04/02/2019 23:30 GMT+7

Tết miền Tây vui lắm: có tiếng nói cười, có tiếng cụng ly chan chát

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Người miền Tây cũng lạ, hễ hai ba người đàn ông tụ nhau lại một hồi là thế nào cũng gầy độ nhậu, cứ vậy chén chú chén anh thâu đêm suốt sáng.

Tết miền Tây vui lắm: có tiếng nói cười, có tiếng cụng ly chan chát - Ảnh 1.

Minh họa: BÍCH KHOA

Tết thì ăn nhiều hơn, mặc đẹp hơn, thức muộn hơn và rượu cũng vô chừng hơn. 

Giao thừa còn có lẫn tiếng ly va vào nhau, tiếng đũa khua trong chén, tiếng cười nói rôm rả như lời khởi đầu cho những dự định trong thời khắc đầu tiên của năm mới.

Tôi có thói quen tụ tập bạn bè vào tối ba mươi, nhưng làm gì thì làm đứa nào cũng ý thức rằng mình phải có mặt ở nhà trước giao thừa. 

Tôi chắc rằng mình không ở nhà vào đêm giao thừa thì cũng chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng tựa hồ hơi thở không thấy được, song nếu thử nín thở cái là thấy ngộp ngay, giao thừa cũng tựa hơi thở vậy. 

Cái thời khắc trôi qua rất nhẹ, khi kim giờ và kim phút gặp nhau ngắn ngủi ở số 12 trên chiếc đồng hồ vào ngày ba mươi tháng chạp, chuyển dần sang mùng một Tết ta. Trước điểm gặp gỡ ấy vạn vật là cũ, và sau cái điểm gặp gỡ ấy vạn vật là mới, là sự thoát khỏi tạm thời quá khứ và dịp để bắt đầu lại bằng những dự định mới. 

Nó gây cho người ta cái cảm giác rốt cục mọi chuyện may mắn hoặc xui xẻo thì cũng đã là những chuyện của năm qua rồi, giờ đây mới là cơ hội để sửa chữa, để khép lại và cũng để mở ra.

Đối với những đứa trẻ xa quê chúng tôi, Tết là ngày trở về để lấy lại một hương vị, một cảnh sắc, một truyền thống để gợi về một khoảng yên bình, một kỳ nghỉ dài nhất trong năm, mà nếu không có nó, chúng tôi hiếm có cơ hội trở về gặp lại những người thân quen của mình, hiếm có cơ hội được nghỉ ngơi thật sự và kết nối thật sự, sự kết nối giữa cái tôi hiện tại và cái tôi của quá khứ, mà đêm giao thừa thành một mắt xích nối kết hai cái phần đó lại. 

Chúng tôi không chăm sóc nhà cửa chu tất để đón giao thừa như người lớn, cũng không có cái háo hức trẻ con khi nhận lì xì. Chúng tôi dành nhiều thời gian cho bạn bè, những buổi tụ tập, chúng tôi muốn một không gian thoáng rộng của đường phố hơn là ru rú chen chúc xin lộc đầu năm vào đêm giao thừa. 

Chỗ chúng tôi là thuộc về đám đông, cùng với mấy triệu người Việt Nam và Đông Á khác, đón thời khắc giao thừa để có cảm giác như mình cũng là một phần của thế giới, sự chia sẻ với gia đình thì ít hơn vì chúng tôi đã thoát được gia đình bao năm đâu, sự tự do chúng tôi vẫn chưa hưởng đủ, không biết rằng sau thời khắc giao thừa khi tôi xách xe ra đường thì ba mẹ nghĩ gì? 

Chắc thời trẻ của ba mẹ, họ cũng không tự do như tôi bây giờ và tôi tin rằng đến tuổi của ba mình bây giờ không biết sự gắn kết của tôi với thời khắc giao thừa, với Tết ta, với truyền thống có sâu đậm như ông không? Nhiều người ở quê tôi nói rằng riết rồi Tết cũng hông có gì vui, riết rồi thấy cũng bình thường như mọi ngày, chút chộn rộn rồi thôi. 

Ấy là lòng con trẻ trong ta đã cạn để nhường cho sự chín của tuổi già, khi mà lòng ta đã đánh mất ý nghĩa của những thời khắc, của chuyển giao, chúng ta duy trì một thông lệ, một phong tục mà không biết cách "tận hưởng" phong tục ấy, bởi định kiến trong ta cho rằng phong tục thường đi kèm với những lệ và những lễ, và những lễ này ràng buộc làm ta cảm thấy mất tự nhiên, sao không xem mọi chuyện như bình thường. 

Nhưng rồi đến một lúc chúng ta nhận ra rằng trong những lệ và những lễ của một phong tục chứa đựng trong ấy sự bằng an, duy trì một trật tự ổn định, để ngày tháng không chỉ là trôi qua mà là tuần hoàn, có đông, có thu thì tất sẽ đến hạ rồi xuân, có câu chuyện hôm nay, có sự việc hiện tại thì cũng biết rằng nó rồi sẽ thành kỷ niệm, thành quá khứ và còn đó những cơ hội, bởi tất cả đã được đánh dấu bằng thời điểm chuyển giao. 

Cũng giống như con người, có sinh ra, có lớn lên rồi già lão và chết, như nội tôi mất hơn một năm rồi. 

Và theo quy luật muôn đời tôi phải có vợ, sinh con, những đứa con ấy mà (nghĩ thôi cũng mắc cười) khi chúng nhìn tôi như một người già thì chúng sẽ nhìn nhận Tết như thế nào, chúng có còn cái bồi hồi hay tận hưởng giờ phút năm cũ bước sang năm mới không? 

Lúc đó, khi tôi già ấy mà, có còn ai quan tâm đến đêm giao thừa hay chỉ thuần túy coi Tết là một kỳ nghỉ dài như cách người ta vẫn nghĩ khi muốn gộp Tết tây và Tết ta. 

Mà Tây hay ta đâu còn quan trọng nữa, nếu ta đã lãng quên, đã đánh mất ý nghĩa thật sự của một thời khắc, một thời khắc dù chỉ thoáng qua thôi nhưng mang nặng trong đấy lịch sử, truyền thống, cội nguồn trong cái dáng vẻ tưởng chừng bình thường của nó. 

Hợi Dome 2019 - Ngắm heo rực rỡ sắc màu đón Tết Hợi Dome 2019 - Ngắm heo rực rỡ sắc màu đón Tết

TTO - Không hẹn mà gặp, các họa sĩ nhóm G39 đều cùng nhau mang tới những bức tranh với gam màu ấm nóng, rực rỡ tới triển lãm ‘Hợi Dome 2019’ sắp diễn ra tại Hà Nội.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên