23/10/2013 08:51 GMT+7

Nhiệm vụ đầu tiên

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Trưa 5-2-1961, “đội Hồ Nam” được máy bay bạn đưa từ sân bay Vũ Hán về nước. Và ngay tại sân bay Gia Lâm họ nhận phi vụ đầu tiên, nhưng không phải ở VN.

Kỳ 1: “Đội Hồ Nam”Kỳ 2: Khóa huấn luyện đặc biệt

yGZWJSiL.jpgPhóng to
Đại đội 6 (lữ đoàn dù 305) thực hiện nhiệm vụ thả dù tiếp tế cho bộ đội Lào. Có chiến sĩ phải làm việc trên không bảy tiếng một ngày - Ảnh:tư liệu

Thả dù xuống rừng Lào

“Chúng tôi xuống sân bay Gia Lâm mới biết cách mạng Lào có diễn biến mới. Lực lượng dù của đại úy Kong Le (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 2 nhảy dù quân đội Hoàng gia Lào) sau khi đảo chính lật đổ phái phản động cực hữu thân Mỹ đã bị đẩy bật ra khỏi Vientiane và rút lên Bắc Lào. Trên đường rút quân, Kong Le cho quân dù tấn công thẳng vào Cánh Đồng Chum, khu vực do Vàng Pao kiểm soát. Bộ đội Pathet Lào ủng hộ đại úy Kong Le, phát động một loạt đợt tấn công nghi binh ở rìa phía đông Cánh Đồng Chum. Chúng tôi trở về để làm nhiệm vụ thả dù tiếp tế cho bộ đội Pathet và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Nhu cầu cần chi viện rất lớn” - ông Hồ Sĩ Tấn (81 tuổi, hiện đang sống ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết.

“Buổi trưa hôm đó, máy bay vừa về đến sân bay Gia Lâm, trút xuống là làm nhiệm vụ ngay, không ai được về đơn vị” - ông Tấn nhớ lại. Ngay trong đêm đó, đoàn kỹ thuật dù bắt tay vào công việc cùng các đồng chí hậu cần, kỹ thuật Cục Không quân và tổ bay của trung đoàn 919 chuẩn bị hoạt động tiếp tế cho bộ đội Pathet Lào. Ông Tấn kể: “Khi đi học ở Trung Quốc, mỗi người học một thứ chuyên sâu. Trong 11 người, tui là người duy nhất học chuyên sâu về nắm các kỹ thuật thả dù tiếp tế. Đại tá Đặng Tính, lúc đó là cục trưởng Cục Không quân, trực tiếp giao nhiệm vụ cho tui về Cục Hậu cần không quân làm nhiệm vụ gói hàng thả dù tiếp tế cho chiến trường. Trung đoàn không quân vận tải 919 (trung đoàn không quân vận tải đầu tiên của Việt Nam) phụ trách nhiệm vụ tiếp tế này”.

Liên Xô đưa cả máy bay IL-14 chở 10 chuyên gia sang hỗ trợ. Mười máy bay Li-2 Liên Xô cho Lào cũng được gấp rút đưa sang Việt Nam để làm nhiệm vụ. Trung đoàn 919 dùng cả đội máy bay An-2, Li-2 (chở hàng nhẹ và hạ cánh xuống những sân bay gần đấy đưa người xuống để giao nhiệm vụ nhận hàng hóa) và một số máy bay IL-14 thả những loại hàng nặng. Một đại đội phụ trách sân bay gồm 35 người được tuyển chọn do phi công Lịch làm đại đội trưởng thực hiện nhiệm vụ. Trung úy Hồ Sĩ Tấn được giao nhiệm vụ là đội trưởng đội thả dù tiếp tế. “Tôi một mặt vừa huấn luyện 35 anh em gói hàng, thả dù vừa chỉ huy đi thả luôn. Thời gian quá gấp rút nên cứ huấn luyện cho anh em đến đâu làm đến đấy” - ông Tấn cho biết.

Đợt thả hàng trước đó của chuyên gia Liên Xô bị hỏng rất nhiều. Vì núi quá dốc, gió thổi kéo dù quấn trên những ngọn cây. Các thiết bị điện tử, máy bộ đàm bị va đập. Trinh sát của Cục 2 không thể báo cáo về Bộ Tổng tham mưu. Ông Tấn kể: “Tôi thấy thả nguyên một cục là không ăn rồi. Máy điện tử bị chấn động là hỏng. Tui ra chợ trời mua trục bi đóng thành hộp sắt, hộp gỗ. Khi thả xuống nó lăn tròn, máy bộ đàm không bị chấn động. Chân chống và phần thân máy của bộ đàm hơn 100kg chia ra. Không thể thả một dù như lý thuyết mà dùng 2-3 dù để giảm va đập. Nhưng ngặt cái gió thổi mỗi thứ bay lung tung một hướng, khó tìm để ráp lại. Tui lại nghiên cứu rồi nảy ra sáng kiến: buộc các gói hàng lại với nhau, cái nọ nối cái kia bằng đoạn dây dài 15m. Mấy anh trinh sát mừng lắm vì nhờ cách này mà họ mới liên lạc về Bộ Tổng tham mưu được”.

Với những loại hàng nặng như pháo, súng... người sĩ quan trẻ Việt Nam đã nghĩ ra cách buộc 2-4 dù chứ không chỉ dùng một dù như lý thuyết. “Tùy theo điều kiện thời tiết gió máy mà chọn cách thả dù cho phù hợp - ông Tấn cho biết - Nếu gió mạnh thì cứ 2-4 dù (thường là hai dù) cột 2-4 góc của kiện hàng. Hồi tui học ở Trung Quốc và Liên Xô không có kiểu đó. Nhưng bốn góc bốn dù cột bằng nhau thì không được. Mỗi dù tui cho buộc dây có độ dài ngắn khác nhau để khi gió mạnh các dây dù không bị quấn vào nhau, nhưng tác dụng đặc biệt là khi rơi xuống, toàn gói hàng không bị rơi tiếp đất cùng một lúc mà xuống từ từ, từng phần để giảm lực tác động lên hàng, tránh bị va chạm mạnh gây hư hỏng”.

6CK5QHxk.jpg
Dù, súng đạn, lương thực, thuốc men được thả xuống chiến trường Lào từ năm 1961 - Ảnh: My Lăng

Những chuyến bay đêm

“Ngày đó, chúng tôi đi chỉ đeo mỗi băng đỏ có ngôi sao để lấy ký hiệu nhận biết, hai con dao trong ống tay và hai khẩu súng ngắn (mỗi khẩu 12 viên đạn)” - cựu chiến binh Trương Thanh Phú (72 tuổi, Bắc Giang) cho biết.

Để tránh bị radar Mỹ phát hiện từ ngoài biển, các chuyến bay tiếp tế đều phải bay ở độ cao thấp, khoảng 500m, có lúc hạ xuống chỉ 300m.

“Bay thấp gió đưa đi ít hơn, thời gian thả hàng nhanh hơn. Đặc biệt, những kiện hàng nặng như pháo rơi xuống ở độ cao thấp tỉ lệ an toàn cao hơn. Nếu đưa máy bay lên 2.000m, ngoài biển máy bay Mỹ và các chiến hạm quan sát thấy sẽ tìm cách tiêu diệt ngay. Cứ phải bay sát triền núi. Biết độ cao của đỉnh núi như thế nào thì nâng lên cách 500m. Phải nói kỹ thuật bay của phi công mình ngày ấy rất tốt và rất dũng cảm, bản lĩnh mới dám bay như vậy” - người sĩ quan kỳ cựu của lực lượng dù cho biết.

Các chuyến bay đều diễn ra trong bí mật, bay dọc Trường Sơn rồi mới tạt sang Lào. Nếu bay ban ngày phải chọn lúc thời tiết xấu, mưa mù mới đi để tránh địch phát hiện. Nhưng nhiều chuyến bay thường phải cất cánh vào ban đêm, bắt đầu từ lúc 19g.

“Mỗi đêm đi 4-5 chuyến, có đêm tới 10 chuyến. Mỗi chuyến chỉ kéo dài khoảng 90 phút hoặc hơn một tí chứ không được lâu hơn. Máy bay Mỹ sẽ phát hiện và truy đuổi. Có lần tui về đến Hương Khê (Hà Tĩnh) thì máy bay phát hiện, kèm mình khiếp lắm. Bọn tui phải lẩn xuống đi ra biển về đến Quỳnh Lưu (Nghệ An) ra Ninh Bình về Hà Nội” - ông Tấn kể.

“Có lần chúng tôi đến đường 9 Nam Lào bắt đầu qua sông Gianh xâm nhập đường mòn Hồ Chí Minh thì gặp pháo của nó - ông Trương Thanh Phú nhớ lại - Ngày đó mỗi chuyến bay là một lần ra trận. Mình rất hay gặp loại AD-7 của nó bám theo. Phòng không của mình biết nên radar luôn theo dõi, khống chế nó. Tổ bay của tôi từng bị AD-7 ép tí chết. Thả hàng xong rồi, khi về đến cung đường cuối cùng của đường 9, phòng không của mình phát hiện một chiếc AD-7 bám theo. Chúng tôi phải vòng sang đèo Phulanhích (nằm giữa Quảng Bình của Việt Nam và tỉnh Khăm Muộn của Lào) đi gần sát xuống vách núi lẩn mất. Hôm đó nó chỉ ép chứ không bắn vì không mang hai khẩu 20 li không đối không ở chân phụ. Bữa đó nó mang thì chúng tôi chết hết”. “Có tổ bay bị nó vừa ép sát bên sườn vừa để tránh pháo phòng không của mình. Khi pháo phòng không ép được nó thì nó lên cao ép đè mình xuống núi. Mình phải hạ độ cao, khi xuống còn... 100m thì rơi tự do, khi xuống thấp gặp dòng đối lưu kéo tụt máy bay xuống. Có tổ bay hi sinh hết vì bay thấp, mà lại bay ban đêm nên đâm vào núi. Máy bay mình hồi đó cũ chứ đâu có hiện đại như bây giờ...” - đại tá Dương Tuấn Kiệt xót xa kể.

Trong hai năm 1961-1962, từ chiến dịch Thượng Lào đến Hạ Lào, lực lượng dù còn non trẻ của Việt Nam đã tham gia thả hàng triệu tấn vũ khí, khí tài và lương thực an toàn đến các đơn vị chiến đấu.

Trong hai năm 1962-1963, trung úy Hồ Sĩ Tấn là người duy nhất được cử sang Lào làm chuyên viên quân sự hỗ trợ huấn luyện nhảy dù cho một trung đoàn và nhảy dù biểu diễn trong ngày tết Lào chào mừng thắng lợi của Chính phủ hòa hợp dân tộc Lào. “Hoàng thân Souphanouvong tặng tui mấy bao thuốc lá 3 con 5, tui mang về chiêu đãi anh em. Hoàng thân còn biếu tiền nhưng tui không nhận vì nước bạn lúc đó còn nghèo lắm. Trung đoàn trưởng dẫn tui ra phố ăn uống thêm, tặng tiền và nhẫn nhưng tui từ chối. Tui bảo tui nhận lệnh qua giúp các đồng chí thôi. Việt Nam và Lào là anh em. Các đồng chí không phải tiền bạc gì cả” - ông Hồ Sĩ Tấn kể.

_________________

Kỳ tới:Tôi luyện trên trời xanh

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên