"Xi măng xanh" giảm 20% lượng phát thải carbon
Ngày 17-6, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết doanh nghiệp này đã cho ra lò loại "xi măng xanh", giảm 20% lượng phát thải carbon trong quá trình sản xuất so với xi măng thông thường.
Để đạt được mục tiêu này, SCG đã cải thiện quy trình sản xuất để giảm tiêu thụ năng lượng và khí thải carbon.
Cụ thể, tập đoàn cho hay sản phẩm được sử dụng nhiên liệu sinh khối trong quá trình sản xuất thay thế nhiên liệu hóa thạch và tăng tỉ lệ nguồn năng lượng tái tạo.
Đồng thời lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt thải (Waste Heat Recovery) khắp các nhà máy để giảm lượng khí thải carbon phát sinh từ quá trình sản xuất xi măng.
Nhờ những sáng kiến này, mỗi tấn SCG Low Carbon Super xi măng (xi măng xanh) góp phần giảm lượng phát thải carbon tương đương với mức độ hấp thụ CO2 của 12 cây trưởng thành trong vòng một năm.
Ông Tanakorn Theeramankong - phó giám đốc quốc gia Việt Nam của SCG - cho biết đây là lần đầu tiên SCG giới thiệu sản phẩm xi măng thân thiện với môi trường đến thị trường Việt Nam, đánh dấu một bước tiến lớn trong hành trình hướng đến Net Zero.
"Bằng cách ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, chúng tôi không chỉ giảm thiểu tác động đến môi trường mà còn đặt ra tiêu chuẩn mới cho ngành xây dựng tại Việt Nam", ông nói.
Giảm phát thải là yếu tố sống còn, nếu không sẽ phải mua tín chỉ carbon giá cao
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một nhà thầu lớn tại TP.HCM cho hay hiện nay các công trình xanh tại Việt Nam ngày càng phổ biến, trong đó các chủ đầu tư mong muốn đạt các tiêu chuẩn công trình xanh như Leed Gold, Lotus, Edge…
Do đó, ngay từ khâu thi công, doanh nghiệp cũng phải sử dụng các loại vật liệu "xanh", giảm phát thải carbon. Riêng với thị trường xi măng, vị này cho hay do thị trường bất động sản còn khó khăn, số lượng công trình ít ỏi nên doanh nghiệp gặp khó về đầu ra.
Tuy nhiên, việc đầu tư chuyển đổi quy trình sản xuất để giảm phát thải là yếu tố sống còn của doanh nghiệp xi măng nếu muốn xuất khẩu hoặc cung ứng cho các công trình lớn.
Hiện Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và đang trong giai đoạn báo cáo, kiểm kê phát thải đối với các nhà xuất khẩu.
Tại Việt Nam, ngành xi măng, sắt, thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện phải khai báo mức phát thải và sẽ chịu thuế carbon từ năm 2026, hoặc mua tín chỉ carbon khi xuất sang thị trường này.
Theo ông Lương Đức Long - phó chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, giá mỗi tín chỉ carbon tại châu Âu khá cao, lên tới hơn 90 USD/tấn CO2 nên nếu phải chịu thuế, đây sẽ là khoản rất nặng nề cho các doanh nghiệp.
Do đó, các doanh nghiệp cần sớm có các giải pháp chuyển đổi xanh để ứng phó với việc đánh thuế. Việc chuyển đổi xanh trong sản xuất xi măng thường là giảm hàm lượng clinker (thành phần chính của xi măng), giảm thải trong quá trình nung clinker hoặc giảm tiêu hao điện trong sản xuất.
Tuy nhiên theo ông Long, việc giảm hàm lượng clinker rất khó bởi không khách hàng nào muốn mua xi măng ít clinker. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần tập trung vào giảm phát thải trong quá trình nung hay giảm tiêu thụ điện trong quá trình sản xuất.
Ngành xi măng gặp khó
Trong báo cáo tình hình ngành xi măng Việt Nam, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết có khoảng 80% sản lượng xi măng được sản xuất trên các dây chuyền công suất lớn, tiên tiến, hiện đại, còn lại khoảng 20% sản xuất từ các dây chuyền công suất nhỏ.
Việt Nam cũng là nước sản xuất xi măng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ. Nhưng từ năm 2022 đến nay, sản lượng xi măng tiêu thụ trong nước sụt giảm mạnh, doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp xi măng đã phải chuyển hướng tăng xuất khẩu xi măng để duy trì sản xuất, năm 2021 lượng xuất khẩu xi măng và clinker đạt khoảng 45 triệu tấn.
Hiệp hội Xi măng cho rằng nếu không tìm đường xuất khẩu thì nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó, đối mặt nguy cơ phá sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận