22/09/2015 09:32 GMT+7

Tất cả vì độc lập

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)

TT - Trong hồi ức của nhiều cụ ông, cụ bà Nam bộ tuổi ngót nghét 90 mà chúng tôi đã gặp, những ngày vui sướng nhất trong đời họ đều là những ngày của 70 năm về trước khi được tự hào là một thanh niên tiền phong, xếp hàng, cầm cây tầm vông hát: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng...”.

Ông Nguyễn Thanh Trà (xã Bà Điểm) đã dùng mõ Nam Lân đánh cổ vũ bà con xông lên chiếm bót Ngã Năm (xã Tân Thới Nhứt) trong ngày Nam kỳ khởi nghĩa - Ảnh tư liệu
Ông Nguyễn Thanh Trà (xã Bà Điểm) đã dùng mõ Nam Lân đánh cổ vũ bà con xông lên chiếm bót Ngã Năm (xã Tân Thới Nhứt) trong ngày Nam kỳ khởi nghĩa - Ảnh tư liệu

Họ đã thề: “Độc lập hay là chết”. Họ đã hát: “Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông...”. Họ đã lập đoàn, đội giữ gìn xóm làng, phân công sản xuất. Tự hào. Yêu thương. Nhưng ở Sài Gòn chỉ có 29 ngày tự do (25-8 đến 22-9-1945) đẹp đẽ như vậy.

Tối 22-9, súng đã lại nổ

Trong lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8-2-1966, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle viết: “Giá như có một sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn giữa người Việt và người Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước ngài hôm nay”.

“Giá như” tức là đã không có.

Đô đốc Thierry d’Argenlieu, cao ủy Pháp tại Đông Dương, xác định: “Sứ mệnh đầu tiên của cao ủy là khôi phục chủ quyền của Pháp trên các lãnh thổ của liên bang Đông Dương, cho phép nhân dân Đông Dương được chín mùi về chính trị và phát triển kinh tế bằng cách dựa vào nước Pháp...”.

Sử gia người Pháp Philippe Devillers nhận xét: “Trong tài liệu đề ngày 8-9-1945 này không có bóng dáng một ý kiến nào về sự thành lập một chính phủ lâm thời của Việt Nam tại Hà Nội, hoặc về bản tuyên ngôn của một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập ngày 2-9-1945 cả”.

Hôm nay, đã 87 tuổi, chân yếu, mắt mờ, bà Tư Bích (Võ Thị Ngọc Bích, ấp Láng Cát, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM) run run viết từng trang hồi ký.

Những ngày của tuổi 17 sống lại trong bà như thuở nào: “Năm 1945 tổng khởi nghĩa, trong đời tôi chưa từng được vui như lúc này. Trong nhà, mấy anh em tập ca hát suốt ngày. Anh Hai tôi làm đoàn trưởng thanh niên tiền phong, anh Ba làm đoàn phó.

Tôi tham gia phụ nữ tiền phong. Tối ngày tui đi họp, học băng bó cứu thương, học hát, cầm tầm vông vạt nhọn đi đếm một, hai. Các em út đứa nào cũng vui tập, hát ca suốt ngày. Không có bài hát cách mạng nào mà tôi không thuộc.

Có lần được phân công gác đường, gặp một chiếc xe hơi đi qua, tôi chặn lại. Trong xe chui ra hai người đàn ông Pháp cao lớn, lông lá. Tôi run người mà phải cố trấn tĩnh, nhớ lại vài câu khẩu lệnh tiếng Pháp thầy giáo hay nói ở trường để làm nhiệm vụ. Cuối cùng tôi cũng giải được “tù binh” của mình đến chỗ các anh”.

Những trang trước đó trong tập hồi ký của bà Tư Bích đẫm nước mắt. Nước mắt nhẫn nhục của một đứa con gái phải thấy ba má trốn chui trốn nhủi trong bếp, sau vườn khi bị đòi nợ. Nước mắt tủi cực của một chị gái lớn khi thấy em ăn không đủ no. Nước mắt hoảng sợ trong một ngày cả nhà bị lính Nhật cầm gươm lùa vào chuồng trâu vì một con trâu cộ húc bị thương con ngựa chiến...

Nước mắt ấy tưởng đã cạn khi người cha qua đời sau một cơn sốt rét mà không có tiền mua thuốc. Nước mắt ấy tưởng đã khô trong những ngày say mê “lên đàng”.

Nhưng không. Trang hồi ký vui tươi của đời bà bẻ ngoặt rất đột ngột: “Tôi thấu hiểu được nỗi mất nước, lại biết được ba tôi có tham gia cách mạng mà chẳng may đứt gánh giữa đường, nên nghĩ bây giờ nước nhà độc lập, tự do rồi, mình phải lo phụ mấy anh em làm điều gì đó cho đất nước mình. Nhưng mừng chưa được bao lâu thì Pháp đã rần rần đánh lại. Anh Hai tôi về nhà chặt hết cả mấy bụi tầm vông...”.

Bà Tư Bích - Ảnh: P.VŨ
Bà Tư Bích - Ảnh: P.VŨ

Chiến tranh xô đẩy

Sáng 23-9, những bản in Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam bộ đã được phát đi khắp Sài Gòn: “Độc lập hay là chết! Tất cả đồng bào già trẻ trai gái, hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược. Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó hãy lập tức rời khỏi thành phố.

Những người còn ở lại thì không làm việc, không đi lính cho Pháp; không đưa đường, không báo tin cho Pháp; không bán lương thực cho Pháp; hãy đốt sạch các sở, xe cộ, tàu bè, kho hàng của Pháp... Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng...”.

Những cô gái tuổi 17 như bà Tư Bích đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh như thế. 87 tuổi, bà chưa khô được giọt nước mắt khi kể về những ngày đầu của cuộc chiến tranh: “Có người báo anh Hai tôi là đoàn trưởng thanh niên tiền phong, ba tôi là cộng sản nên nhà tôi bị Tây đốt đầu tiên. Rồi đến cậu tôi bị chỉ điểm hầm bí mật, Tây bắn chết. Rồi trong một trận ruồng bố, má tôi trúng đạn chết ngay trong vườn nhà...”.

Vai bà Bích run lên theo lời kể. Từ đấy bà phải đơn độc lo cho đàn em nhỏ. Từ đấy, bà trở thành một cơ sở cách mạng thân thiết của chị Mười Thập (bà Nguyễn Thị Thập), anh Mười Cúc (ông Nguyễn Văn Linh), chị Bảy Huệ (bà Ngô Thị Huệ)... ở nội thành Sài Gòn. Không có cách nào khác.

Cũng không có cách nào khác mà bà Hai Ngà (Lê Thị Ngà, 89 tuổi, ngụ đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận) đã trở thành một cán bộ cách mạng.

Bà móm mém kể: “Hồi đó tôi đang học ở Trường nữ công Đa Kao. Phải chi quân Pháp không nổ súng xâm lược trở lại chắc tôi sẽ được làm cô giáo dạy nữ công gia chánh, thêu thùa may vá rồi lấy chồng, sinh con, yên ấm chứ đâu có đi theo chiến tranh miết vậy”.

Soạn lại ký ức giữa những cơn đau của tuổi già, bà Ngà kể thời đó hết quân Nhật tới quân Pháp tràn lên chiếm chợ Bà Điểm. Ban đêm lính đi bố ráp, đàn bà, con gái ai cũng sợ bị bức hại, cưỡng hiếp.

“Nên nghe mấy anh đàng mình kêu gọi thoát ly, tôi liền đi theo. Từ tháng 9-1945 là theo bộ đội luôn tới ngày hòa bình, không ngờ lại suốt 30 năm”. Cô nữ sinh chân yếu tay mềm, vốn chỉ rành việc kim chỉ, nấu nướng bắt đầu học làm đủ thứ.

Bà cười: “Mấy anh chị cần mình làm cái gì là mình làm thôi. Cáng thương, tải đạn, băng bó vết thương... Mấy cái vụ may vá thêu thùa, bánh khéo đâu còn có cơ hội, riết rồi quên ráo”.

Bà Tư Nguyên - Ảnh: P.VŨ
Bà Tư Nguyên - Ảnh: P.VŨ

Chẳng ngại việc gì

Có một câu chuyện mà bà Ngà không bao giờ quên. Ấy là những ngày đầu kháng chiến, quân mình đánh xáp lá cà với lính Chà (quân đánh thuê người Ấn). Hai bên đều có thương vong, các chiến sĩ hi sinh nằm dưới đám ruộng xăm xắp nước.

Nóng ruột, lại nghe phía đối phương nói lời khó nghe: “Việt minh làm giàu cho chủ đất” nên mấy chị em trong ban cứu thương đã cử ra đại diện, mặc áo blouse trắng, đội mũ có dấu hiệu hồng thập tự, liều thân vào đồn Tây đàm phán để được mang thi thể về.

“Mấy chị em toàn là con gái 17, 18 tuổi, nhỏ xíu, chưa biết chết là gì, vậy rồi cũng nhắm mắt lội xuống ruộng loang máu, xúm nhau khiêng vác, đưa được các anh về”.

Cùng tham gia ban cứu thương với bà Ngà năm đó là bà Tư Nguyên (Lê Thị Lợi, 88 tuổi, ngụ ấp Trung Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Bà Tư Nguyên lại có thêm một câu chuyện riêng nữa.

Ngày Nam bộ kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến, chính bà đã cùng các anh chị em mình tự tay châm lửa đốt căn nhà gỗ thật đẹp của cha.

“Là vì cha tôi làm nghề buôn bán, vận tải, được gọi là “ông nhà giàu Bà Điểm”, căn nhà xây nền đá xanh, tường ô dước, mái ngói, rui mè gỗ lim chắc chắn nhất khu vực. Sợ Tây, Nhật vô lấy làm chỗ đóng quân, mấy anh đàng mình bảo chúng tôi nên đốt, mai sau độc lập sẽ làm lại”.

Nhìn ngọn lửa thiêu rụi gia sản, cô Tư Nguyên ngày đó rất vui.

Đến hôm nay, lời hứa xây lại căn nhà to đẹp hơn để trả lại cho cha mà bà Tư Nguyên vẫn chưa thực hiện được. Nhưng bà nói: “Của cải là vật ngoài thân, trước sau gì cũng rời bỏ mình. Mà căn nhà to, chiếc xe hơi của cha tôi đã đóng góp được vào nền độc lập của đất nước. Vậy là đủ rồi”.

Không nhận mình là người có công, bà Tư Bích, bà Tư Nguyên hay bà Hai Ngà đều nói mình chỉ thực hiện nghĩa vụ của một công dân, những người đã thề “Độc lập hay là chết”.

Trong ghi chép của mình với tư cách một người trong cuộc, giáo sư Trần Văn Giàu ghi rõ: “Chiến sự bắt đầu lúc 10g tối 22-9. Pháp xua quân đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc, nhà đèn, trụ sở bưu điện, đài phát thanh, mấy bót chính... Cả tiểu đội bảo vệ cơ quan đều chống cự mãnh liệt tới viên đạn cuối cùng. Cả Sài Gòn không ngủ”.

Sử gia Philippe Devillers viết: “Nửa cuối tháng 9, tấn kịch được thắt nút tại Đông Dương. Rạng ngày 23, nhờ vũ khí của Anh, người Pháp ở Sài Gòn giành lại quyền kiểm soát thành phố. Tất cả cháy bùng lên. Chiến tranh”.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG (phamvu@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên