10/06/2024 06:19 GMT+7

Tết Đoan ngọ vui vầy với nhót, mận, rượu nếp và lá móng, giờ còn không?

Dân Việt xưa có tục đi hái lá mồng 5. Quà biếu Tết mồng 5 từng là ngỗng, đậu xanh hay dưa hấu với đường. Rồi mồng 5 tháng 5 vui vầy với nhót, mận, rượu nếp và lá móng... Giờ còn không?

Trong mâm cúng dâng lên ông bà tổ tiên ngày mồng 5 tháng 5, nhiều nhà không thiếu bánh gio, mận, rượu nếp - Ảnh: NGUYỄN HỒNG THÚY

Trong mâm cúng dâng lên ông bà tổ tiên ngày mồng 5 tháng 5, nhiều nhà không thiếu bánh gio, mận, rượu nếp - Ảnh: NGUYỄN HỒNG THÚY

Mồng 5 tháng 5 âm lịch gọi là Tết Đoan ngọ, hay là Đoan dương. Trong đó, "Đoan" được hiểu là mở đầu, "ngọ" có nghĩa là giữa trưa hay "dương" là mặt trời.

Đoan ngọ hay Đoan dương chỉ thời điểm khí dương đang thịnh nhất trong năm. Đây là lễ tiết quan trọng thứ hai sau Tết Nguyên đán của người Việt.

Đất lề quê thói ngày Tết Đoan ngọ

Nếu từng đọc Việt Nam phong tục (xuất bản lần đầu năm 1915) của tác giả Phan Kế Bính và Đất lề quê thói (khoảng 1970) của tác giả Nhất Thanh, chắc không ít người còn nhớ ngày mồng 5 tháng 5 đầy phong vị của dân tộc.

Vào ngày này, nhiều nơi con cháu lo biếu Tết ông bà cha mẹ, con rể sêu tết nhạc gia, học trò biếu Tết thầy dạy.

Quà biếu Tết thường là ngỗng với đậu xanh hay dưa hấu với đường. Tục ghi từ sáng sớm lúc trẻ con còn ngủ chưa dậy, người lớn đã lén bôi hồng hoàng vào thóp thở, ngực và rốn để trừ trùng.

Ngày này, trẻ nhỏ được nhuộm móng tay, móng chân bằng lá móng (trừ ngón tay trỏ và ngón chân trỏ), đeo bùa chỉ ngũ sắc với một cục hồng hoàng với những túi nhỏ tết hình quả đào, quả khế, quả ớt... bằng the lụa màu sặc sỡ.

Ăn bánh gio, rượu nếp, hoa quả mùa hè để giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh: T.ĐIỂU

Ăn bánh gio, rượu nếp, hoa quả mùa hè để giết sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ ở Hoàng Thành Thăng Long - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Nhất Thanh kể ngày này, người ta ăn rượu nếp, mận, đào. Người lớn, cả đàn bà uống chút rượu hòa tam thần đan hay hồng hoàng để giết sâu bọ. Nhiều làng còn có tục ăn trứng luộc, ăn kê. Ông Phan Kế Bính liệt kê thêm muỗm, nước dừa...

Trưa đến thì nhà nhà làm cỗ cúng gia tiên. Tháng 5 đúng mùa dưa hấu nên "bắt buộc phải có dưa hấu với đường cát".

Cúng xong, dân tình rủ nhau đi hái lá mồng 5. Nghe lạ quá, tưởng chừng có thêm một mùa Tết Nguyên đán giữa hè.

Bất cứ lá gì nhưng được ưa chuộng nhất là ngải cứu, lá ích mẫu, lá cối xay, lá muỗm, lá vối... mang về phơi khô rồi nấu uống. Dân ta cho thế là lành.

Học giả Phan Kế Bính còn cho biết trong cuốn sách của mình, vào ngày này có nhiều người đi lấy lá ngải cứu, tùy từng năm con giáp nào thì tết hình con giáp đó, treo giữa cửa để trừ sự bất tường, hoặc trong nhà ai bị đau bụng thì dùng làm thuốc rất tốt.

Theo ông, tục hái lá bắt nguồn từ tự điển Lưu Thần, Nguyễn Triệu đời nhà Tấn. Hôm mồng 5, hai gã vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp tiên, bởi thế mà thành tục.

Tác giả Nguyễn Nhất Thanh viết: "Tục ăn Tết Đoan ngọ không biết có từ đời nào".

Mấy cụ nho học xưa cho dân ta bắt chước theo người Trung Hoa để tưởng niệm Khuất Nguyên đời Xuân Thu tuẫn tiết vì trung nghĩa nhưng "xem ra không có bằng chứng xác đáng". Cách cúng kiếng, ăn Tết cũng không giống nước họ.

Nhót chua, mận chín, rượu nếp thơm lừng và lá móng trong tập tùy bút nổi tiếng Thương nhớ mười hai (viết từ đầu năm 1960-1971), nhà văn Vũ Bằng dành nguyên một tháng 5 chỉ để nhớ nhót, mận, rượu nếp và lá móng ngày Tết Đoan ngọ.

Ông viết, sang tháng 5, "có lúc nhớ quả nhót đến thèm... rỏ dãi". Vào ngày này, nhà nào ở Bắc cũng giết sâu bọ bằng rượu nếp, mận, nhót và bỏng bộp.

Đây là ngày mà ở thành thị hay nông thôn, dù có lo cắm mặt làm ăn cũng không bao giờ quên ăn Tết Đoan ngọ. Đến thế hệ của Vũ Bằng, dù đã làm "cách mạng bản thân", không nhuộm lá móng và đeo bùa chỉ như hồi bé tí nhưng vẫn không bỏ được tục giết sâu bọ.

Dầu vậy, nhà văn Hà Nội vẫn nhớ cái thuở nhỏ "hãnh diện" khi ngắm nghía móng tay móng chân đỏ chói màu gạch cua bể luộc. Nhớ đúng sáng mồng 5, diệt sâu bọ "bằng bát cháo trắng, rượu nếp và các thứ trái cây".

Mâm cỗ Tết Đoan ngọ với rượu nếp, trái cây theo mùa - Ảnh: T.L.

Mâm cỗ Tết Đoan ngọ với rượu nếp, trái cây theo mùa - Ảnh: T.L.

Rồi nhớ cả "em" - người đàn bà Bắc tảo tần, chồng nói làm rượu nếp công phu, vất vả, hay là cứ mua béng về ăn, không chịu nhưng vẫn chiều chồng. Nhớ tiếng rao rượu nếp sang sảng phố phường. Và nhớ nhất vị ngọt, bùi, ngậy của rượu nếp ngày xưa ấy.

Rồi trên đường thiên lý, trôi dạt vào Nam, nhà văn của chúng ta cứ nhớ mãi, thương mãi cách ăn rượu nếp đúng phong vị quê hương. Tức chén đựng phải là những chén nhỏ như chén chè, đũa dùng vót bằng tre cật, ngắn bằng hai ngón tay, tròn trịa, nhẵn nhụi.

Khi ăn, van cô đấy, "đừng lấy đôi đũa xinh xắn đó lùa một mạch vào trong miệng tươi hơn hớn", mà cầm đũa lên, xới từng hạt nếp lên đũa rồi thong thả nhấm nhót từng miếng be bé...

"Nếu giết sâu bọ là phản khoa học, tôi thích phản khoa học cả đời vì rượu nếp ăn quá ngon, sướng quá, thần sầu quá", Vũ Bằng viết về nỗi niềm cố lý của mình. Nhà văn nhớ mận Thất Khê, nhớ mùa nhót, lúc đi học về mua đầy hai túi áo, xoa xoa vào tay áo cho hết bụi phấn rồi bóp bóp cho mềm, chấm muối ớt.

Tết Đoan ngọ, nhiều nhà ăn vịt

Tết Đoan ngọ, nhiều nhà ăn vịt

Vũ Bằng yêu tháng 5 hơn vì tháng 5 có Tết Đoan ngọ. Mà nhớ Tết Đoan ngọ lại nhớ đến "bao nhiêu phong tục của nước ta đã tạo nên một nền văn hóa oai hùng mà bao nhiêu ngoại nhân muốn cắt ngọn đều tỏ ra bất lực".

Tết Đoan ngọ ơi, chào mi!

Nghe ông Phan Kế Bính, Nhất Thanh rồi Vũ Bằng kể về Tết Đoan ngọ của quê chung, lại bồi hồi cái Tết Đoan ngọ quê riêng và cái tình riêng ấy, tình nào mà chẳng đậm đà.

Nếu trên mâm cúng người Bắc thường có dưa hấu đỏ, miền Trung từ Thanh Hóa trở vô Huế không thể thiếu thịt vịt, thì dân xứ Quảng thường có xôi chè, bánh ú tro...

Ở miền Nam, không thiếu chè trôi nước, xôi gấc... Dân Nam Trung Bộ, Nam Bộ và một số nơi miền Bắc còn ăn cả bánh ú tro, bánh gio... Ở Huế ăn chè kê, bánh tráng nướng...

Còn người viết bài, đi ra từ đất Phủ Diễn (nay là huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), xa quê độ "tí ti năm tháng" mà sao nhãng hết cả, phải rầu lòng mà kêu Tết Đoan ngọ ơi, chào mi!

Ký ức còn lại chắp vá, như soi xét, như giục giã, lại cả như tiếc thương những ngày vui ngắn ngủi.

Phải gọi điện về cho bà mẹ quê để hỏi về một cái Tết mà bản thân đã từng dự phần, từng reo hò, phấn khích, đầm ấm, an vui.

Mẹ kể người Phủ Diễn xưa, dịp Tết Đoan ngọ là Tết dành cho cha mẹ. Con cái đi đâu, làm gì, ngày mồng 5 tháng 5 cũng lên tàu, lên xe về quê ăn Tết cùng gia đình.

Người quê quan niệm mỗi năm, những con sâu con mọt từ trong người chui ra qua mắt một lần. Vào trưa mồng 5, đứng dưới mặt trời chói chang nhất, nhỏ một giọt chanh vào mắt để diệt những con sâu con mọt đó.

Tháng 5 cũng là mùa hoa vừng nở (người miền Nam gọi vừng là mè). Người Phủ Diễn, gái thì "bứt" (hái) 9 hoa, nam thì bứt 7 hoa nuốt vào trong bụng.

Vào ngày này, người Phủ Diễn thường ăn xáo vịt, xáo gà cùng bánh mướt hoặc bún... Nhất là món xáo vịt, là món đặc trưng quê kiểng, nhớ nôn xao mùi hành tăm bốc lên từ một chái bếp xa khuất, đi mãi không về.

Tết Đoan ngọ: Tại sao phải trừ tà, diệt sâu bọ, khảo cây?Tết Đoan ngọ: Tại sao phải trừ tà, diệt sâu bọ, khảo cây?

TTO - Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là Tết Đoan ngọ, dân Việt từ xưa đã có lệ ăn tết trong ngày này. Theo trào lưu phát triển, Tết Đoan ngọ dần được người dân trong nam ngoài bắc bổ sung thêm nhiều hình thức...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên