"Chúng tôi mong muốn thấy một ASEAN chủ động hơn trong vấn đề Myanmar", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura nhấn mạnh ngày 26-4.
Myanmar - quốc gia láng giềng Thái Lan - đang mắc kẹt trong vòng xoáy bạo lực giữa một bên là quân đội và một bên là liên minh lỏng lẻo của các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số với phong trào phản kháng hình thành sau cuộc đảo chính năm 2021.
Thông điệp của Thái Lan được đưa ra trong bối cảnh chiến sự giữa hai phe ở Myanmar lan đến biên giới nước này những tuần gần đây.
Phe nổi dậy đã chiếm thị trấn thương mại trọng điểm Myawaddy gần biên giới Thái Lan vào ngày 11-4, sau đó rút lui khi quân đội Myanmar phản công. Chiến sự tại khu vực này được cho đã kết thúc nhưng không có gì đảm bảo sẽ không tái diễn.
Giao tranh làm gián đoạn giao thương giữa hai nước, đồng thời đẩy hàng ngàn người Myanmar chạy sang Thái Lan lánh nạn. Những điều này dẫn tới các lo ngại tại Bangkok về tình hình an ninh phức tạp ở biên giới.
"Cuộc chiến giữa phe đối lập và quân đội đã chuyển sang Myawaddy. Nó rất gần với Thái Lan nên chúng tôi cần nhiều thứ phải làm hơn nữa từ ASEAN", đại diện Bộ Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh.
"Chúng tôi đã thảo luận với Lào, với tư cách là chủ tịch ASEAN và Myanmar về tình hình này", vị này cho biết thêm.
Theo Hãng tin Reuters, trong tuần này, Thái Lan đã đề xuất một cuộc họp của ASEAN về vấn đề Myanmar, trong đó có sự tham gia của Indonesia, Lào và Malaysia. Cả ba nước này lần lượt đã, đang và sẽ là chủ tịch ASEAN.
Hồi năm 2021, lãnh đạo ASEAN đã nhóm họp tại Indonesia với sự tham gia của người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar. Một kế hoạch hòa bình mà sau này được biết đến ngắn gọn là "Đồng thuận 5 điểm" được ASEAN và các tướng lĩnh Myanmar thông qua.
Nhưng kế hoạch này mới chỉ được thực hiện một phần, dẫn đến những ý kiến trái chiều trong nội bộ ASEAN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận