Ngoài những món ăn như cao lầu, bánh đập... Hội An còn nổi tiếng với món bánh ú tro với một năm chỉ có một đợt bán vào những ngày đầu tháng năm âm lịch.
Bánh ú tro làm đến đâu hết đến đó
Với hương vị thơm ngon được chế biến rất kỳ công, bánh ú tro phố Hội được người dân khắp nơi tìm đặt mua.
Nhà anh Nguyễn Xin (phường Thanh Hà, TP Hội An) là một trong những nơi sản xuất bánh ú tro lớn và lâu đời nhất trong vùng.
Trong những ngày này, nhà anh Xin có lúc bán ra cả trăm ngàn chiếc bánh. Những ngày cao điểm, hơn 10 nhân công lành nghề luôn có mặt tại nhà anh từ 3 giờ sáng để gói bánh.
"Số lượng đơn đặt hàng lớn nhưng phải làm trong thời gian ngắn, cơ sở tôi làm đến đâu thương lái mua sạch đến đó", anh Xin chia sẻ.
Cách nhà anh Xin chừng 3 phút, nhà làm bánh ú tro của bà Phạm Hoa cũng rộn ràng không kém. Từ trong nhà ra, hơn chục phụ nữ tay gói nhanh thoăn thoắt. Gói đủ 10.000 chiếc bánh, bà Hoa lại nhanh chóng nổi lửa để kịp có bánh bán cho thị trường.
Bán 3 ngày, chuẩn bị cả tháng
Thoạt nghe bánh ú tro được làm từ tro và nếp, nhiều người cho rằng nguyên liệu đơn giản, dễ làm. Nhưng để làm ra chiếc bánh ú tro đạt chuẩn vị xứ Quảng lại rất cầu kỳ và công phu.
Theo anh Nguyễn Xin, đa số những nhà làm bánh ú tro tại đây mỗi năm chỉ bán từ 3-5 ngày nhưng phải chuẩn bị nguyên liệu trước hàng tháng trời.
Vào độ tháng ba âm lịch, những gia đình làm bánh phải thu mua lá đót khô trên núi, phơi khô, xếp chồng thành hình chữ thập cất vào góc nhà.
Trước ngày gói bánh, lá được rửa sạch, luộc mềm cho đến khi ngả sang màu vàng, làm như vậy khi gói sẽ dễ hơn và màu bánh cũng mướt mắt.
Công đoạn tiếp theo là ngâm nếp với nước tro để tạo hương vị và màu sắc cho bánh. Nước tro và vôi sau khi được hòa trộn theo tỉ lệ sẽ lọc đi cặn bẩn rồi đem ngâm với nếp khoảng một đêm trước khi gói bánh.
"Yếu tố quyết định hương vị bánh có ngon hay không nằm ở công đoạn ngâm nước tro vôi. Tro của nhiều loại cây khác nhau sẽ cho ra những hương vị và màu sắc cũng khác nhau, tạo nên nét đặc trưng của bánh từng địa phương", anh Xin chia sẻ.
Anh Xin cho biết nước tro được dùng ngâm nếp lấy từ tro của cây mè và tro củi khô, hòa chung với nước vôi theo tỉ lệ nhất định. Những nguyên liệu này sẽ giúp bánh trở nên đằm thắm, màu cũng đẹp hơn.
Không chỉ chuẩn bị nguyên liệu công phu, khi gói bánh cũng không được quá chặt tay và cũng không được quá lỏng, nếu không bánh có thể bị sượng hoặc dễ bị bung ra.
Sau khi bó lại thành chùm 10 cái, bánh ú tro sẽ được đem đi luộc đến khi nào hạt nếp trong bánh quyện lại thành khối dẻo, bánh được vớt ra. Lúc luộc, bánh cũng cần phải giữ lửa ổn định thì bánh mới có thể chín đều.
Tết Đoan Ngọ, còn được gọi là "Tết giết sâu bọ", là dịp để người dân cầu mong sự bình an và mùa màng bội thu.
Theo người dân Quảng Nam, bánh ú tro là món ăn có khả năng thanh lọc cơ thể, giải nhiệt và xua đuổi những điều không may.
Vì thế bên cạnh những món như xôi, chè, thịt trên bàn thờ gia tiên của nhiều người không thể thiếu một vài chùm bánh ú tro.
Khác với các loại bánh khác, bánh ú tro Hội An không có nhân, khi ăn sẽ chấm với đường hoặc mật mía.
Ngoài bánh ú tro, Hội An còn có thêm một loại bánh khác - bánh tàu xá với lớp nhân đậu đen ngào đường.
Bánh dẻo quyện có mùi thơm của nếp kết hợp mùi đặc trưng của các loại lá, thi thoảng có mùi hơi hăng hắc của tro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận