Kiểm tra sức khỏe ban đầu cho người nghiện tại trung tâm Bình Triệu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Tiến Long |
Người nghiện từ 10 quận huyện gồm 1, 2, 3, 7, 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè và Cần Giờ liên tục được đưa về đây.
Tuổi Trẻ đã có buổi ghi nhận tại cơ sở xã hội Bình Triệu.
Vào trại
“Ngày đầu tiên, tới tận 1-2g sáng vẫn còn xe đưa người tới. Ba ngày nay, bất kể lúc nào chúng tôi cũng phải túc trực để nhận người và tiến hành cắt cơn luôn” - anh Nguyễn Hoàng Nghĩa, cán bộ y tế tại cơ sở Bình Triệu, cho biết.
Bộ phận y tế tiếp nhận được phân làm hai ca, mỗi ca năm người làm liên tục 24/24 giờ. Có mặt tại đây buổi trưa 8-12, kíp trực đang tiếp nhận bệnh nhân L.B.Q. (44 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh). Bộ phận bảo vệ xem xét người bệnh cẩn thận rồi phát áo, khăn mặt đưa ra bàn tiếp nhận để ba nhân viên y tế khám, phân loại và cho uống thuốc cắt cơn trước khi đưa vào phòng cắt cơn.
Đã tập trung 1.200 người nghiện Tính đến 14g ngày 8-12, có hơn 1.200 người nghiện lang thang đã được tập trung về các phường xã, trong đó có hơn 700 người được đưa về hai cơ sở xã hội là Bình Triệu và Nhị Xuân để điều trị cắt cơn. |
Bác sĩ Danh Thị Minh Hà - phó giám đốc bệnh viện - cho biết người nghiện sẽ được thử lại nước tiểu để xét nghiệm ma túy, đo chiều cao, cân nặng, đánh giá sức khỏe ban đầu và khám sàng lọc bệnh để phân vào các phòng bệnh nặng, nhẹ.
Trong 2-3 ngày sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám hằng ngày để lập hồ sơ xác định tình trạng nghiện.
“1-2 ngày đầu người bệnh thường vật vã nhiều, la hét... 3-4 ngày sau mới tương đối ổn để có thể tiếp xúc được. Việc xác định tình trạng nghiện theo quy định là năm ngày. Tuy nhiên với heroin, việc xác định dễ dàng hơn ma túy đá vì hội chứng cai rõ ràng hơn. Người nghiện ma túy đá chỉ khi kèm theo rối loạn thần kinh cụ thể thì mới dễ nhận biết” - bác sĩ Hà nói thêm.
Tại khu vực cắt cơn, ngoài các nhân viên y tế túc trực thường xuyên, các bảo vệ cũng phải làm việc rất vất vả, phải trông coi phòng cắt cơn liên tục để theo dõi diễn biến của bệnh nhân. Nhiều trường hợp bị sảng thuốc, la hét, đập phá phải được phát hiện kịp thời.
Trải qua giai đoạn cắt cơn 2-3 ngày, sức khỏe và tâm lý ổn định hơn, người nghiện sẽ được chuyển tới khu sinh hoạt để chờ xác minh, lập hồ sơ và chờ quyết định của tòa án.
Ông Nguyễn Trí Thanh - phó giám đốc cơ sở xã hội Bình Triệu - cho biết lực lượng y bác sĩ của cơ sở hiện nay gồm 10 người và sẽ tiếp tục được Sở Lao động - thương binh và xã hội tăng cường thêm.
Sau cơn mê, nhớ mình là mẹ
“Chị ơi, chị nhắn người nhà em có đi thăm bệnh thì mang con em theo với. Em chỉ muốn nhìn mặt thằng nhỏ. Em nhớ nó quá” - chị T.T.M.L. (quận 4, 45 tuổi) năn nỉ khi gặp chúng tôi.
Sau hơn hai ngày nằm tại phòng cắt cơn, chị Loan đã tỉnh táo và được chuyển xuống dãy phòng sinh hoạt đang chờ xác minh, làm hồ sơ. Dáng người nhỏ thó, gầy khô và đen nhẻm, chị Loan kể rằng đã nghiện từ năm 1998 và có tới ba đứa con, hai đứa lớn ở với bà ngoại, đứa nhỏ mới 1 tuổi ở với chị.
Hằng ngày, chị bế con đi lang thang khắp nơi để xin tiền rồi mua thuốc hút, mỗi ngày “đốt” gần 550.000 đồng. Cứ 12g đêm chị ra đường mua thuốc, mua không được thì lang thang ngoài đường tới 6g sáng đợi người ta bán.
Chị bảo có con nhỏ, nhiều lúc thương con cũng muốn cai nhưng tự cai rồi vài ngày lại bị ma túy đưa đường dẫn lối. Chồng chị cũng chịu hết thấu việc chị nghiện ngập nên đã bỏ mẹ con chị đi.
“Tui bỏ được nó (heroin) thì chồng đâu có bỏ tui. Lần này, tui đi cai hai năm rồi về với con” - chị L. nói. Chị bảo hồi trước hút heroin vì nghĩ nó chỉ như thuốc lá, cai được. Nhưng rồi chị nhận ra ở ngoài không thể nào cai được, bởi “có chân là đi, có tiền là mua”.
Được đưa vào đây cùng với chị Loan còn có bệnh nhân N.M.H.U. (quê Bình Thuận, đang ở tại Q.Bình Thạnh). U. cũng đã cắt cơn xong và ổn định sức khỏe. Giờ đây chị lại thẫn thờ và thỉnh thoảng như hốt hoảng, quẫn trí khi nhớ ra trước đó mình đã bỏ đứa con mới sinh được gần hai tuần trong bệnh viện để đi tìm ma túy. Đôi mắt chị dần đỏ hoe khi kể rằng con chị đẻ rớt phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Chị nghiện từ trước khi mang thai, vào viện với con được vài ngày, nhớ thuốc đã bỏ đi cả tháng nay, sống lang thang không về nhà vì đã gây gổ với cả nhà chồng. Lúc này, khi lý trí đã thoát khỏi sự điều khiển của ma túy, chị chỉ hi vọng gia đình chồng đã đón con về.
Vợ chồng chị cùng nghiện ma túy nên bị gia đình chồng ghét bỏ. Khi bỏ ra khỏi bệnh viện, lúc đó trong đầu chị chỉ có mỗi ma túy, chẳng còn có thể nghĩ ngợi gì đến con.
Đến giờ, chị mới thật sự nhớ ra mình là mẹ, chị cứ hỏi đi hỏi lại: “Con em đang ở bệnh viện, nếu gia đình em không tới đưa về thì bệnh viện cũng không dám cho người khác nuôi nếu em chưa đồng ý cho phải không?”.
Chị N.T.T.M. (ngụ Cần Thơ, người nghiện lang thang tại công viên 23-9) cũng là mẹ của hai đứa con. Chị là người nghiện tôi từng tìm gặp cách đây hai tuần để hỏi ý kiến của chị về việc TP tập trung người nghiện không nơi cư trú.
Lúc ấy, ngày đêm chị lang thang ở công viên, khi thì trộm cắp, khi thì đi mua thuốc giùm người khác để kiếm tiền chích, không dám về Cần Thơ gặp má chị và các con. Chị cũng bảo muốn đi cai, còn hơn sống cuộc sống cù bất cù bơ. Đến ngày thấy chị ở trung tâm, khi đã qua cơn nghiện, chị lại nài nỉ gọi điện về nhà cho má.
Chị vừa nói vừa chảy nước mắt và vẫn như níu một hi vọng: “Lần này chắc má bỏ chị rồi, nhưng em cứ gọi điện thoại về cho má chị một lần để má biết chị đang ở đây”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận