
Theo đề xuất của dự luật, cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận - Ảnh: TỰ TRUNG
Theo đề xuất của dự luật, cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng thời khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới.
Bỏ ngạch công chức
Đây là nội dung hoàn toàn mới so với Luật Cán bộ, công chức hiện hành. Bởi luật hiện hành quy định cán bộ, công chức được Nhà nước bảo đảm tiền lương tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Đề xuất trả lương cán bộ, công chức theo vị trí việc làm tại dự luật, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về ngạch công chức trong luật hiện hành, thay vào đó sẽ tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, dự thảo luật đã dành một chương quy định về vị trí việc làm. Trong đó có vị trí việc làm của công chức gồm vị trí việc làm: lãnh đạo, quản lý; chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ, phục vụ.
Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện. Cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị...
Dự luật quy định rõ về nội dung vị trí việc làm của cán bộ gồm tên gọi vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm. Về nội dung vị trí việc làm của công chức cũng gồm tên gọi vị trí việc làm, bản mô tả công việc (nội dung công việc và kết quả của công việc, khung năng lực).
Quy định về căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức gồm: chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức. Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Ngoài quy định tại các điểm trên, các cơ quan, tổ chức ở địa phương tùy theo vị trí địa lý; tính chất, quy mô, cơ cấu dân số; tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; tình hình an ninh - trật tự của địa phương để cụ thể thêm cho phù hợp. Đồng thời đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về vị trí việc làm.

Thông tin: NHẬT KHÁNH - Đồ họa: TUẤN ANH
Làm ở vị trí nào, hưởng lương ở vị trí đó
Còn tại dự thảo tờ trình, Bộ Nội vụ cũng nêu rõ hệ thống vị trí việc làm của công chức được xếp theo thứ bậc căn cứ vào tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, bản mô tả công việc và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị phù hợp với tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp xã.
Từ cơ sở này, các cơ quan tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, quản lý công chức và trả lương theo nguyên tắc "làm ở vị trí việc làm nào thì hưởng mức lương tương ứng của vị trí việc làm ấy".
Đây là đề xuất cần thiết, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Bộ Nội vụ cũng chỉ rõ việc đổi mới quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đổi mới tư duy quản lý cán bộ công chức theo vị trí việc làm thay cho ngạch bậc.
Cũng theo Bộ Nội vụ, hiện nay thực hiện Luật Cán bộ, công chức hiện hành, 100% các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và phê duyệt đề án vị trí việc làm, tuy nhiên còn gắn với cơ cấu ngạch công chức và bảng lương hiện hành.
Vì vậy trong thời gian chưa thiết kế bảng lương mới theo vị trí việc làm, việc thực hiện từng bước chuyển đổi sang cơ chế quản lý cán bộ công chức theo vị trí việc làm vẫn áp dụng các ngạch lương hiện hành nên không tạo ra sự xáo trộn lớn.
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), các bộ, ngành, địa phương sẽ hoàn thiện lại đề án vị trí việc làm cho phù hợp để chuyển dần sang cơ chế quản lý mới theo lộ trình.
Bước đột phá
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng nêu rõ việc bỏ ngạch bậc và thay bằng quản lý, trả lương cho cán bộ công chức theo vị trí việc làm như đề xuất của Bộ Nội vụ là bước đột phá, tiến bộ mới, rất quan trọng, vô cùng cần thiết.
"Việc này cần phải làm càng sớm càng tốt, bởi xu hướng chung các nước đã chuyển sang quản lý, trả lương cho công chức theo vị trí việc làm từ lâu.
Thêm vào đó cần phải trở về giá trị nguyên bản của quản lý công chức. Việc quản lý ngạch bậc, thi nâng ngạch bậc, từ chuyên viên này lên chuyên viên kia... không còn đúng nữa, đã quá lạc lõng. Với tinh thần của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang thực hiện thì hoàn toàn có thể chuyển ngay từ cơ chế quản lý cũ sang quản lý, trả lương theo vị trí việc làm...", PGS Điều khẳng định.
Ông nói thêm tại dự thảo luật nêu việc trả lương theo vị trí việc làm nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp vẫn dùng ngạch, bậc lương để không làm xáo trộn là phù hợp.
Trong khi đó, theo ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ), trong khu vực tư, việc trả lương theo vị trí việc làm đã được thực hiện từ rất lâu, như người làm vị trí giám đốc nhận lương giám đốc, vị trí trưởng phòng nhận lương trưởng phòng, nhân viên nhận lương nhân viên... Do vậy với khu vực công, ông cho rằng cần sớm nghiên cứu thực hiện.
Ông Huân cho rằng việc trả lương theo vị trí việc làm khi thực hiện cần phải xuất phát từ việc rồi mới phân nhân sự, chứ không phải từ nhân sự mới phân việc.
Cần xác định lại trong một cơ quan có bao nhiêu đơn vị, một đơn vị có bao nhiêu việc, một việc cần bao nhiêu người rồi từ đó sắp xếp lại nhân sự, cắt giảm và điều chuyển sao cho đúng vị trí việc làm. Mô hình này nhiều nước vận hành rất tốt.
Gắn trả lương với cơ chế đánh giá cán bộ, công chức
Ông Phạm Minh Huân cho rằng phải xác định rõ, thực hiện trả lương theo vị trí việc làm bản chất là tinh giản biên chế, thậm chí phải thu hút người tài vào bộ máy để thay đổi. Cùng với đó cần gắn trả lương với cơ chế đánh giá cán bộ, công chức.
Việc này rất khó nhưng phải quyết tâm làm, phải xây dựng được một phương thức đánh giá và thực hiện việc đó.
"Xếp lương chỉ là ban đầu, sau này trả lương gắn với hiệu quả công việc, mức độ đóng góp. Làm việc kém phải giảm lương, làm tốt phải tăng lương. Hiện nay chúng ta chủ yếu đánh giá cán bộ công chức gắn với tiền thưởng. Nhưng quan trọng là đánh giá phải gắn với tiền lương, như vậy cải cách tiền lương mới có chiều sâu và thực sự thành công", ông Huân nói.
Lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân
Theo Bộ Nội vụ, để đảm bảo đời sống cho công chức, giúp công chức yên tâm công tác, hạn chế việc làm thêm cũng như tiêu cực, cần trả lương theo vị trí việc làm. Cơ sở để trả lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động.
Có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và "chảy máu chất xám".
Các nước trả lương công chức ra sao?

Nhân viên đi bộ bên ngoài Ngân hàng Trung ương Nhật Bản ở thủ đô Tokyo - Ảnh: Reuters
Theo Bộ Nội vụ, dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi lần này có tham khảo việc trả lương của nhiều nước.
Với Trung Quốc: Tiền lương của công vụ viên phải được trả đầy đủ, đúng hạn. Ngoài ra họ còn được hưởng phụ cấp vùng, phụ cấp khu vực khó khăn, vùng sâu vùng xa, phụ cấp chức vụ, trợ cấp nhà ở, trợ cấp y tế. Công chức hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, có năng lực được thưởng cuối năm.
Với Nhật Bản: Hội đồng nhân sự quốc gia nghiên cứu, xây dựng một kế hoạch lương thưởng phù hợp với phân loại vị trí công việc, tùy theo mức độ phát triển kinh tế có thể tăng hoặc giảm và trình nghị viện và nội các.
Tiêu chuẩn để tăng lương: thâm niên làm việc, độ khó, mức độ phức tạp, tính hiệu quả trong công việc; phân loại vị trí công việc; thù lao làm việc ngoài giờ, làm việc ban đêm và trong ngày nghỉ; phụ cấp công việc trong những lĩnh vực đặc biệt, cho các công việc độc hại.
Điều chỉnh mức lương thưởng theo tiêu chí: về số lượng người phụ thuộc, công việc bán thời gian, trang thiết bị cần thiết phục vụ đời sống của công chức do Nhà nước chi trả toàn bộ hoặc một phần chi phí và các vị trí công việc khác với những điều kiện làm việc đặc biệt.
Các cơ cấu lương gồm: chi phí sinh hoạt, mức lương phổ biến trong khu vực tư nhân và các điều kiện thích hợp khác. Hội đồng nhân sự quốc gia xây dựng một thang, bậc, mức lương cho mỗi loại vị trí công việc.
Việc chi trả lương thông qua bảng lương và các bảng lương được lưu giữ phục vụ cho các cuộc kiểm tra bất kỳ của Hội đồng nhân sự quốc gia, đảm bảo tính hợp pháp và được điều chỉnh cho phù hợp.
Nếu phát hiện thấy việc chi trả lương thưởng sai phạm, Hội đồng nhân sự quốc gia báo cáo Hội đồng kiểm toán hoặc thông báo cho công tố viên nhà nước để tiến hành điều tra khởi tố.
Với Mỹ: Quy định về hệ thống trả lương theo hiệu suất và tiền thưởng khuyến khích. Việc tăng lương phải dựa trên chất lượng thực hiện công việc hơn là thâm niên làm việc.
Trả lương ngang nhau cho những công việc có giá trị như nhau, với sự cân nhắc phù hợp về mức lương quốc gia, địa phương và khu vực tư nhân trả, đồng thời cần có các biện pháp khuyến khích và ghi nhận những người có thành tích xuất sắc.
Với Pháp: Công chức sau khi làm việc được hưởng thù lao gồm lương; trợ cấp cư trú; phần bổ sung chế độ gia đình; tiền thưởng và phụ cấp được thiết lập theo quy định. Quyền được hưởng phụ cấp lương gia đình tùy theo số con do công chức chăm sóc.
Với New Zealand: Công chức có thể kiếm được trung bình thấp nhất 1.333 NZD/năm (khoảng 20.073.247 đồng/tháng) đến mức lương trung bình cao nhất là 4.191 NZD (khoảng 63.111.012 đồng/tháng).
Đây là mức lương trung bình cho công chức ở New Zealand và bao gồm các phúc lợi như nhà ở và đi lại. Mức lương công chức tính theo cấp độ kinh nghiệm làm việc và trình độ học vấn.
Không có phụ cấp chức vụ
Theo Bộ Nội vụ, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm tiền lương, thưởng, phụ cấp đi lại, cư trú, khu vực... và không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm. Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận