26/10/2013 10:35 GMT+7

Thả dù xuống Huế năm 1968

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Đã 45 năm trôi qua, vị đại tá 81 tuổi Dương Tuấn Kiệt vẫn không quên được cái ngày chính ủy Quân chủng phòng không không quân Đặng Tính gọi và lệnh: chuẩn bị đội bay vào Huế chi viện tiếp tế trong đợt tập kích đầu tiên xuân Mậu Thân năm 1968.

9L3Z9l7I.jpgPhóng to
Tổ bay của liệt sĩ Trần Quang Thái chụp ảnh tại sân bay Gia Lâm ngày 7-2-1968 trước khi bay vào Huế - Ảnh tư liệu

Bay trên thành nội, cứu đồng đội

“Anh Đặng Tính nói: bộ đội Trường Sơn làm được đường mòn Hồ Chí Minh trên núi. Hải quân làm được đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Các chú hãy cố làm đường Hồ Chí Minh trên không. Hai tiểu đoàn của ta, tiểu đội 11 cô gái sông Hương bị vây ở thành nội Huế và đồn Mang Cá, đói không có gì ăn. Mình đánh vô nó vây ngoài (sau phải mở đường máu). Những ngày ở đó nó không làm gì được mình nhưng anh em đói, không có gì ăn. Không lẽ chúng ta để mấy tiểu đoàn nhịn đói trong nội thành và trong đồn Mang Cá? Bằng mọi giá phải tiếp tế. Câu nói đó của anh Đặng Tính khiến chúng tôi rất xúc động...” - ông Kiệt hồi tưởng.

“Hồi đó chúng tôi phải bay từ Gia Lâm (Hà Nội) với tốc độ chậm (260km/giờ) đến Thọ Xuân (Thanh Hóa) qua thị trấn Sêpôn (Lào) bên kia đường 9 rồi mới bay vào Huế. Chúng tôi biết đi là cầm chắc cái chết, đi là hi sinh, biết trước sẽ đi vào chỗ chết mà ai cũng phơi phới lạc quan” - ông Kiệt bảo.

Ngày 7-2-1968, tổ bay của ông Kiệt và chuẩn úy Lê Văn Lưu đi trước thả hàng tiếp tế được một chuyến ở nội thành Huế. Mỗi máy bay có hai lính dù và tổ lái năm người (lái chính, lái phụ, phụ trách máy móc trên không, thông tin, dẫn đường). Máy bay cất cánh từ Gia Lâm lúc 18g. Đại tá Kiệt kể: “Tổ bay của tôi do anh Cạy phi công, lái Li-2. Chúng tôi đi trong đêm tối. Khi còi reo báo hiệu đến nơi, mình mở cửa dòm ra thấy phố xá tối đen mịt mùng, nhưng vẫn thấy được sông Hương. Đạn bắn lên như mưa. Không biết mình bắn hay địch bắn vì chúng tôi không được thông báo. Súng máy của nó có đạn dẫn đường. Một băng có 2-3 viên dẫn đường sáng. Chỉ cần một viên dẫn đường đi đúng hướng là các viên khác theo sau. Nó bắn lên sáng rực”.

Máy bay hạ độ cao xuống 300m, đến 250m thì bắt đầu thả, đúng trong thành. Địa điểm thả hàng là những ám hiệu được đánh dấu bởi những đống lửa đốt theo ký hiệu đã hiệp đồng trước: có khi là ba đống lửa chéo chân kiềng, có lúc trong cạnh một đống lửa là một dải vải trắng, có khi là hai miếng vải trắng nối hai cạnh lại.

Đại tá Kiệt nhớ lại: “Khi vào địa điểm thả hàng, người ở dưới hướng dẫn đường đi lắt léo lắm: vào cạnh 4, sang cạnh 2, về cạnh 3, sang nửa cạnh 1 rồi vào trung tâm là hai đống lửa nhưng phải có miếng vải trắng chữ T thì mới vào thả. Người ta tính toán chi li như thế mới thả trúng được. Đi có cạnh chứ không phải đi thẳng vào là thả được ngay đâu. Mấy anh lính dù chúng tôi đeo dây cáp bảo vệ với một dù chính, lỡ bị gió cuốn ra thì máy cáp tự động bật dù. Lúc đầu chúng tôi thả ở đồi Vọng Cảnh, rồi cầu Tràng Tiền, đi vào ngã tư Huế thì lộ. Hàng thả xuống bị địch lấy nên liều thả ngay ngã tư Huế. Mình xác định thả được thì tốt, không thì mất. Vậy mà lại trúng”.

Khi thả gạo, thức ăn, có lúc máy bay phải hạ độ cao xuống cách nóc nhà chỉ 30-40m. “Tổ bay dũng cảm chứ bay thấp như thế nguy hiểm lắm, sơ suất là chết, đụng nhà, đụng trụ ăngten như chơi. Trên sơ đồ thì có nhưng khi bay trên trời tránh đâu có dễ. Hồi đó chúng tôi còn khỏe, với lại nghĩ đến anh em đồng đội mình đang đói lả, kiệt sức nên ai cũng có sức mạnh dẻo dai kỳ lạ lắm, cứ thế ra sức đạp. Bay xa, xăng chở phải nhiều nên mỗi lần đi chỉ chở được hơn 1 tấn hàng. Cực rứa nhưng vẫn phải đi, không để anh em chết đói trong thành Huế được” - ông Kiệt ngậm ngùi nói.

Các tổ bay thay nhau, cứ tối nay đi xong về nghỉ đến tổ khác đi. “Đi thẳng thì không còn ai trở về được, phải đi tắt, đi cạnh chéo, vòng vèo - ông Kiệt khẽ thở dài khi nhớ lại những chuyến bay mà lằn ranh giữa sống và chết quá mong manh ấy - vào trong đó chỉ hơn 1 giờ chứ không thể chịu đựng nhiều hơn được. Nó bắn hai bên sườn máy bay đỏ lừ. Lúc ấy Nga đã cải tiến bạt amen trùm thân và cánh máy bay. Đạn bắn vào chỉ xuyên thủng chứ không cháy, giống như một lớp áo giáp bảo vệ máy bay. Thả xong quay ra về đến nhà là 2g sáng. Tuy chỉ đi được mấy chuyến nhưng sau này anh em các đơn vị ở nội thành Huế nói nhờ có gạo, lương thực và vũ khí tiếp tế mới trụ lại được và rút ra được”.

SuB91bXC.jpg
Đại tá Dương Tuấn Kiệt nghẹn ngào khi kể về chuyến bay định mệnh - Ảnh: My Lăng

“Để tôi đi lần này...”

Mạch nối về miền ký ức của 45 năm trước chợt đứt đoạn. Người cựu binh dù lặng đi, cố nén ngăn không cho dòng nước mắt tràn ra. Ông nghẹn ngào kể: “Tôi mới đi được một chuyến đó. Lẽ ra chuyến tiếp theo tôi đi nhưng anh Toản (thượng úy Nguyễn Ngọc Toản - chính trị viên trưởng) lôi tôi ra một góc, cứ tha thiết: cậu đi mấy chuyến về mệt rồi, nghỉ ngơi đi để tôi đi lần này. Anh ấy nói mãi tôi mới xuôi. Chuyến đó anh Lưu đi cùng anh Toản. Không ngờ đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau”.

Chuyến đi ấy, máy bay chở lực lượng bộ đội tinh nhuệ nhảy dù xuống giải vây cho làng Vây (Khe Sanh) và nội đô Huế.

Bốn máy bay vận tải quân sự IL-14 và Li-2, mỗi máy bay chở được một đại đội, thực hiện nhiệm vụ này. “Anh Thái (liệt sĩ Trần Quang Thái - PV) đi chiếc IL-14 chuyến đầu. Chuyến đầu tiên đi để giải vây toàn đảng viên hết đấy. Kế hoạch là chiếc máy bay của Thái chở bom đi trước làm nhiệm vụ hủy diệt dọn đường rồi ba chiếc IL-14 đi sau thả bộ đội tinh nhuệ. Toàn những ông có máu mặt lái IL-14 không đấy”, ông Trương Thanh Phú kể. Ông Phú ở trong một trong ba máy bay đi sau.

17g ngày 7-2-1968. Chiếc máy bay IL-14 đầu tiên xuất phát được 16 phút thì biên đội ba chiếc sau cất cánh. Mỗi chiếc có năm người trong tổ lái, bốn bộ đội dù và 120 bộ đội tinh nhuệ chuyên đi giải vây mang theo súng đạn, vũ khí chiến đấu. Ông Phú cho biết: “Tổ bay của tôi do anh Minh lái. Đến địa điểm thì bốn bộ đội dù làm nhiệm vụ thả bộ đội giải vây xuống theo đường dây cáp. Các anh ấy ngồi đầy hai bên máy bay. Dây dù móc lên dây cáp. Hai bên máy bay mỗi bên một cửa. Cứ đến người nào thì mình đẩy nhẹ cho người đó nhảy ra khỏi máy bay. Rơi xuống 50m, gần tiếp đất thì dù bật tung ra”.

Người cựu binh trầm ngâm bảo: “Lúc vào chúng tôi vẫn chưa nhận được tin tổ bay của Thái hi sinh. Khi Thái trên đường quay ra, chúng tôi vào thả bộ đội thì không nhận được tín hiệu của máy bay Thái nữa. Lúc đó, trên lệnh cho hai chiếc thả xong về trước. Chiếc còn lại được lệnh bay đi tìm máy bay”.

Biết tin bảy đồng đội đã hi sinh nhưng các chiến sĩ, sĩ quan dù và tổ bay ngày ấy vẫn lên trời làm nhiệm vụ ngay sau đó. Mỗi lần đi là một biên đội ba chiếc. Người cựu chiến binh lại bỗng rơi nước mắt bảo: “Tất cả những người được lệnh đi những chuyến bay đó, hành lý tư trang đơn vị đã quản lý hết. Biết trước là sẽ hi sinh nhưng nhiệm vụ với người lính chúng tôi là trên hết. Nhiều lúc nằm tôi cứ tưởng tượng lại cái cảnh Thái và đồng đội đứng trên cửa vẫy tay lúc lên máy bay. Lúc đó chúng tôi cũng đã mang sẵn dù, đợi xuất phát. Không hiểu sao nhìn cảnh mọi người vẫy tay chào, tôi đã nghĩ: kiểu này chắc chỉ còn tâm hồn ở lại với quê hương thôi chứ thân xác không còn nữa rồi... Họ đã hoàn thành nhiệm vụ và khi quay trở về thì trúng đạn. Rất nhiều đêm nhớ lại hình ảnh đó, tôi không ngủ được vì thương đồng đội”.

Hơn 45 năm trước, đêm 7-2-1968, những người lính dù 305 khác cũng đã một đêm không ngủ...

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: “Đội Hồ Nam” Kỳ 2: Khóa huấn luyện đặc biệt Kỳ 3: Nhiệm vụ đầu tiên Kỳ 4: Tôi luyện trên trời xanh Kỳ 5: Khi lính dù bảo vệ bầu trời

___________

Kỳ tới: Những người cảm tử

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên