09/10/2020 10:51 GMT+7

Tạo động lực cho học sinh, sinh viên học nghề

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Những định kiến như "phải học ĐH mới có việc làm", "học nghề kém sang" giờ đã không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại. Thực tế cho thấy học nghề mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Tạo động lực cho học sinh, sinh viên học nghề - Ảnh 1.

Tân sinh viên Trường cao đẳng nghề Du lịch Sài Gòn (TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Theo ông Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, quan niệm phải vào ĐH bằng mọi giá khiến nhiều học sinh "lao" vào ĐH dù biết mình không đủ thực lực. Mất 4 năm học, bỏ ra khá nhiều tiền để rồi ra trường làm trái nghề là một sự lãng phí lớn. Trong khi đó học nghề có thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp hơn, cơ hội có việc làm lớn thì lại bị coi là lựa chọn cuối cùng khi học sinh không thể vào ĐH.

Ðây chính là khó khăn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong công tác tuyển sinh. Xuất phát từ lý do đó, Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên các cơ sở nghề nghiệp xuất sắc tiêu biểu năm 2020.

Việc tôn vinh sẽ giúp học sinh, sinh viên cảm thấy tự hào, vững tin với lựa chọn của mình. Đồng thời đây cũng là cách để tạo ra môi trường và tạo động lực cho học sinh, sinh viên thi đua học tập, rèn luyện, phấn đấu, phát triển toàn diện về năng lực trong giáo dục nghề nghiệp.

Mỗi em được tuyên dương sẽ mang đến những câu chuyện, những thông điệp để truyền cảm hứng về việc lựa chọn nghề phù hợp cho thế hệ sau này.

Bà Trần Minh Huyền (vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)

Qua ba vòng xét chọn, Hội đồng xét chọn cấp toàn quốc đã lựa chọn được 130 học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, tiêu biểu nhất, trong đó có 112 sinh viên và 18 học sinh của 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.

"130 học sinh, sinh viên được lựa chọn đều xuất sắc và thực sự tiêu biểu, nhiều em là người dân tộc thiểu số đã vượt qua những khó khăn lựa chọn học nghề và xuất sắc trở thành gương tiêu biểu được tôn vinh. Bản thân các em được lựa chọn vào đến vòng tuyên dương toàn quốc đã là xuất sắc và để lại trong ban tổ chức những ấn tượng đặc biệt" - bà Trần Minh Huyền, vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ.

Theo bà Huyền, để trở thành lựa chọn của học sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với nhu cầu của đối tượng học cũng như có kế hoạch đào tạo cụ thể, không tràn lan, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và thực hành nâng cao chất lượng đào tạo học viên cũng là một trong những điểm cộng của giáo dục nghề nghiệp.

Vào 19h30 tối nay (9-10), lần đầu tiên Bộ Lao động - thương binh và xã hội tôn vinh 130 học sinh, sinh viên ưu tú nhất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước. Đây là những học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, có các giải thưởng, đề tài nghiên cứu khoa học, các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống, đoạt giải cao trong các kỳ thi tay nghề từ cấp trường đến cấp thế giới, là những tấm gương sáng, lan tỏa về việc học tập và rèn luyện trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thành công nhờ lựa chọn đúng

Đó là điểm chung mà 5 học sinh, sinh viên chia sẻ khi nói về kinh nghiệm chọn trường, chọn nghề. Họ sẽ cùng với 125 học sinh, sinh viên ưu tú khác được tuyên dương trong buổi lễ tối nay (9-10).

* "Chọn học nghề là hoàn toàn đúng đắn"

trương thế diện 1(read-only)

Trương Thế Diệu (Trường CĐ nghề Bách khoa Hà Nội) đã giành được huy chương bạc tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, được Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng nhì. Giải thưởng tay nghề có được là nhờ suốt 2 năm trời Diệu miệt mài rèn luyện mỗi ngày hơn 10 tiếng đồng hồ tại nước Nga. Khi đang học, Diệu đã được cộng tác với một công ty và được trả lương như người đi làm. Hiện anh phụ trách phần đào tạo kỹ năng nghề của công ty này.

"Mọi người nói học nghề kém sang, nhưng ngay từ khi tốt nghiệp cấp ba bố mẹ tôi đã hướng con đi theo trường nghề. Là người rất giỏi tưởng tượng ra các vật thể 3D nên sau khi nghe tư vấn, tôi chọn ngành cơ khí. Học nghề có cái hay là trường liên kết đào tạo với doanh nghiệp nên sinh viên có cơ hội được học hỏi thực tế với thiết bị rất tốt. Tôi đã được công ty cho đi học tại Nhật, Thái, Nga. Cho đến giờ tôi có thể tự tin khẳng định quyết định chọn CĐ nghề của tôi là hoàn toàn đúng đắn" - Trương Thế Diệu nói.

* Thành công vì thích... ổ điện

lê đức anh 1(read-only)

Thời học THPT, từ chỗ mày mò tìm hiểu về ổ điện, Lê Đức Anh quyết định tự học về điện xoay chiều. Chính sở thích này đã dẫn dắt anh vào Trường CĐ Cơ điện Hà Nội. Trong quá trình học, Đức Anh đã giành giải nhất nghề lắp đặt điện tại Kỳ thi tay nghề TP Hà Nội năm 2019; giải nhất nghề lắp đặt điện tại Hội thi tay nghề Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020. Chàng trai sinh năm 2000 chia sẻ: "Tốt nghiệp cấp ba, tôi tự biết không đủ lực vào ĐH nên chọn CĐ nghề. Tôi chọn ngành điện công nghiệp vì phù hợp với sở thích. Phương châm sống của tôi là miệt mài tích cực làm việc. Tôi mong ước sau này mở một công ty riêng về điện và thành công trong lĩnh vực này".

* Tuyển dụng dựa vào năng lực, chứ không phải bằng cấp

lê thị hồng nhi 1(read-only)

Đủ điểm vào Trường ĐH Cần Thơ nhưng Lê Thị Hồng Nhi lại quyết định chọn Trường CĐ Du lịch Cần Thơ, khiến ba mẹ và bạn bè ngỡ ngàng. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cô lớp trưởng năng động, từng giành huy chương vàng môn cầu lông này đã cộng tác với các công ty du lịch và thường đi tour cuối tuần. Số tiền kiếm được giúp Nhi không phải xin cha mẹ tiền chi tiêu sinh hoạt. Trước khi Nhi ra trường, những công ty cô cộng tác đã mời cô về làm việc.

"Ban đầu em cũng rất ngại vì ba má đi đâu cũng bị mọi người hỏi con đỗ CĐ hay ĐH. Nhưng càng học càng thấy mình quyết định chính xác vì nghề mà em đăng ký vào ĐH là quản trị công nghiệp không phù hợp với em. Còn ngành du lịch em càng học càng say mê. Em thấy các công ty bây giờ tuyển dụng cũng thực tế lắm, họ căn cứ vào năng lực của mình chứ không hẳn chỉ coi tấm bằng" - Nhi chia sẻ.

* Học nghề tiết kiệm thời gian, chi phí

nguyễn trân huyền my 1(read-only)

Đúng vào ngày được tin trúng tuyển Trường ĐH Nha Trang thì Nguyễn Trân Huyền My nhận được giấy báo trúng tuyển của Trường CĐ Du lịch Nha Trang. Nhi đã rất phân vân không biết nên chọn trường nào. Sau một ngày suy nghĩ, cô đã chọn trường CĐ vì thích cách học đi đôi với thực hành. Học kỳ nào Huyền My cũng nhận được học bổng. Càng ngày cô càng thấm thía việc chọn đúng ngành nghề quan trọng thế nào. "Không nhất thiết phải học ĐH luôn đâu. Học CĐ thì chi phí, thời gian và tiền bạc ít hơn, ra trường là có việc, kiếm được tiền lo bản thân và gia đình vẫn tốt hơn học ĐH ra trường không có việc" - Huyền My chia sẻ.

* Cô gái yêu làn điệu ví dặm

nguyễn thị thanh xuân 1(read-only)

Lớn lên từ lời ru của bố và của bà nên dân ca đã ngấm vào máu Nguyễn Thị Thanh Xuân từ nhỏ. Tốt nghiệp cấp ba, Xuân chọn Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và được cả gia đình ủng hộ. Gia đình Xuân làm nông nghiệp, mấy năm gần đây bố bị bệnh xơ gan nên rất khó khăn. Nhưng càng khó khăn càng thôi thúc Xuân học giỏi. Cô là sinh viên thường xuyên nhận được học bổng của trường. Xuân đã giành giải ba Hội diễn văn nghệ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2019, giải nhất Liên hoan dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh.

Với mong muốn bảo tồn và phát triển dân ca ví dặm, Xuân đã nảy ý tưởng khởi nghiệp mở trung tâm đào tạo bảo tồn và phát triển dân ca ví dặm Hà Tĩnh. Ý tưởng này được giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp của trường CĐ cô đang theo học. Châm ngôn sống của Xuân là "tâm sáng trí trong", dù hoàn cảnh khó khăn thế nào cô cũng sống tích cực.

Học nghề có nhiều cơ hội việc làm Học nghề có nhiều cơ hội việc làm

TTO - Thống kê cho thấy cả nước hiện có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và trên 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho giới trẻ.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên