18/07/2020 10:24 GMT+7

Học nghề để vươn ra thế giới

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trái với nhiều định kiến cho rằng học sinh tham gia các chương trình giáo dục nghề nghiệp thường "thấp kém" hơn so với học đại học, không ít bạn trẻ đã và đang chứng tỏ năng lực cạnh tranh với lao động trên thế giới.

Học nghề để vươn ra thế giới - Ảnh 1.

Khánh Vy (thứ hai từ phải sang) trực tiếp học tại bệnh viện trong kỳ trao đổi tại Đức - Ảnh: HOÀNG LÂM

Các bạn đã và đang góp phần làm thay đổi định kiến và nhận thức của xã hội về học nghề.

"Ngao du" nâng cao kiến thức

Trước khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại châu Âu, Ngô Lê Khánh Vy (sinh năm 1999, Trường cao đẳng Viễn Đông, TP.HCM) cùng một số giảng viên, sinh viên tham gia chương trình trao đổi nghề điều dưỡng tại Đức. Chuyến đi kéo dài hơn 1 tháng, từ 3-2 đến 8-3-2020.

Với Vy, đó là thời gian đáng nhớ khi được tham dự các lớp học tại những trung tâm đào tạo điều dưỡng, những cơ sở y tế nổi tiếng như Bệnh viện Klinikum Westfalen (Dortmund), Bệnh viện Knappschaftskrankenhaus Bochum (Bochum). 

Vy chia sẻ về chuyên môn, sinh viên Việt Nam theo ngành điều dưỡng không thua kém so với bạn bè các nước phát triển, nhờ vào nền tảng kỹ thuật tốt. Để tiến bộ, theo Vy, sinh viên chỉ cần hiểu và thích ứng những khác biệt giữa văn hóa, môi trường làm việc, đồng thời trau dồi ngoại ngữ, chịu khó học hỏi thêm các công nghệ hiện đại. "Sau tốt nghiệp, mình sẽ tham gia chương trình làm việc 5 năm ở Đức" - Vy nói.

Theo bà Phan Thị Lệ Thu - phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Viễn Đông, nhu cầu nhân lực điều dưỡng nói riêng và các ngành giáo dục nghề nghiệp nói chung ở Đức khá lớn, dù được tạo nhiều điều kiện và ưu đãi. Do đó, các trường với sự hỗ trợ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) đã tăng cường kết nối với các tập đoàn quốc tế có nhu cầu nhân lực. Tháng 3 vừa qua, đoàn công tác của tổng cục cũng đã đến làm việc tại Đức để hợp tác đào tạo nghề điều dưỡng.

"Sinh viên học ở Đức chỉ tốn tiền học tiếng Đức, còn lại chi phí học tập ở Đức miễn phí. Thậm chí, đối tác ở Đức còn hỗ trợ các bạn 1.000 - 1.500 euro mỗi tháng. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên được ở lại làm việc 5 năm với mức lương 2.500 - 3.200 euro/tháng. Hết thời gian, các bạn có thể chọn về nước hoặc tiếp tục các hợp đồng ở lại" - bà Thu nói.

Cạnh tranh cùng bạn bè năm châu

Lê Tuấn Anh (Q.9, TP.HCM) từng là sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng niên khóa 2012 - 2015, chuyên ngành kỹ thuật ôtô. Sau khi tốt nghiệp, Tuấn Anh làm việc cho một gara rồi chuyển sang Công ty TNHH Isuzu Việt Nam. Tháng 11-2019, Tuấn Anh cùng nhóm đại diện các kỹ thuật viên ở Việt Nam tham gia hội thi tay nghề quốc tế do tập đoàn này tổ chức tại Nhật.

Nhờ cuộc thi, Tuấn Anh được tăng cường huấn luyện, giao lưu mở rộng tầm mắt tại Nhật: thử việc trong các nhà máy, trải nghiệm các công nghệ, thiết bị mới... "Tay nghề của các lao động Việt Nam không thua gì so với các bạn. Trở ngại lớn nhất là thiết bị hiện đại nên cần nâng cao kiến thức về lĩnh vực này" - Tuấn Anh chia sẻ.

Cuối cùng, nhóm thí sinh Việt Nam đã nhận huy chương vàng chung cuộc. Thành tích này giúp Tuấn Anh tạo được một cột mốc mới trong sự nghiệp. Về nước, Tuấn Anh được luân chuyển lên một vị trí cao hơn, được anh em hỏi thăm ý kiến trong nhiều ca "bắt bệnh" cho xe. Tuấn Anh trực tiếp tư vấn cho khách hàng có nhu cầu và giao lại cho đội ngũ thợ thực hiện.

Theo lãnh đạo một công ty môi giới lao động tại TP.HCM, nhu cầu nhân lực có tay nghề cao cho những ngành kỹ thuật ở các nước trong khu vực như Nhật, Hàn hay cả Thái Lan, Malaysia hiện nay rất lớn. Những cơ sở sử dụng lao động ở các quốc gia này thường rất chuộng lao động từ Việt Nam vì lành nghề lại chăm chỉ và chịu học hỏi. 

"Hằng năm chúng tôi phải đi đến nhiều trường nghề chọn sẵn các em năm cuối đạt tiêu chuẩn để "chào hàng" sang các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, phải nói rằng nguồn cung hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu rất lớn" - vị này nói.

Không ngại tiếng Anh

Nguyễn Hữu Lẩm (Bình Phước) từng theo học chuyên ngành điện công nghiệp tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng niên khóa 2013 - 2016. Sinh ra và lớn lên tại huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, Lẩm chọn đường học nghề vì nhận thấy sự ổn định và nhu cầu nhân lực rất lớn sau khi ra trường.

Hiện nay, Lẩm đang làm cho Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, ở quận 9 (TP.HCM). Công tác cho đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, Lẩm tự ý thức và liên tục trau dồi tiếng Anh, và hiện tự tin với khả năng của mình.

Lẩm còn tiếp tục học liên thông Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật (tốt nghiệp năm 2018) và ấp ủ dự định tiếp tục học thạc sĩ.

Tài trợ học bổng cho học sinh học nghề Tài trợ học bổng cho học sinh học nghề

TTO - Đây là một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên