Phóng to |
Buổi họp báo giới thiệu lễ trao giải Giải thưởng âm nhạc Làn sóng xanh (LSX) 2012 sáng 11-12 đã diễn ra trong không khí thân thiện nhưng không kém phần căng thẳng. Căng thẳng bởi đã chạm đến những vấn đề mang tính “sống còn” của giải - tiêu chí của LSX.
Một trong những nội dung chủ yếu là việc hạng mục giải thưởng top 10 ca sĩ được yêu thích nhất sẽ chỉ có 7/10 giải được trao.
Không trao giải cho “ông hoàng nhạc Việt”
Giải thích lý do vì sao chỉ trao 7/10 giải, đại diện ban tổ chức LSX cho biết bởi một số nghệ sĩ đã “có những vi phạm về hoạt động biểu diễn và bị xử phạt bởi các cơ quan quản lý văn hóa”. Trả lời chất vấn của các phóng viên văn hóa văn nghệ, nhà đài khẳng định vẫn sẽ công nhận kết quả do công chúng bình chọn. Kết quả sẽ được công bố, nhưng giải sẽ không được trao. Kể cả khi Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đồng ý với đề nghị xin rút khỏi giải của Đàm Vĩnh Hưng thì anh vẫn có tên trong top 10 và sẽ không được trao giải.
Ngay từ lần đầu tổ chức vào năm 1997, tiêu chí của LSX đã là “được yêu thích nhất” và kết quả là do công chúng bình chọn. Thế nhưng cũng chính nhà đài, trong nhiều lần trả lời chất vấn của đồng nghiệp, đều khẳng định LSX là giải thưởng mang tính “định hướng” nên dù nghệ sĩ có được bình chọn mà có những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng sẽ không được trao giải.
Hiểu nôm na là quyền quyết định kết quả giải thưởng chỉ hoàn toàn thuộc về công chúng khi... được sự đồng thuận của Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM.
Dù lấn cấn, quyết định của ban tổ chức LSX vẫn thường được báo chí và khán giả ủng hộ. Trên sân khấu LSX năm ngoái, dù được vinh danh, dù vẫn được mời lên sân khấu nhận giải Ca sĩ triển vọng, Ngô Kiến Huy và Minh Hằng đã không được biểu diễn trong đêm trao giải - những động thái mang tính định hướng, thể hiện thái độ rõ ràng của nhà đài.
Không trao giải cho Đàm Vĩnh Hưng và hai nghệ sĩ tên tuổi khác ở mùa giải 2012 dù họ được khán giả bình chọn đủ số phiếu để giành chiến thắng, LSX đã thể hiện một thái độ quyết liệt hơn nhiều trong việc chống lại những hành vi vi phạm của nghệ sĩ trong hoạt động biểu diễn.
Bởi Đàm Vĩnh Hưng không phải là Ngô Kiến Huy hay Minh Hằng. Hưng là “ông hoàng nhạc Việt” chứ không phải một ca sĩ mới vào nghề hay một ca sĩ trẻ mà lỡ có phật ý cũng không sao.
Dẫu sao với quyết định không trao giải, LSX đã nhượng bộ - vẫn mời Mr. Đàm biểu diễn trong chương trình LSX 15 năm, tổ chức vào ngày 20-12 - động tác “cho trọn vẹn chương trình”, cho đẹp sân khấu.
Phóng to |
Chiếc roi thích đáng
Báo chí vẫn ủng hộ LSX, nhất là trong bối cảnh làng văn nghệ hiện có quá nhiều xìcăngđan liên quan đến chuyện phát ngôn, cách ăn mặc, lối hành xử phản cảm của các nghệ sĩ - những người làm văn hóa nhưng lại có không nhiều văn hóa. Từ việc không cho biểu diễn và đến nay là không trao giải, phản ứng của LSX cũng như chính đặc tính nhiều năm của nó - thước đo phản ánh thị trường.
Tần suất và mức độ của các xìcăngđan hiện nay đã nhiều và nghiêm trọng đến mức hình thức xử lý cần phải mạnh hơn và quyết liệt hơn.
Việc ban tổ chức Giải thưởng âm nhạc trực truyến Zing Music Awards (ZMA) 2012 vẫn để tên những nghệ sĩ từng bị xử phạt vì vi phạm trong hoạt động biểu diễn vào danh sách đề cử và nhấn mạnh “tín nhiệm trao quyền quyết định cho các nhà báo văn hóa văn nghệ”, cũng chính là cách thể hiện thái độ của ban tổ chức trước những “tên tuổi lớn” so với việc ZMA từng thẳng thừng loại bỏ nhóm HKT khỏi mùa giải 2011.
Song nói đi cũng phải nói lại. Quan điểm của luật: không ai bị xử hai lần cho cùng một tội. Đàm Vĩnh Hưng, Thu Minh, Cao Thái Sơn từng bị xử phạt và đã chấp hành hình phạt. Họ không bị áp hình phạt bổ sung nào như cấm biểu diễn, cấm xuất hiện trên báo chí, phát thanh, truyền hình, càng không bị cấm được tôn vinh.
Việc Cao Thái Sơn không được phép xuất hiện hai lần trên sóng VTV nhận được sự đồng thuận rất cao của dư luận nhưng cũng có thể xem là một chút thiệt thòi cho Sơn. Việc nhiều cơ quan báo chí “tự ý kiểm duyệt” những cái tên từng dính xìcăngđan cũng dễ gây ra những hiểu lầm không đáng có.
Lẽ ra, nếu các quy định của pháp luật hoàn chỉnh hơn, nếu thái độ của cơ quan chức năng dứt khoát, rõ ràng hơn thì sẽ không tạo ra cảm giác lấn cấn này.
Ý kiến đáng chú ý trong hai hội nghị góp ý cho dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành nghị định 79 (về xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật vừa được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM) mới đây là tăng mức xử phạt kèm hình phạt bổ sung cấm biểu diễn, xuất hiện trên báo chí, truyền hình sẽ là chiếc roi thích đáng quất vào các xìđăngđan.
Song dù xử lý ra sao, mạnh mẽ thế nào, việc xử phạt cũng cần có thời hạn nhất định để nghệ sĩ có cơ hội thay đổi, cần rõ ràng để tránh chuyện nơi xử nơi không, nơi siết nơi lơi khá tùy tiện như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận