18/02/2016 16:39 GMT+7

​Tên lửa Trung Quốc đe dọa tương lai tàu sân bay Mỹ

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Tương lai của các tàu sân bay khổng lồ - biểu tượng của sức mạnh quân sự Mỹ - đang là một dấu hỏi lớn trước mối đe dọa từ tên lửa Trung Quốc.

Hai chiến đấu cơ  F-35C Lightning II chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz - Ảnh: US Navy
Hai chiến đấu cơ F-35C Lightning II chuẩn bị cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz - Ảnh: US Navy

Cuối năm 1995, khi Trung Quốc leo thang đe dọa Đài Loan, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra lệnh triển khai hai đội tàu sân bay tới eo biển Đài Loan để cảnh cáo Bắc Kinh.

Một đội gồm tàu sân bay USS Nimitz tới khu vực chỉ cách bờ biển Trung Quốc khoảng 80km. Các quan chức Trung Quốc gào thét phản đối “sự can thiệp của nước ngoài”, nhưng thiếu vũ khí đối phó nên Bắc Kinh đành nuốt hận.

Cú đánh vỗ mặt đó đã thúc đẩy quân đội Trung Quốc phát triển một thế hệ mới tên lửa chống tàu nhằm hiện thực hóa chiến lược “ngăn chặn tiếp cận”.

Hồi tháng 9-2015, Trung Quốc đã khoe hàng loạt quả tên lửa trong cuộc diễu binh ở Bắc Kinh, bao gồm tên lửa Dongfeng-21D có tốc độ gấp 10 lần âm thanh, hầu như không thể đánh chặn.

Theo tình báo hải quân Mỹ, tên lửa Dongfeng-21D đủ sức bắn chìm các tàu sân bay Mỹ. Một quả lên lửa chống tàu lợi hại khác của Trung Quốc là YJ-12, bay sát mặt biển và tăng tốc lên gấp đôi tốc độ âm thanh khi bắn hạ mục tiêu.

Theo tạp chí News Week, trước nguy cơ xung đột trên biển Đông leo thang vì những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc, các chuyên gia quân sự lo ngại tên lửa nước này có thể đe dọa các tàu sân bay Mỹ.

Tốn kém, thiếu hiệu quả

Nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng việc đầu tư vào tàu sân bay là quá tốn kém và thiếu hiệu quả. “Chúng ta không thể chi tới 12,9 tỷ USD cho một con tàu” - Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, khẳng định. Nhưng vấn đề là hải quân Mỹ chắc chắn muốn tiếp tục duy trì các tàu sân bay.

Bởi không loại vũ khí nào mang tính biểu tượng cho sức mạnh quân sự Mỹ như tàu sân bay. Nga, Trung Quốc và một số nước chỉ có một hai tàu sân bay cỡ nhỏ, trong khi Mỹ có tới 10 tàu sân bay siêu lớn, chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể chở tới 90 máy bay chiến đấu và đội thủy thủ 5.000 người. Tàu sân bay đã giúp triển khai sức mạnh quân sự Mỹ tới những góc xa nhất trên trái đất kể từ sau Thế chiến II.

Đó là biểu tượng của hải quân Mỹ. Và hồi đầu tháng 2, hải quân Mỹ đã đề nghị chính phủ tiếp vốn trong kế hoạch ngân sách 583 tỷ USD của Bộ Quốc phòng để phát triển ba chiếc tàu sân bay lớp Ford mới.

Nhưng với việc Trung Quốc phát triển tên lửa chống tàu, và Nga, CHDCND Triều Tiên hay Iran đều có chương trình tương tự, giới chuyên gia quân sự cho rằng những con tàu mang tính biểu tượng này giờ đã lỗi thời.

Các tàu sân bay của Mỹ hiện nay được sản xuất trong thời kỳ Chiến tranh lạnh với sứ mệnh là hoạt động cách xa lãnh thổ kẻ thù và chở các máy bay ném bom chiến lược như A-3 Skywarrior.

Loại máy bay này có thể bay qua quãng đường hơn 3.200 km để ném bom sâu trong lãnh thổ Liên Xô. Nhưng sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, hải quân Mỹ ngừng đầu tư vào máy bay ném bom tầm xa.

Với niềm tin rằng tàu sân bay Mỹ có thể di chuyển tới bất cứ đâu mà không vấp phải sự kháng cự nào, hải quân chọn sử dụng các chiến đấu cơ hạng nhẹ như F-18 Super Hornet với tầm hoạt động chỉ khoảng 800 km. Chiến lược đó tỏ ra hiệu quả cho đến khi Trung Quốc phát triển tên lửa Dongfeng-21D với tầm bắn gần 1.500 km.

Giải pháp thay thế

Như vậy, tên lửa Dongfeng-21D trực tiếp đe dọa các tàu sân bay Mỹ. “Chúng ta đã tính toán sai” - News Week dẫn lời cựu quan chức hải quân Mỹ Jerry Hendrix, hiện là chuyên gia Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.

Ông Hendrix và nhiều chuyên gia quân sự Mỹ khác đang kêu gọi hải quân hủy bỏ kế hoạch mua thêm tàu sân bay lớp Ford với giá 13 tỷ USD/chiếc.

Thay vào đó hải quân Mỹ nên đầu tư 5 tỷ USD vào các tàu sân bay cỡ nhỏ, hoạt động bên ngoài tầm bắn 1.500 km của tên lửa Trung Quốc. Và thay vì sử dụng các chiến đấu cơ có tầm hoạt động không lớn, hải quân Mỹ cần phát triển các máy bay chiến đấu không người lái được vũ trang mạnh mẽ, có thể bay quãng đường rất xa.

Hiện hải quân Mỹ chưa có kế hoạch nào như vậy. Trong vài năm tới, hải quân sẽ mua hàng chục chiến đấu cơ tàng hình F-35C đắt đỏ. Nhưng F-35C có tầm hoạt động chỉ hơn 1.000 km, nghĩa là tàu sân bay vẫn sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc.

Chuyên gia Hendrix khẳng định các máy bay không người lái bay từ tàu sân bay sẽ có chi phí rẻ hơn, tầm hoạt động xa hơn và linh hoạt hơn nhiều chiến đấu cơ F-35C.

Ví dụ, hải quân Mỹ đang có máy bay không người lái thử nghiệm có thể bay hơn 2.400 km, chở theo hơn 1.800 kg bom và tên lửa. Loại cỡ lớn hơn có thể chở hơn 2.700 kg bom và tên lửa, bay qua quãng đường hơn 3.200 km.

Một máy bay chở nhiên liệu không người lái có thể giúp các máy bay này hoạt động ở tầm xa hơn nữa. “Đó là những vũ khí mà chúng ta có thể đầu tư với ngân sách hiện tại” - ông Hendrix nhấn mạnh. Ở thời điểm tên lửa Trung Quốc đang là mối đe dọa và ngân sách Lầu Năm Góc sụt giảm, đề xuất của chuyên gia Hendrix nhận được sự chú ý lớn.

Nguy cơ lớn

Tuy nhiên theo News Week, các nhóm lợi ích trong hải quân Mỹ vẫn muốn duy trì tàu sân bay và chiến đấu cơ. Mới đây đô đốc hải quân John Richardson khẳng định các tàu chiến mới nhất của Mỹ được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa thừa sức đối phó với tên lửa Trung Quốc. Người phát ngôn hải quân Mỹ William Marks cũng nhấn mạnh các tàu sân bay vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò lớn.

Cựu sĩ quan hải quân Bryan McGrath cho rằng giá tàu sân bay lớp Ford 13 tỷ USD thực tế không lớn vì tàu này có thể hoạt động trong 50 năm. Dù vậy ông cho rằng nhận định của chuyên gia Hendrix về các chiến đấu cơ tầm hoạt động ngắn là chính xác. Ông đề xuất nâng cấp động cơ của chiến đấu cơ F-35C để tăng tầm hoạt động của chúng.

Ông Hendrix và nhiều nhà phân tích quân sự nghi ngờ tuyên bố của hải quân rằng họ có hệ thống phòng thủ hữu hiệu chống tên lửa Dongfeng-21D. Ông Hendrix cho biết lá chắn của hải quân đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình bay ngang, trong khi tên lửa Dongfeng-21D được phóng lên bầu khí quyển, đầu đạn tách ra và lao xuống mục tiêu theo hướng thẳng đứng với tốc độ siêu thanh, rất khó đánh chặn.

Chuyên gia Hendrix cảnh báo nguy cơ tàu sân bay bị tên lửa nhấn chìm khiến hàng nghìn thủy thủ Mỹ thiệt mạng trong một cuộc xung đột với Trung Quốc là rất đáng kể và sẽ ảnh hưởng tới uy tín cũng như vai trò của nước Mỹ. 

Tên lửa Dongfeng-21D của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Tên lửa Dongfeng-21D của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D
Tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên