Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha họp nội các ở Bangkok, ngày 23-8 - Ảnh: REUTERS
Phe đối lập và các phong trào chống chính phủ thời gian qua đã gây áp lực đòi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức. Nhóm này đã gửi thỉnh nguyện đơn lên Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Chuan Leekpai và thỉnh nguyện đơn đã được chuyển đến Tòa án hiến pháp ngày 22-8.
Thông tin từ Đảng Pheu Thai cho biết Tòa án hiến pháp sẽ quyết định xét xử hoặc bác bỏ vào ngày 24-8. Nếu tòa án quyết định xét xử, vẫn chưa rõ liệu ông Prayuth sẽ tiếp tục làm lãnh đạo hay bị đình chỉ công tác.
Đảng đối lập chính và gần 2/3 người Thái được hỏi trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây cho rằng nhiệm kỳ thủ tướng của ông Prayuth Chan-ocha bắt đầu vào tháng 8-2014, vài tháng sau cuộc đảo chính, và do đó nhiệm kỳ thủ tướng sẽ kết thúc vào tháng này (tháng 8-2022).
Nhưng những người ủng hộ ông Prayuth cho rằng nhiệm kỳ thủ tướng bắt đầu vào năm 2017, khi hiến pháp mới có hiệu lực hoặc sau cuộc bầu cử năm 2019. Điều này có nghĩa là ông Prayuth sẽ tại vị đến năm 2025 hoặc 2027, miễn là ông còn được ủng hộ.
Ông Prayuth, 68 tuổi, là chỉ huy quân đội khi quân đội tiến hành cuộc đảo chính vào năm 2014 và nắm chính quyền sau đó. Ông trở thành thủ tướng dân sự vào năm 2019 sau một cuộc bầu cử được tổ chức theo hiến pháp do quân đội soạn thảo.
Theo Hãng tin Reuters, ngày 23-8, cảnh sát đã phong tỏa các khu vực xung quanh Văn phòng thủ tướng ở trung tâm Bangkok, thiết lập rào chắn và phân luồng giao thông.
Thủ tướng Prayuth dự kiến sẽ có phát biểu trước truyền thông vào cuối ngày 23-8.
Chính trị Thái Lan đã trải qua nhiều hỗn loạn trong gần hai thập kỷ, bao gồm 2 cuộc đảo chính và các cuộc biểu tình bạo lực, nhằm phản đối quân đội tham gia vào chính trị.
Các cuộc biểu tình đã giảm đi trong vài năm qua do các hạn chế tụ tập vì dịch COVID-19.
Cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 năm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận