![Tập đoàn Hàn Quốc muốn phát triển lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ tại Việt Nam - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/tong-bi-thu-tap-doan-sk-17395372601981362693588.png)
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae Won - Ảnh: TTXVN
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, tại buổi tiếp chiều 14-2 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm hoan nghênh ông Chey Tae Won - chủ tịch Tập đoàn SK kiêm chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc (KCCI) - thăm và làm việc tại Việt Nam.
SK muốn phát triển loạt giải pháp năng lượng cho Việt Nam
Đánh giá cao những kết quả mà SK đã đạt được trong quá trình đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua, Tổng Bí thư đồng thời cảm ơn những tình cảm mà ông Chey và Tập đoàn SK dành cho mảnh đất hình chữ S.
Bày tỏ hài lòng về quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển hết sức tốt đẹp, ông nhấn mạnh Hàn Quốc luôn thuộc nhóm các quốc gia dẫn đầu về đầu tư, thương mại tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, hai nước đang hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 150 tỉ USD vào năm 2030.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao kế hoạch triển khai các dự án mới của Tập đoàn SK tại Việt Nam phù hợp với các định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Ông đề nghị tập đoàn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan và địa phương Việt Nam sớm triển khai các dự án một cách nhanh nhất, thực chất và hiệu quả.
Về phần mình, ông Chey Tae Won đã báo cáo tình hình hoạt động đầu tư của Tập đoàn SK tại Việt Nam thời gian qua và kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam thời gian tới.
Ông nhấn mạnh Tập đoàn SK có năng lực hàng đầu thế giới trong lĩnh vực năng lượng và mong muốn hợp tác triển khai các lĩnh vực liên quan tại Việt Nam để góp phần vào việc phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, SK mong muốn hợp tác với phía Việt Nam triển khai các giải pháp năng lượng kết hợp phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như đầu tư hạ tầng điện khí LNG tại Việt Nam.
Ngoài ra, kết hợp phát triển các dự án hợp tác tiềm năng liên quan đến trung tâm dữ liệu AI, năng lượng hydro và lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ (SMR), nông nghiệp công nghệ cao và logistics.
![Tập đoàn Hàn Quốc muốn phát triển lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ tại Việt Nam - Ảnh 2.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/tong-bi-thu-dien-ninh-thuan-17395372601861362614728.png)
Tổng Bí thư Tô Lâm quan sát vị trí quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 hồi tháng 12-2024 - Ảnh: TTXVN
Nhu cầu về lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ tại Việt Nam
Là một quốc gia đang phát triển, đang chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, Việt Nam có nhu cầu lớn về các nguồn năng lượng tái tạo, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng cho sản xuất, vừa đáp ứng các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0.
Thời gian qua, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các dự án năng lượng tại Việt Nam. Sau khi Việt Nam tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào tháng 11 năm ngoái, sự quan tâm của nước ngoài đối với điện hạt nhân đã tăng lên.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến hoàn thành trong 5 năm. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.
Tại cuộc họp tham vấn về đề án Quy hoạch điện VIII điều chỉnh ngày 12-2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ Việt Nam sẽ phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước.
Trong đó, ngoài hai nhà máy ở Ninh Thuận, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh lần này sẽ xác định ít nhất 3 trong 8 địa điểm có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến 2030.
Trước đó, tại một hội nghị đầu năm 2025 của Bộ Công Thương về điện hạt nhân, ông Diên cũng cho rằng với việc Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam, phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ sẽ phù hợp.
Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ sẽ rất thuận lợi cho khai thác phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch.
Các lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ đang nhận được nhiều quan tâm trên thế giới trong những năm gần đây. Ngoài kích thước nhỏ hơn các lò phản ứng tiêu chuẩn truyền thống, chi phí và thời gian xây dựng lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ cũng rẻ và nhanh hơn.
Nhiều quốc gia trong đó có Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã nhảy vào cuộc đua lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ trong vài năm trở lại đây. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ước tính có khoảng 70 thiết kế đang được phát triển tính đến cuối tháng 10-2024.
Chỉ có hai quốc gia là Nga và Trung Quốc có các lò phản ứng hạt nhân module cỡ nhỏ đang vận hành thương mại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận