04/05/2010 07:35 GMT+7

Vua giả mà dân chúng thì thật!

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Đi đầu đoàn ngự đạo là chiếc xe chở một dàn đèn pha sáng choang cùng với camera truyền hình trực tiếp. Vua do diễn viên đoàn hát sắm vai, nhưng 100 vị bô lão lại là bô lão thật (từ các làng trên toàn tỉnh được mời về, đại diện cho trăm họ).

dwxLOJsP.jpgPhóng to

Lễ tế Xã Tắc năm Canh Dần 2010 do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng. Vị vua đang chủ lễ tế (người quỳ bìa phải) do diễn viên Trọng Thành của Nhà hát Nghệ thuật cung đình Huế sắm vai - Ảnh: THÁI LỘC

Vua cử hành nghi lễ rất trang nghiêm nhưng là cái “trang nghiêm” của diễn xuất, còn các vị bô lão thì quỳ lạy vua và thần linh với một niềm thành kính rất chân thật.

Đó là diễn biến của lễ tế Xã Tắc (tế thần Đất và thần Lúa, cầu mùa màng bội thu) vừa tổ chức hôm 8-4, mở đầu cho Festival Huế 2010, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thực hiện.

Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nói: “Thật không ra thật, mà giả cũng chẳng ra giả!”. Bốn năm trước (2006), khi lễ tế Giao (tế Trời tại đàn Nam Giao) lần đầu tiên được phục hồi đầy đủ, ông Phan đã thắc mắc: “Nếu tế thật thì ông vua này không thể là diễn viên của đoàn ca múa. Sớ tế trời của vua mà lại xướng danh Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”.

TS Trần Đức Anh Sơn đang tham gia đề tài đánh giá việc khôi phục các lễ hội cung đình Huế (do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì) cũng lắc đầu: “Lập lờ giữa các mục đích nên cái nào cũng chẳng ra cái nào”.

Nói về việc phục hồi các lễ tế này, đơn vị thực hiện tỏ ra rất tự tin: “Tái hiện chân xác đến từng chi tiết, như từng có trong lịch sử”. Có chân xác không khi lễ tế lại tổ chức vào ban đêm, tế Giao lại tế vào tháng 6 tây chứ không phải giờ ngọ và vào mùa xuân như quy định của triều Nguyễn? Câu trả lời hóa ra thật giản đơn, rằng phải tế Giao vào tháng 6 để đưa vào trong chương trình Festival Huế và tế vào ban đêm là vì để... truyền hình trực tiếp (!).

Cũng tại lễ tế Giao năm 2006, các nhà báo nữ lại một phen bất bình khi ban tổ chức kiên quyết không cho họ lên đàn thượng, nơi diễn ra lễ tế, vì theo quy định của triều đình, đàn tế trời là nơi tôn nghiêm, nữ giới phải tránh xa. Quy định đó được thực hiện nghiêm ngặt như thật, mà trên đàn thượng thì một diễn viên đang tế trời.

Ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, tác giả kịch bản và đạo diễn các lễ tế Xã Tắc và Nam Giao - nói ngay từ đầu ông và các cộng sự của mình đã lường trước tình huống nan giải này. Tuy nhiên, ông Hải nói ban tổ chức muốn nhấn mạnh việc phục dựng các lễ tế này chủ yếu là tạo ra một sản phẩm phục vụ du lịch; và nhờ đó các loại hình văn hóa phi vật thể như nhã nhạc, vũ khúc cung đình mới có không gian để diễn xướng. Mà đã là lễ tế cũng không thể loại bỏ yếu tố tâm linh.

Theo như lời ông Hải, mục tiêu du lịch được đặt lên hàng đầu và buộc các mục tiêu kia phải phục tùng nó. Ông Hải cho biết lãnh đạo tỉnh quyết định phải tiếp tục tổ chức lễ tế Xã Tắc và tế Giao (hai lễ tế cao nhất của triều Nguyễn), để phục vụ Festival Huế. Trước mắt là một lễ tế Giao nữa sẽ diễn ra trong Festival Huế 2010 vào tháng 6.

Ông Phan và ông Sơn đều tán thành việc tái hiện các lễ tế này để làm bài học lịch sử sinh động cho giới trẻ, đồng thời hấp dẫn du khách đến Huế, nhưng không phải bằng cách làm “lồng ghép” như hiện nay.

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, ngay từ đầu ban tổ chức đã đặt ra mục đích phục hồi lễ tế này là: để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời tạo ra một sản phẩm văn hóa đặc sắc Huế để phục vụ du khách.

Ông Sơn cho rằng nếu phục hồi các lễ tế để nhằm phục vụ du lịch thì nên làm một lễ hội du lịch, vua quan quần thần ấy là diễn viên sắm vai, nhằm cho du khách được xem một lễ tế phục dựng theo ngày xưa. Còn nếu là lễ tế để cầu quốc thái dân an thì phải làm việc đó bằng lòng thành kính với đất trời; và tất nhiên không cần phải có một ông vua giả đứng tế.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên