Nhân viên Trung tâm tiếp nhận đối tượng xã hội Bình Triệu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) lập hồ sơ tiếp nhận người nghiện ma túy - Ảnh: Tiến Long |
Đây là hội nghị triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp đối với người nghiện ma túy và đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy.
Đại diện các quận huyện cho biết sau năm ngày thực hiện công tác tập trung người nghiện, đã có tình trạng người nghiện phản ứng dữ dội khi bị tập trung về phường xã và cơ sở tiếp nhận ban đầu.
Người nghiện rất manh động
Cần coi công tác phòng chống ma túy là nội dung trọng tâm, liên tục và lâu dài để người nghiện ma túy không làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự của TP và cũng để cứu vãn cuộc sống của nhiều con em các gia đình |
Ông VÕ VĂN THƯỞNG (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) |
Theo các quận huyện, ngoài việc phản ứng và chống đối bằng cách bỏ chạy bằng xe máy gây nguy hiểm không chỉ cho người nghiện mà cho cả người đi đường, khi được đưa về phường xã người nghiện cũng có những hành động rất manh động: đập phá đồ đạc, tấn công cán bộ nhân viên của phường.
Ông Nguyễn Hồ Hải, bí thư Quận ủy Q.8, cho biết trong những ngày đầu mới ra quân, lực lượng cán bộ phường đi đông và có cả công an thì người nghiện không phản ứng, nhưng những ngày sau thì họ tấn công lại các cán bộ.
Còn ông Hoàng Song Hà, chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho rằng bước khó khăn tiếp theo đối với việc tập trung người nghiện ma túy chính là việc hoàn thiện hồ sơ sau khi tập trung.
Tại Q.Bình Thạnh, lực lượng cán bộ làm công tác tập trung cũng gặp phải sự chống đối quyết liệt của những người nghiện. Thậm chí sau khi được đưa về các cơ sở tập trung là Nhị Xuân (H.Hóc Môn) và Bình Triệu (Q.Thủ Đức), những người nghiện này tiếp tục manh động. Ông Hứa Ngọc Thuận nói: “Họ đập cả giường ở trung tâm, nhất là những người nghiện ma túy tổng hợp”.
Ông Lê Bá Hoàng, giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu, cho biết do từ đầu năm đến nay người nghiện không bị xử lý, họ sử dụng ma túy trong thời gian dài, liều cao nên việc tiếp nhận, cắt cơn gặp nhiều khó khăn. Việc cắt cơn đột ngột khiến nhiều người nghiện có những hành động không kiểm soát, đập phá.
Còn ông Bùi Thanh Tuấn, giám đốc cơ sở xã hội Nhị Xuân, cho biết các cán bộ, nhân viên trung tâm cũng gặp nhiều khó khăn khi phải tiếp nhận và cắt cơn cho một số lượng lớn người nghiện. Tính đến nay, con số tiếp nhận đã lên đến trên 600 người.
Trước đây, Nhị Xuân là cơ sở cai nghiện bắt buộc của TP, nay được bổ sung chức năng cơ sở xã hội, tiếp nhận, điều trị cắt cơn, tư vấn chăm sóc ban đầu cho người nghiện. Việc cắt cơn cùng một lúc cho một lượng lớn bệnh nhân cũng gây nhiều áp lực cho cán bộ, nhân viên tại đây. Đặc biệt, nhiều người nghiện không hợp tác, chống đối.
Đầu tháng 1-2015, tòa án sẽ họp ra quyết định
Các tỉnh thành đang theo dõi TP.HCM Ông Hứa Ngọc Thuận cho biết theo thông tin mà TP tiếp nhận thì không chỉ nhân dân của TP.HCM mà nhân dân các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng hết sức phấn khởi, lãnh đạo các tỉnh thành cũng đang theo dõi việc triển khai tập trung người nghiện lang thang của TP. Một số địa phương cũng muốn đến TP học tập kinh nghiệm để triển khai trên địa bàn của mình. |
Theo báo cáo nhanh của UBND TP.HCM, tính đến hết ngày 8-12 toàn TP đã tập trung được 1.240 trường hợp (trong đó lập hồ sơ được 958 trường hợp) dương tính với ma túy, không có nơi cư trú ổn định trong tổng số 23 quận huyện (riêng H.Cần Giờ không có trường hợp nào) đưa vào các trung tâm tiếp nhận ban đầu để thực hiện việc cắt cơn, giải độc.
Ông Lê Bá Hoàng cho biết sau giai đoạn cắt cơn, người nghiện được chuyển qua khu sinh hoạt chờ hoàn chỉnh quá trình xác minh, lập hồ sơ chuyển sang cho tòa án ra quyết định.
Tại đây, các cán bộ sẽ tư vấn tâm lý, phổ biến các quy định của pháp luật để người nghiện nắm được vì sao họ được đưa vào đây. Đồng thời, lực lượng y tế sẽ tiếp tục thăm khám, theo dõi để hoàn chỉnh việc xác định tình trạng nghiện...
Theo dự tính của ông Hứa Ngọc Thuận, đến khoảng đầu tháng 1-2015 sẽ có những buổi họp đầu tiên của TAND quận huyện để xem xét, ra quyết định. Sau khi quyết định này có hiệu lực sẽ chuyển những người nghiện đi cai nghiện tập trung.
Đảm bảo nhân lực cho cai nghiện
Tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - phó bí thư thường trực Thành ủy TP - cho biết mục tiêu của TP đề ra đối với hai cơ sở xã hội Nhị Xuân và Bình Triệu là tiếp nhận khoảng 2.000 người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định, sau đó tiếp nhận thêm.
Do đó cần phải đảm bảo tốt về nhân lực để thực hiện nhiệm vụ với tinh thần coi trọng quyền con người đối với người nghiện ma túy. Các cán bộ, nhân viên tham gia công tác tiếp nhận, cắt cơn, tư vấn... phải hết sức cẩn trọng, chặt chẽ. Các đơn vị cần nỗ lực tối đa rút ngắn thời gian lập hồ sơ, rút ngắn ngày nào hay ngày đó. Tòa án cải cách thủ tục hành chính để thực hiện nhanh việc đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ông Thưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng. Ông nhận định: hiện nay người nghiện có nơi cư trú ổn định đã được TP thống kê nhưng còn sót lọt rất lớn. Do đó cần tăng cường tuyên truyền, vận động người nghiện và gia đình người nghiện khai báo, đồng thời huy động mặt trận, đoàn thể tại phường xã tham gia phát hiện, khai báo.
Bên cạnh đó, các sở ngành cần nhanh chóng chuyển đổi một số trung tâm cai nghiện bắt buộc sang hình thức trung tâm cai nghiện tự nguyện hoặc tự nguyện một phần, đẩy mạnh hình thức cai nghiện ma túy bằng Methadone, tập trung tối đa tấn công tội phạm ma túy.
Về mặt tuyên truyền, ông Thưởng đề nghị Ban tuyên giáo Thành ủy TP chủ động thông tin nội dung về công tác phòng chống tệ nạn xã hội để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận