mỹ cũng có quan điểm tương tự. “Trung Quốc nói rằng sẽ cho phép các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh bình đẳng. Nhưng chúng tôi rất nghi ngờ bởi làm quan trọng hơn là nói” - ông Spencer Rascoff, giám đốc Hãng Zillow, cho biết.

Dù đưa ra nhiều cam kết, nhưng ông Tập cũng tỏ quan điểm cứng rắn khi tuyên bố phát triển Internet phải “phù hợp với thực tế Trung Quốc”.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên