Thứ 7, ngày 25 tháng 6 năm 2022
Tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP Thủ Đức
TTO - TP Thủ Đức (TP.HCM) được ưu tiên dành nguồn lực để phát triển hạ tầng, thực hiện tăng tỉ lệ ngân sách để lại nhằm đầu tư phát triển đúng định hướng đã đề ra.

Nếu có cơ chế phù hợp thì TP Thủ Đức sẽ tự lực đầu tư phát triển - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 22-3, Thành ủy TP Thủ Đức đã triển khai nghị quyết 08 của Thành ủy TP.HCM về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế để phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Theo đó, cơ chế phát triển TP Thủ Đức được Thành ủy quy định gồm 2 nhóm vấn đề. Trong thẩm quyền của mình, TP.HCM sẽ thực hiện phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức trên một số lĩnh vực: tài chính ngân sách, đầu tư, đất đai, môi trường, quản lý đô thị, đối ngoại... theo hướng ban hành quyết định riêng phân cấp, ủy quyền cho UBND và chủ tịch UBND TP Thủ Đức.
Ưu tiên dành nguồn lực tài chính ngân sách cho phát triển hạ tầng; thực hiện tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TP Thủ Đức để có nguồn lực đầu tư phát triển theo đúng định hướng đã đề ra.
Sớm xây dựng và triển khai thực hiện các đề án thí điểm về: khai thác quỹ đất, quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung, đề án thí điểm cho TP Thủ Ðức được mời gọi đầu tư, ký kết các hợp đồng theo hình thức đối tác công tư, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu công trình để tạo nguồn lực phát triển hạ tầng ở mức quy mô dự án nhóm B, nhóm C…
TP.HCM sẽ ưu tiên thẩm định, phê duyệt đề án xây dựng đô thị thông minh và chương trình chuyển đổi số tại TP Thủ Đức giai đoạn 2021 - 2025.
Ưu tiên thẩm định, phê duyệt phương án hệ số điều chỉnh giá đất phục vụ công tác bồi thường, thu hồi đất, tái định cư trên địa bàn TP Thủ Đức giúp cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhanh hơn.
Xây dựng cơ chế cho TP Thủ Đức được thực hiện chương trình thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt. Có chính sách hỗ trợ phù hợp để nâng cao thu nhập cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP Thủ Đức...
Với những cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền của TP.HCM thì TP sẽ kiến nghị Quốc hội và các cơ quan trung ương xem xét. Cụ thể như TP sẽ nghiên cứu tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển phù hợp cho TP Thủ Đức, kiến nghị trung ương ban hành cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại TP Thủ Đức…
Ông Nguyễn Văn Hiếu - bí thư Thành ủy TP Thủ Đức - cho biết TP Thủ Đức đang xây dựng 49 chương trình, đề án, kế hoạch để thực hiện trên cơ sở nghị quyết trên. Dự kiến, đến tháng 8-2022, các kế hoạch sẽ được xây dựng xong và bắt tay vào thực hiện.
Ông Hiếu cho rằng TP Thủ Đức có vị trí thuận lợi, còn nhiều dư địa để phát triển nếu được đặt trong một cơ chế phù hợp. Khi đó, TP Thủ Đức sẽ tự lực đầu tư, phát triển, không phải chờ Nhà nước rót ngân sách.
-
TTO - Lịch xét tuyển sớm, thay đổi nguyện vọng đại học năm 2022 như thế nào?; TP.HCM đề nghị các tỉnh thành phối hợp xử lý xe chở hàng quá tải trọng; Việt Nam đã tiêm trên 228 triệu liều vắc xin và vẫn còn 22,2 triệu liều... là tin chú ý sáng nay.
-
TTO - Các hãng hàng không liên tục tăng chuyến nhưng giá vé máy bay vẫn "nhảy múa" tăng từng ngày do sức ép giá nhiên liệu và nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
-
TTO - Ngay khi có thể tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10, một số phụ huynh và học sinh tại TP.HCM ôm nhau khóc vì đường vào lớp 10 hẹp dần khi điểm thi thấp dưới mức tưởng tượng của họ.
-
TTO - Ngày 23-6, chính quyền Ukraine loan báo lô đầu tiên hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS) có khả năng bắn các đầu đạn dẫn đường của Mỹ đã tới nước này cùng 60 binh sĩ đã được huấn luyện cách vận hành.
-
TTO - Gần đây trên mạng xã hội lan truyền việc một thầy giáo ở Gia Lai kêu oan vì bị buộc thôi việc do sử dụng bằng tốt nghiệp PTTH không hợp lệ. Cơ quan chức năng nói gì?
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận