Những con tàu do Tổng công ty Sông Thu đóng mới chờ bàn giao - Ảnh: NGÔ QUANG
“Đóng chân trên địa bàn chiến lược, chúng tôi hiểu trách nhiệm hậu phương của mình là giúp những con tàu vững lái ra khơi, bảo vệ biên cương Tổ quốc
Đại tá HÀ SƠN HẢI
"Họ đi nửa vòng Trái đất để đến đây nhận tàu. Vài ngày tới, tàu này sẽ lên tàu mẹ để chở về Panama" - đại tá Hà Sơn Hải, tổng giám đốc Tổng công ty Sông Thu, nói như vậy ngay sau lễ bàn giao con tàu đóng mới cho hải quân Panama.
Theo ông Hải, đây đã là con tàu thứ 60 mà Sông Thu bàn giao cho các đối tác. Trước đó, vào tháng 1-2018, nhà máy này đã hạ thủy, bàn giao cho lực lượng biên phòng Việt Nam hai tàu tuần tra cao tốc.
* Mỗi lần bàn giao tàu, cảm giác của ông như thế nào?
Đại tá Hà Sơn Hải - Ảnh: NG.QUANG
- Mỗi chiếc tàu từ khi đặt ky cho đến lúc bàn giao đều cho chúng tôi những cảm xúc riêng.
Khi hoàn thành đóng hai tàu tuần tra cao tốc số hiệu SPA 4207 trong hợp đồng đóng mới bốn chiếc cho lực lượng biên phòng Việt Nam, không chỉ tôi mà toàn đơn vị rất vui. Bởi đây là lần đầu tiên, các con tàu tuần tra cao tốc hiện đại được thiết kế, đóng bởi đội ngũ kỹ sư Sông Thu.
Nhưng có một niềm vui lớn hơn là các lực lượng tuần tra của chúng ta có thêm phương tiện để bảo vệ biển đảo Tổ quốc.
Hai con tàu tuần tra cao tốc có nhiệm vụ tuần tra ven bờ, bảo vệ bờ biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu hộ... theo tiêu chuẩn quốc tế. Các tính năng chiến đấu, kỹ thuật phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, trang bị của lực lượng bảo vệ biển đảo.
Công ty đã triển khai điều chỉnh thiết kế, lắp đặt trang thiết bị bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác, vận hành, kỹ thuật tại Việt Nam cũng như thể hiện năng lực làm chủ công nghệ, đảm bảo chất lượng, tạo vững chắc cho những con tàu xa khơi.
Những con tàu này có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền, giúp ngư dân bám ngư trường, phát triển kinh tế biển.
* Việc làm chủ công nghệ trong lĩnh vực đóng tàu đã giúp gì cho Sông Thu thời gian qua?
- Phải nói rằng chính sự cởi mở cho phép các doanh nghiệp quốc phòng được hợp tác với các đơn vị nước ngoài, cụ thể là Tập đoàn Damen, Hà Lan đã giúp chúng tôi lớn mạnh rất nhanh.
Trong 15 năm qua, từ một đơn vị đóng tàu bình thường, Sông Thu đã bắt kịp công nghệ. Kết quả, Sông Thu cho ra đời những chiếc tàu có công nghệ mới nhất, ngang ngửa với các hãng đóng tàu uy tín trên thế giới.
Với một đội ngũ giỏi tay nghề, đơn vị đã đóng mới được nhiều loại tàu hiện đại cho quốc phòng lẫn kinh tế.
Đơn cử như việc đóng bốn tàu tuần tra cao tốc cho lực lượng biên phòng Việt Nam đã góp phần tiết kiệm cho Nhà nước hơn 400 tỉ đồng, tháo gỡ được khó khăn về nguồn lực tài chính, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao uy tín của đơn vị.
Bàn giao tàu đổ bộ cho hải quân Panama
Sáng 8-3, tại âu tàu Thọ Quang (Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng), Tổng công ty Sông Thu (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Bộ Quốc phòng) đã tổ chức lễ bàn giao tàu đổ bộ, hậu cần Damen Roro 6512 cho hải quân Panama.
Đây là con tàu có lượng giãn nước 600 tấn, dài hơn 57m, tốc độ tối đa hơn 11 hải lý/giờ, có thể đổ bộ trên biển hoặc vị trí có cầu cảng thích hợp.
Ngoài ra, tàu Damen Roro 6512 có thể mang theo các xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ.
* Với sự thành công của mình, Sông Thu cũng có đóng góp trong chiến lược quốc phòng?
- Trong những năm qua, việc làm chủ công nghệ giúp chúng tôi đóng nên những con tàu chuyên dùng như tàu nghiên cứu biển, tàu tuần tra đa năng, tàu hậu cần cho các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng trong nước.
Các con tàu đóng mới được tích hợp trên nền tảng công nghệ - thiết bị hiện đại là một bước tiến mới trong sự phát triển của Sông Thu nói riêng, Bộ Quốc phòng nói chung.
Vừa qua công ty đã đóng những loại tàu cho hải quân, đặc công, cảnh sát biển..., tất cả đang hoạt động rất tốt trên biển. Điều đó đã tạo tiền đề cho việc nội địa hóa sản phẩm nhằm nâng cao năng lực sản xuất quốc phòng.
Riêng trong đợt Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển Việt Nam (năm 2014), trong vòng hai tháng đơn vị đã ngày đêm sửa chữa gần 90 tàu thuyền các loại bị đâm va.
Nằm trên địa bàn chiến lược, chúng tôi hiểu trách nhiệm hậu phương của mình để những con tàu vững lái ra khơi bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Đến nay đơn vị đã xuất khẩu được 60 tàu cho khoảng 20 nước ở châu Âu, Nam Mỹ, Nga, Brazil... Sắp tới công ty sẽ tiếp tục đóng các loại tàu chuyên dụng khác để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Tàu sân bay Mỹ trao đổi kỹ thuật với Sông Thu
Ông Ryan McCrillis (trái) thăm nhà máy Sông Thu - Ảnh: V.N.
Trong những ngày ghé thăm Đà Nẵng, sáng 7-3, chỉ huy trưởng kỹ thuật tàu sân bay USS Carl Vinson (Hoa Kỳ) Ryan McCrillis đã dẫn đầu đoàn thủy thủ đến giao lưu, trao đổi kỹ thuật với cán bộ, kỹ sư đóng tàu của Tổng công ty Sông Thu.
Sau khi nghe lãnh đạo Tổng công ty Sông Thu thông báo một số nội dung về hành trình đóng mới những con tàu hiện đại và tham quan thực tế, ông Ryan McCrillis bày tỏ sự ngạc nhiên với môi trường trong lành, sạch sẽ và
thân thiện tại đây.
Ông Ryan McCrillis cũng rất ấn tượng trước những con tàu hiện đại do đơn vị này xuất xưởng theo tiêu chuẩn châu Âu và mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận