Ảnh: L.ĐIỀN
Tác giả Trần Ngọc Phương lạ hoắc, cả ba chữ À Na Cút ngay nhan đề cũng gợi lên một niềm xa xôi lạ lẫm. Và tác phẩm quả thật là một bổ sung độc đáo vào hành trình nhặt nhạnh những kỷ niệm đặc biệt của một thời đoạn đặc biệt: những người lính đi chiến đấu bên ngoài Tổ quốc.
Vẫn là những khốc liệt gian khổ tột cùng của những người lính trận, nhưng các trang viết được nhìn từ một anh chàng trí thức, lại là người có niềm đam mê toán học. May mắn được phục viên trở về, Trần Ngọc Phương rời quân ngũ và dấn thân theo đuổi con đường học vấn, tiếp tục vào đại học và trở thành thầy giáo dạy toán.
Như vậy, việc viết tập sách này xuất phát từ những duyên do bên ngoài nghề nghiệp của tác giả.
1. Một anh lính vận tải, rồi được điều chuyển thành người lính đi công tác về sống với người dân Khmer theo nhiệm vụ cùng làm cùng ở và còn phải tổ chức đánh địch tập kích... Những năm tháng ở chiến trường và lăn lộn nơi xứ người đã mở mang tầm nhìn và dẫn Trần Ngọc Phương đến nhiều suy tư mới mẻ.
Mưa trên đồng À Na Cút (NXB Đà Nẵng) dường như chỉ là một phần tâm sự, nhưng đây cũng chính là quyển sách kỳ lạ. Lần đầu tiên, người viết bài này khi đọc sách thỉnh thoảng phải dừng lại để dò tìm trên mạng xã hội theo lời anh kể, vào đọc những trang viết của nhiều đồng đội khác, để được biết thêm nhiều chuyện.
Chẳng hạn như câu chuyện về một trận thua đau đớn của quân ta lâu nay hiếm được nhắc tới, trận đánh mang mật danh
X2-83, một kinh nghiệm đau thương ở chiến trường, khởi đi từ nguyên nhân do trinh sát dẫn đường sai khiến một đại đội đánh nhầm mục tiêu. Rừng núi mịt mùng khiến tiến công nhầm dẫn đến báo cáo hiệp đồng tác chiến nhầm, dẫn đến cả trận đánh bị thua tan tác.
Và một nỗi ám ảnh của chiến trường K cũng gặp lại ở đây: lính chết khát. Chết thật theo nghĩa đen. Trận đánh ở cao điểm 547 ấy thua đau, và đau hơn cả là chính vị phó tư lệnh mặt trận 579 đã ghi về trận đánh này bằng một dòng: "92 chiến sĩ chết khát".
Còn cựu binh Trần Ngọc Phương thì viết: "Đánh vào, chết vì súng đạn. Rút ra, chết vì khát nước. Bỏ lại hết quân tư trang, súng đạn, đến bộ đồ mặc trên người có đứa cũng cởi ra... Những đứa còn sức ráng đi, nhìn đồng đội nằm lại dọc đường. Cũng chỉ biết nhìn thôi, ngay cả giọt nước mắt cũng không còn để ứa ra".
2. Với người đọc kỹ tính, chắc chắn sẽ sớm nhận ra ở Mưa trên đồng À Na Cút một sự lặp lại nhiều lần về không gian sống của người dân Campuchia ở thôn K’ro Lapia, thuộc xã Pring Thum, huyện Choam K’san, tỉnh Preah Vihear nơi có cánh đồng tên À Na Cút nghĩa là "tương lai".
Tác giả nhiều lần nhắc lại cung cách sinh sống của cộng đồng người nơi đây: họ được thiên nhiên ưu đãi, cá đầy sông chỉ cần dùng cái rồ-băng để chặn bắt là được vô số, lại có rừng cung cấp rau thịt hằng ngày ăn không hết, đất đai màu mỡ, ruộng đồng mênh mông...
Vậy mà dân làng nghèo xơ xác. Nghèo xơ xác nhưng mọi người lại vẫn rất hạnh phúc, lúa gặt để dành nấu rượu, rồi tổ chức múa hát cùng nhau vài hôm một lần, "một cuộc sống vô lo như trẻ thơ".
Sự lặp lại dễ gây khó chịu, nhưng đọc xong gấp sách lại, bỗng dưng ngờ ngợ nhận ra dường như chính tác giả cũng bị ám ảnh cái phong cách sống "vô lo như trẻ thơ kia" chứ không chỉ ám ảnh chuyện súng đạn chết chóc.
Nhất là khi đọc được hoàn cảnh của chính tác giả khi anh trở về từ chiến trường: Đến tháng mười hai năm tám ba tôi phục viên về quê, gia đình tôi đã thực sự đứng bên bờ vực chết đói.
"Tình cảnh nhà tôi lúc đó, chạy ăn từng bữa, một bầy em nheo nhóc mười một đứa, lớn nhất là thằng Phùng mới hai mươi, nhỏ nhất là bé Trà tuổi mới đầy năm còn chưa biết đi". Sau đó thì gia đình anh bị xé lẻ, hai người em theo cha đi kinh tế mới, và Trần Ngọc Phương lại vào đại học.
Câu chuyện vắt từ chiến trường K sang đến quê nhà miền Trung thời bao cấp đói khổ. Một người lính bước ra từ lưỡi hái tử thần lại đối diện với bao nhiêu thứ còn đau đớn về tinh thần nhiều hơn, thấy mình mắc kẹt trong một thực trạng khác, cũng thử thách và khốc liệt không kém lúc ở chiến trường.
Cho nên, những trang viết của Trần Ngọc Phương lặp đi lặp lại đời sống độc đáo kỳ thú, không gian sống đầy khinh khoái ở K’ro Lapia như một vô thức. Có lẽ chính anh cũng phân vân rằng như thế nào là hạnh phúc?...
Khốc liệt, nhưng những trang viết của Trần Ngọc Phương còn dành khá nhiều cho phần ghi nhận đời sống của bộ đội: đặc công, trinh sát, vận tải, hậu cần, dân vận...
Đọc, hình dung rõ hơn quân đội là cả một tập hợp các module của một cỗ máy được vận hành trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vẫn không thiếu các khoảnh khắc đời thường đáng yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận