02/11/2019 07:04 GMT+7

Thái Lan dẹp hàng rong, trả lại đường cho người đi bộ

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Bất kể còn tranh cãi và nhiều thách thức phải giải quyết nhưng cho tới nay, công cuộc tổ chức lại hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố ở thủ đô Bangkok đã sắp hoàn thành.

Thái Lan dẹp hàng rong, trả lại đường cho người đi bộ  - Ảnh 1.

Những quán hàng ăn như thế này sẽ sớm trở thành kỷ niệm trên đường phố Bangkok, Thái Lan - Ảnh: CNA

Chúng tôi muốn tạo cho họ cơ hội để tích lũy vì họ không có tiền tiết kiệm. Nhưng chúng tôi cũng phải làm cho nó hoạt động bền vững.

Anh Chris Foo

Cho đến cuối năm nay, hầu hết các con đường và vỉa hè ở thủ đô Bangkok sẽ không còn những quầy hàng rong bán thức ăn. Không gian đó sẽ được trả về cho người đi bộ và người lái xe.

Đây là nỗ lực và quyết tâm rất đáng kể của Chính phủ Thái Lan nhằm chỉnh trang theo hướng văn minh, sạch sẽ các tuyến phố và lối đi bộ của Bangkok.

Chậm rãi nhưng quyết liệt

Ngay sau khi lên nắm chính quyền năm 2014, quân đội Thái Lan đã công bố sẽ nỗ lực thay đổi bộ mặt của thủ đô. Một trong những chiến dịch nhằm hướng tới điều này là quy hoạch, tổ chức lại việc kinh doanh thức ăn đường phố. Người bán hàng rong trên các vỉa hè được yêu cầu phải đi xa hơn hoặc chuyển tới những khu vực chợ tạm theo quy hoạch của chính quyền.

Công cuộc dọn dẹp được triển khai dần trên toàn địa bàn Bangkok, trong đó có cả tuyến đường Sukhumvit 55 (còn gọi là Thonglor) dài 2,4km chạy xuyên qua các khu phố đắt đỏ nhất của Bangkok.

Cho đến nay chính quyền Bangkok đã dọn sạch hoạt động bán thức ăn đường phố tại 508 khu vực. Ở đường Thonglor, giờ không còn bóng dáng của hàng rong, xe đẩy với những món ăn quen thuộc như nộm đu đủ, xôi xoài, pad Thái...

Họ cũng có kế hoạch tiếp tục dọn dẹp ở 175 điểm còn lại trong vài tháng tới. Từ ngày 11-9, phòng thực thi pháp luật của Cơ quan quản lý thành phố Bangkok cho biết đang triển khai việc này. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý thành phố sẽ đưa những người bán hàng bị ảnh hưởng tới các khu chợ gần đó và triển khai dần việc này để giảm thiểu ảnh hưởng với cả người bán hàng cũng như công chúng.

Trao đổi với đài Channel NewsAsia, chủ tịch Hội Mạng lưới các nhà bán lẻ trên phố vì sự phát triển bền vững, ông Raywat Chobtham, cho biết hàng chục ngàn người dân có thu nhập thấp mưu sinh bằng nghề bán thức ăn đường phố sẽ không thể sống được vì các khu vực kinh doanh mới do nhà nước quản lý không cung cấp đủ mặt bằng buôn bán cho họ tại các khu thương mại đắt đỏ.

Trong khi đó, giá thuê mặt bằng của tư nhân quá đắt, và dĩ nhiên không ai có thể ép họ phải giảm giá. Các khu chợ tái lập cho người bán hàng lại quá xa, không tiện để khách hàng của họ (chủ yếu dân văn phòng) có thể di chuyển dễ dàng, nhất là trong khoảng thời gian ngắn ngủi của giờ nghỉ trưa.

Sáng kiến cứu thức ăn đường phố

Anh Chris Foo, 38 tuổi, một chủ doanh nghiệp trên đường Thonglor, cho biết từ năm 2017 các nhân viên của anh bắt đầu than thở chuyện chẳng biết ăn gì sau khi mọi quán hàng trên phố bị dẹp. "Họ nói những món thường ăn giờ bị dẹp cả, vậy nên nhóm chúng tôi bắt đầu vắt óc suy nghĩ và nảy ra ý mở một tiệm ăn để các nhân viên được ăn đồ giá rẻ" - anh Foo kể.

Là người mang hai dòng máu Anh và Trung Quốc, anh Foo đã sống suốt 36 năm qua tại Bangkok. Giống như người Thái, anh rất mê thức ăn đường phố. Với 12 năm công ty của anh hoạt động tại đường Thonglor, anh biết rất nhiều chỗ bán đồ ăn ngon ở đây. Nhưng giờ thì tất cả đã thành kỷ niệm.

Sau khi thảo luận với các nhân viên, anh Foo quyết định mở một cửa hàng nhỏ bán mì gần văn phòng công ty. Theo đó, khoảng 100 nhân viên của anh có thể ăn đồ giá rẻ, và nhiều khách hàng khác cũng sẽ được hưởng lợi lây. Nhưng ngay trước khi khai trương, một vị khách đến thăm anh, chính là bà chủ mảnh đất nằm đối diện công ty anh bên kia đường và đưa ra đề nghị bất ngờ.

Anh Foo kể: "Bà ấy bảo: Thật tuyệt khi nghe nói kế hoạch anh muốn làm cho nhân viên, nhưng chuyện này không chỉ là vấn đề riêng của nhân viên anh. Nó là của tất cả mọi người trên con phố này, và cũng là vấn đề chung của cộng đồng. Không ai còn chỗ để ăn đồ ăn Thái ngon với giá rẻ nữa. Tôi có ít đất, nếu anh thuê nó, anh có thể làm được nhiều hơn chỉ là một tiệm ăn nhỏ".

Vậy là họ bắt tay hợp tác. Gần hai năm sau, một tòa nhà dáng vẻ hiện đại mang tên Saphan 55 mọc lên gần cây cầu cũ nằm cạnh con kênh ở phía cuối đường Thonglor. Với anh Foo, đây là chốn "dung thân" mới cho các món ăn đường phố ngon lành, giá rẻ và cả chủ nhân của nó: những người bán rong một thời.

Người chủ của Saphan 55 chọn cách chia tòa nhà làm hai khu vực để "lấy trên nuôi dưới". Nếu trên gác là nhà hàng Thái Baan Saphan bán các món có giá từ 150 - 180 baht (5 - 6 USD), thì phía dưới là nơi bán các món ăn đường phố với giá cũng rất đường phố.

Với các thực khách ở Bangkok, họ vui mừng khi lại được thưởng thức món ăn đường phố tại Saphan 55. "Giá cả ở đây không đắt - một nhân viên văn phòng tên Athiwat Thanapongworapa cho biết - Thức ăn đường phố rất ngon và đúng là mang tính biểu tượng, nhưng nó cũng cần được tổ chức và sắp xếp hợp lý".

200.000

Theo Hội Mạng lưới các nhà bán lẻ trên phố vì sự phát triển bền vững, lệnh cấm của chính quyền đã ảnh hưởng tới khoảng 200.000 người bán hàng rong. Và dĩ nhiên, nó cũng gây tổn thất cho nền kinh tế địa phương.

Vì sao sinh viên hay bà bán hàng rong Thái Lan vẫn mua được xe hơi? Vì sao sinh viên hay bà bán hàng rong Thái Lan vẫn mua được xe hơi?

TTO - Giá rẻ, thủ tục đơn giản, nhiều hỗ trợ, ưu đãi khiến cho mua xe hơi ở Thái Lan thật dễ, ngay cả với một sinh viên mới ra trường hay một người bán hàng rong.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên