Bà Saipiroon Poonsawat và đứa cháu họ bị chậm phát triển- Ảnh: Reuters |
Cách đây 6 tháng, sau khi sinh bé thứ hai, chị Narinthip Pommarin đã nghỉ việc để tập trung chăm con. Tuy nhiên mức thu nhập 12USD/ngày từ công việc lợp mái nhà của chồng chị không thể nuôi nổi gia đình.
Vợ chồng chị lúc đó buộc phải vay mượn tiền để có thể thuê được căn phòng nhỏ xíu trong nhà trọ nằm sau một cửa hiệu rửa xe ở tỉnh Samut Songkhram, phía tây nam Bangkok, và phải vật lộn từng ngày để trả nợ.
Không nhiều nhưng cần thiết
Sau đó, một người bạn đề nghị chị đăng ký chương trình trợ cấp 400 baht (khoảng 250.000 VNĐ) mỗi tháng của chính phủ.
“Khoản tiền đó không nhiều, nhưng rất có ích”, chị Narinthip giải thích. “Chúng tôi vẫn chưa xài và đang để dành để lỡ mai không có việc làm, chúng tôi còn có tiền mà mua sữa và thức ăn”.
Đầu năm nay, Thái Lan đã tiến hành mở rộng khoản hỗ trợ trẻ sơ sinh thuộc diện nghèo của nước này lên 3 năm, thay vì 1 năm như trước kia.
Kể từ tháng 10 này, số tiền hỗ trợ mỗi tháng cũng tăng lên 600 baht.
“Trước đây, Thái Lan không hề có bất cứ chương trình chăm sóc trẻ em nào”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Maitri Inthusut, thư ký thường trực Bộ Phát triển xã hội và an ninh con người Thái Lan. “Tiền trợ cấp này là một cách để chăm sóc trẻ em, để xây dựng nền tảng vững mạnh cho đất nước chúng ta lâu dài”.
Chính sách hỗ trợ trẻ nghèo được Thái Lan triển khai từ 1 năm trước sau chuyến đi học hỏi chương trình hỗ trợ trẻ em ở Nam Phi, với hy vọng giúp hàng chục ngàn trẻ em nghèo nước này có một khởi đầu cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sáng kiến này được hình thành từ mối quan ngại rằng việc thiếu dinh dưỡng cần thiết và chăm sóc đầu đời đã và đang khiến trẻ em Thái lan có chỉ số thông minh IQ thấp hơn mức trung bình toàn cầu, có khả năng để lại hậu quả lâu dài cho đất nước này.
Thái Lan dự tính sẽ trợ cấp cho 128.000 trẻ em trong số 710.000 trẻ sinh ra mỗi năm với chương trình này.
Tuy nhiên, đến nay đã có đến 154.000 trẻ em đăng ký, ông Maitri Inthusut cho biết, đồng nghĩa rằng chính quyền đã đánh giá thấp số người thuộc diện nghèo ở nước này.
Theo ông Maitri Inthusut, trong số những người mẹ có con đăng ký, 46% là thất nghiệp, 23% là dưới 20 tuổi, 40% là mẹ đơn thân, và 10% có điều kiện nhà ở không đảm bảo.
Nhân rộng mô hình trong khu vực
Bên cạnh đó, chương trình trợ cấp cũng mở ra một kênh quan trọng trong việc kết nối các gia đình trong diện chính sách và chính quyền địa phương cũng như các dịch vụ xã hội.
Trường hợp của bà Saipiroon Poonsawat, 40 tuổi, là một ví dụ. Tổng cộng gia đình 12 người, trong đó có một cháu bé bị chậm phát triển, và một cháu nội sắp sinh, hiện phải sống trong 1 túp lều xiêu vẹo và thường xuyên nhịn ăn.
Sau khi chị đăng ký chương trình, nhân viên xã hội đã đến thăm gia đình chị và tìm cách vận động các nguồn quỹ khác nhau để hỗ trợ sức khỏe cho cháu bé bị chậm phát triển, cũng như phổ cập cho người con trai 16 tuổi phải nghỉ học để tiết kiệm tiền.
Bà Saipiroon Poonsawat và đứa cháu họ bị chậm phát triển - Ảnh: Reuters |
Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), đơn vị đã giúp chính quyền Thái Lan xây dựng chương trình này trong 7 năm, hy vọng các nước trong khu vực cũng sẽ thực hiện mô hình này.
Hiện Campuchia và Bangladesh đang chuẩn bị sang thăm Thái Lan để học hỏi mô hình này, ông Thomas Davin, đại diện của UNICEF ở Thái Lan, cho biết.
Thái Lan cũng sẽ chia sẻ kinh nghiệm về chương trình này tại cuộc họp tháng sau ở Kuala Lumpur (Malaysia) do UNICEF và chính quyền Malaysia tổ chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận