10/02/2012 04:11 GMT+7

Tế Xã tắc và tế Giao không còn "vua"

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Ngày 9-2, ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết năm nay tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục tổ chức tế Xã tắc và tế Giao.

Theo đó lễ tế Xã tắc tiến hành tại đàn Xã tắc vào khuya ngày 8, rạng sáng 9-3 (tức khuya 16 rạng sáng 17-2 âm lịch). Lễ tế Giao tiến hành tại đàn Nam Giao vào khuya ngày 8, rạng sáng 9-4 (tức khuya 18-3, rạng sáng 19-3 âm lịch). Đây cũng là các ngày phù hợp theo cách chọn thời gian tế của người xưa.

JQiVgABT.jpgPhóng to

Vua giả như kiểu tế Xã tắc năm 2010 sẽ không còn trong lễ tế năm 2012 - Ảnh: Thái Lộc

Khác với lễ tế các năm trước - lễ tế được sân khấu hóa (do “vua” giả là diễn viên sắm vai làm chủ lễ, đoàn ngự đạo hàng trăm người rước “vua diễn viên” từ Hoàng thành đến các đàn và tế xong tiếp tục rước về), năm nay chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ thay mặt nhân dân tiến hành lễ tế và chỉ tổ chức tế một cách bài bản tại đàn (không có đoàn ngự đạo rước “vua”).

Công việc nói trên về cơ bản đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế thống nhất. Sau khi chủ lễ hoàn thành phần tế, ban tổ chức sẽ mời đại diện lãnh đạo, người dân và du khách vào dâng hương tại đàn tế.

“Ban Tuyên giáo trung ương đã có văn bản nhất trí với lãnh đạo tỉnh không sân khấu hóa nữa, mà làm sao kế thừa và phát triển trở thành một lễ hội truyền thống. Ngày xưa là của vua chúa, còn bây giờ đã trở thành di sản truyền thống, tổ chức làm sao cho phù hợp trong bối cảnh đương đại...”, ông Phan Thanh Hải nói.

Cũng theo ông Hải, việc tế lễ được tổ chức với quan niệm: “Ngày xưa chỉ có vua - thiên tử mới có quyền tổ chức lễ tế trời. Còn ngày nay tất cả mọi cái thuộc về nhân dân thì nhân dân đứng ra làm lễ để vừa giữ được truyền thống của người xưa, đồng thời thỏa nguyện các ước vọng có tính tâm linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, do đại diện nhân dân đứng ra chủ trì... Chắc chắn các lễ này sẽ đảm bảo tính chất tôn nghiêm, không có tính chất buôn thần bán thánh hay mê tín dị đoan như khá nhiều lễ hội đang mắc phải”.

Ông Hải cũng thừa nhận cách tổ chức nói trên một phần do tiếp thu ý kiến của dư luận báo chí, của các nhà nghiên cứu từng lên tiếng trước đây (Vua giả mà dân chúng thì thật, Lễ tế Xã tắc: những ý kiến trái chiều, Tuổi Trẻ ngày 4-5-2010 và 19-3-2011).

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên