08/08/2019 09:43 GMT+7

Thách thức tuổi 52 của ASEAN

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Hôm nay (8-8) ASEAN tròn 52 tuổi. Trong hơn nửa thế kỷ qua, các nước thành viên đã nỗ lực gặt hái nhiều thành quả về kinh tế lẫn vị thế địa chính trị.

Thách thức tuổi 52 của ASEAN - Ảnh 1.

Ngoại trưởng các nước ASEAN bắt tay tại Bangkok cuối tháng 7-2019. ASEAN cần giữ vững sự đoàn kết trước cọ xát Mỹ - Trung - Ảnh: Reuters

Nhưng ASEAN cũng đang đứng trước thử thách rất lớn, đó là một trật tự phân cực từ tranh chấp địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, "sự trưởng thành" của ASEAN sẽ được đo lường qua cách khối này phản ứng với sự cọ xát giữa hai siêu cường này.

Phải giữ vững "đoàn kết trong đa dạng"

Bánh xe lịch sử vẫn lăn và ASEAN vẫn tiến về phía trước. Khởi đầu với các thành viên sáng lập Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, ASEAN đã mở rộng để trở thành ngôi nhà của Việt Nam, Lào, Campuchia, Brunei và Myanmar.

Với dân số khoảng 600 triệu người, ASEAN về mặt kinh tế là một thị trường đầy tiềm năng và hiện được xem là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. 

Từ đó, về mặt địa chính trị, ASEAN dần trở thành một điểm nóng tranh chấp tầm ảnh hưởng của các nước khác. Kết quả, khi nhắc tới cọ xát Mỹ - Trung, ASEAN là tâm điểm. Với nhân khẩu học và hệ thống chính trị đa dạng, ASEAN tự nó cũng phải cân bằng từ trong ra ngoài.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, tổ chức này đã chọn nguyên tắc đồng thuận làm phương pháp hài hòa lợi ích. Bất kỳ một quyết định nào không có sự chấp thuận của một nước ASEAN, nó không thể được thống nhất triển khai. 

Cách làm này đảm bảo không một quốc gia nào, dù nhỏ hay lớn, dù giàu hay nghèo, bị phần còn lại bỏ mặc. Nhưng cũng cách tiếp cận này dẫn tới thực tế ASEAN rất dễ bị chi phối trong lúc đưa ra quyết định chung.

Khẩu hiệu "Đoàn kết trong đa dạng" của ASEAN vì vậy trở thành đề tài trong các câu chuyện địa chính trị khu vực.

Nói như TS James Gomez - giám đốc phụ trách khu vực tại Asia Centre (trụ sở Malaysia và Thái Lan), nguyên tắc không can thiệp và việc ra quyết định dựa trên sự đồng thuận là điều đã giúp ASEAN giữ được phương châm "Đoàn kết trong đa dạng".

Tuy nhiên, nguyên tắc của ASEAN cũng gặp thách thức trong thời đại mới, đặc biệt là khi Trung Quốc cho thấy mưu đồ làm suy yếu sức mạnh tập thể của ASEAN, TS Gomez nói với Tuổi Trẻ.

Lấy luật pháp quốc tế làm trọng tâm

Duy trì sự đoàn kết để cùng vững mạnh, trong khi không thể bỏ qua lợi ích quốc gia, là bài toán lớn nhất của ASEAN sau nửa thế kỷ tồn tại. Thách thức ấy càng lớn khi Trung Quốc sau thời gian phát triển không ngừng nay trở thành một đối trọng của Mỹ trong khu vực.

Bản thân Bắc Kinh cũng bị cáo buộc là bên gây bất ổn ở Biển Đông - vấn đề đau đầu nhất của ASEAN, cũng như dùng sức mạnh kinh tế tác động tới một số nước ASEAN để thu về thành quả ngoại giao.

Không ngạc nhiên khi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thẳng thắn nhìn nhận khó khăn của ASEAN trong tranh chấp Mỹ - Trung, cho rằng đã tới lúc các nước Đông Nam Á "phải chọn" giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Còn ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) tại Bangkok vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phải lên tiếng rằng Washington không buộc các đối tác "phải chọn phe".

Thực tế không thành viên nào của ASEAN mong muốn, hay ít nhất thừa nhận mình phải "chọn". Và cách tốt nhất để tiếp tục tiến lên cùng phương châm "Đoàn kết trong đa dạng" là tuân thủ luật pháp quốc tế, mà câu chuyện Biển Đông là ví dụ điển hình.

"Để đảm bảo phát triển hòa bình, ổn định và bền vững, khi đề cập tới các vấn đề liên quan đến Biển Đông, các thành viên ASEAN và các nước bên ngoài nên tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và nguyên tắc một khu vực mở cửa, tự do. 

ASEAN, dưới tư cách một thể thống nhất, cần phải giữ nền tảng ấy và lấy UNCLOS như một cách tiếp cận để ứng phó với Trung Quốc về Biển Đông" - TS Gomez đề xuất.

Cách tiếp cận này trong thực tế được Việt Nam và một số nước khác thể hiện ở AMM vừa qua. 

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã rất thẳng thắn đề cập câu chuyện Biển Đông và đặc biệt là những hành động phi pháp của Trung Quốc, mang nó vào gần như mọi cuộc họp quan trọng trong khuôn khổ AMM, bao gồm cuộc gặp các ngoại trưởng ASEAN với Mỹ và đặc biệt giữa ASEAN với chính Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Quan điểm của Việt Nam về an ninh khu vực được nhiều bộ trưởng ASEAN tán đồng.

Vai trò lớn của Việt Nam

Nếu ASEAN ngày càng đóng vai trò trung tâm và phát triển, quá trình đóng góp của Việt Nam cũng tương tự.

Việt Nam được xem là thành viên năng động và có đóng góp rất lớn vào việc kết nối ASEAN với các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản hay sắp tới là Liên minh châu Âu (EU).

Và cũng như ASEAN với bên ngoài, Việt Nam trong ASEAN có vị thế đặc biệt khi đóng vai trò quan trọng thu hút sự hợp tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU... đồng thời cũng là một trong những quốc gia liên quan tới vấn đề tranh chấp nhạy cảm ở Biển Đông.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Gomez khẳng định việc Việt Nam lấy luật quốc tế làm căn cứ là hướng đi đúng đắn.

"Về nguyên tắc, Việt Nam cần giữ lập trường liên quan tới những vấn đề này - ông nói - Việt Nam vẫn nên là một thành viên năng động trong vấn đề hợp tác của ASEAN, nhằm đảm bảo ASEAN duy trì sự thống nhất".

Ngoại trưởng Malaysia: ASEAN muốn tàu chiến rút bớt khỏi Biển Đông Ngoại trưởng Malaysia: ASEAN muốn tàu chiến rút bớt khỏi Biển Đông

TTO - Ngoại trưởng Malaysia cho biết: ASEAN muốn ít tàu chiến hiện diện ở các vùng nước tranh chấp ở Biển Đông để đảm bảo hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên