Hồi đó nhà nào nghèo khó lắm, nghèo "rớt mồng tơi" như nhà tôi, Tết đến ba tôi cũng cố mua cho được "phân pháo" để mang về nhà đốt khi cúng tất niên hay trong đêm cúng giao thừa, để rước ông bà về nhà ăn Tết cùng với con cháu.
Tháng chạp về, gần Tết, từ làng trên xóm dưới, đâu đâu cũng nghe tiếng pháo nổ đì đùng, giòn tan khi "người người nhà nhà" làm mâm cúng bái ông bà, tổ tiên. Tiếng pháo nổ đì đùng còn như "báo hiệu" một mùa xuân, một năm mới đang cận kề.
Tôi nhớ thời đó mỗi làng, xã còn có cái loa phát thanh để phát tin tức cho bà con nghe để nâng cao dân trí. Cứ mỗi khi gần đến Tết, những bài hát về mùa xuân cứ phát liên tục, mỗi ngày trên loa phát thanh khiến lòng người lại càng hân hoan, náo nức với mùa xuân, với Tết Nguyên đán sắp cận kề.
Điều đặc biệt, khi những bài hát về mùa xuân được phát trên loa phát thanh cũng là lúc "nhà nhà, người người" ở quê tôi bắt đầu lên kế hoạch, vào bếp để làm những món ăn, những món bánh của quê hương xứ sở trong ba ngày Tết, trước là để dâng cúng ông bà, tổ tiên, để tiếp đãi khách khi đến "xông nhà", chúc Tết trong những ngày đầu năm mới, đó là phong tục, thói quen từ bao đời nay, sau nữa là để con cháu có cái để ăn trong ba ngày Tết.
Hồi đó Tết tuy nghèo nhưng tình làng nghĩa xóm gắn bó, khăng khít mỗi dịp Tết đến. Thường nhà nào nghèo khó cùng nhau hùn trứng, bột... chung với nhà hàng xóm để làm bánh, đổ bánh, rồi sau đó chia ra.
Ai góp bột, góp trứng nhiều thì đương nhiên sẽ được chia phần nhiều. Thú thật, thời nghèo khó, thời còn "thiếu ăn thiếu mặc" nên trong ba ngày Tết mà được ăn chút thịt, cá, được thưởng thức, được ăn mấy cái bánh Tết, là bánh thuẫn, bánh nổ hay bánh in thấy ngon đến lạ lùng. Có khi còn để dành, không dám ăn hết.
Hình như "tiết trời", những ngày tháng chạp của những cái Tết thời "bao cấp" cũng khác như bây giờ. Tiết trời đầu đông của những ngày tháng chạp cứ lành lạnh kéo dài, mưa phùn rả rích đến qua giêng, qua hai cũng đủ để làm lòng người ấm áp, hân hoan.
Ngồi trong bếp lửa bên cạnh má, hơ hơ bàn tay để sưởi ấm, xem má làm bánh Tết cũng đã đủ thấy cái "mùi Tết" đang cận kề...
Tết bây giờ có khác Tết xưa, đó là câu hỏi mà tôi thường nghe những năm gần đây mỗi khi có dịp về quê nhà ăn Tết bên cạnh gia đình. Có người "than" rồi bảo rằng Tết ngày càng "nhạt" dần. Tết bây giờ không giống không khí như Tết xưa.
Có người còn so sánh Tết xưa dẫu còn nhiều nghèo khó là thế, nhưng mà vui và có nhiều kỷ niệm để nhớ. Những câu chuyện, kỷ niệm về những cái Tết xưa, những cái Tết thời nghèo khó được mang ra kể.
Những đứa trẻ lên bảy, lên tám ngồi vây quanh người lớn để đón nghe những câu chuyện Tết xưa với tâm trạng thật háo hức, say sưa. Liệu Tết của hôm nay có nhạt, Tết không có nhiều kỷ niệm để "thương" để "nhung nhớ" như những lời "than vãn" của không ít người?
Với tôi, Tết vẫn thiêng liêng, hay nói đúng hơn Tết vẫn linh thiêng và chưa bao giờ nhạt dù có thể không khí đón Tết Nguyên đán, đón Tết cổ truyền của nhiều năm gần đây không giống như những cái Tết xưa, không như những cái Tết thời "bao cấp" còn nghèo đói, thiếu thốn mỗi khi Tết đến.
Mỗi khi gần đến Tết lòng tôi vẫn là sự hân hoan, háo hức và rạo rực, mong ngóng ngày trở về quê nhà, để sum họp, đoàn viên bên cạnh má, bên cạnh gia đình.
Để được đi tảo mộ, để được đi viếng thăm mộ phần ông bà, tổ tiên, để được phụ má làm mâm cúng ông bà tổ tiên trong đêm giao thừa, để được đi lễ chùa cùng má vào mùng 1 Tết, về thăm quê ngoại mùng 2 Tết... sau một năm xa quê và để được cùng nhau quây quần bên mâm cơm của gia đình trong đêm giao thừa ngày 30 Tết, và trong những ngày Tết Nguyên đán thì còn gì hạnh phúc bằng.
Và với gia đình tôi, với má, cho dù là những cái Tết thời "bao cấp" còn nghèo khó, thiếu thốn hay trong những cái Tết tươm tất, đủ đầy của ngày nay thì trong mâm cúng, trong mâm cơm gia đình cũng không thể thiếu vắng những món ăn mang đậm xứ sở quê hương hay những món ăn truyền thống má làm trong ba ngày Tết như món canh khổ qua nhồi thịt, món canh xúp, món thịt ram, món dưa củ kiệu, thịt heo ngâm mắm, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh in, bánh tét...
Giữ gìn Tết linh thiêng cũng còn tùy thuộc vào phong tục, truyền thống của mỗi gia đình. Tôi nghĩ mỗi người, mỗi nhà, mỗi gia đình biết trân trọng, biết sẻ chia, biết quan tâm, biết yêu thương nhau, đặc biệt là biết gìn giữ những giá trị cốt lõi của truyền thống, đạo đức, tập quán, phong tục của gia đình, của ông bà, tổ tiên giữ gìn, truyền lại cho thế hệ con cháu qua bao đời thì chắc chắn rằng Tết Nguyên đán sẽ mãi là "hồn cốt", sẽ sống mãi trong tiềm thức, trong tâm tưởng của mỗi người mỗi khi Tết đến xuân về, nhất là đối với những người con xa quê hương. Tết là điều thiêng liêng.
Tết sẽ không bao giờ "nhạt" trong lòng mỗi người Việt dù ở bất cứ phương trời nào.
Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.
Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email muaxuan2025@tuoitre.com.vn.
Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số CCCD cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.
Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).
Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ
Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.
Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
- 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng.
- 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
- 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.
Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận