09/11/2017 18:45 GMT+7

Tầng ozone ra sao sau 30 năm nghị định thư Montreal?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Các nhà khoa học mới đây cho biết lỗ hổng tầng ozone hiện có kích cỡ nhỏ nhất kể từ năm 1988. Đây là tin vui, song con người không nên mừng vội.

Tầng ozone ra sao sau 30 năm nghị định thư Montreal? - Ảnh 1.

Lỗ hổng tầng ozone hiện thu nhỏ kích cỡ nhưng con người không nên chủ quan, theo các nhà khoa học - Ảnh: NASA

Theo các nhà khoa học thuộc Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA), lỗ hổng tầng ozone đo vào tháng 11 năm nay có diện tích khoảng 19,42 triệu km2 - nhỏ nhất kể từ năm 1988.

Một trong những nguyên nhân là vùng lốc xoáy ấm và bất ổn ở Nam Cực giúp thu hẹp tối đa đám mây tầng bình lưu hình thành ở tầng thấp hơn, nhờ đó giảm đi các phản ứng hóa học xảy ra có thể phá hủy ozone.

Tuy nhiên, nhìn rộng ra, "chữa trị" cho vết thương của tầng ozon là một nỗ lực toàn cầu trong suốt nhiều thập kỷ qua.

30 năm từ bước ngoặt lịch sử

Tầng ozone ra sao sau 30 năm nghị định thư Montreal? - Ảnh 2.

Các nhà khoa học đang đo bức xạ mặt trời ở Nam Cực vào tháng 10-2015 khi lỗ hổng ozone đạt kích thước kỷ lục do ảnh hưởng của hoạt động núi lửa ở Chile - Ảnh: EPA

Năm 1973, nhà hóa học Frank Sherwood Rowland và Mario Molina nhận thấy khí CFC (một hợp chất hữu cơ chứa cacbon, clo và flo) có thể tồn tại lâu trong không khí để có thể di chuyển đến giữa tầng bình lưu. 

Ở đây, dưới tác dụng của tia tử ngoại, nguyên tử clo được tách ra trở thành nguyên nhân "hủy diệt" các phân tử ozone ở tầng ozone theo chu kỳ khép kín.

Nhưng phải đến những năm 1985, lỗ hổng ozone mới được phát hiện lần đầu ở Nam Cực và các nhà khoa học có thể khẳng định lỗ hổng hoàn toàn có liên quan đến sự gia tăng của các khí CFC, đặc biệt khi NASA công bố những hình ảnh vệ tinh về tình trạng lúc đó.

Trong hoàn cảnh ấy, nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone ra đời nhằm loại bỏ dần việc sản xuất các chất có gây nguy hại đến tầng ozone, nhất là CFC. 

Nghị định được mở cho ký kết vào ngày 16-9-1987 và có hiệu lực từ ngày 1-1-1989. Đến nay 197 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham gia.

Lỗ hổng tầng ozone hiện có kích cỡ nhỏ nhất kể từ năm 1988 - Video: YouTube

"Đây là một cột mốc cho tất cả mọi người và cho hành tinh của chúng ta", Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của điều ước quốc tế này trong buổi kỷ niệm 30 năm ngày ký nghị định thư.

Theo tạp chí National Geographic, tầng ozone của Trái đất sẽ bị sụp đổ trước năm 2050 kèm theo những hậu quả khủng khiếp nếu không có nghị định thư Montreal.

Nếu viễn cảnh đó xảy ra, chỉ tính riêng nước Mỹ sẽ có thêm 280 triệu ca ung thư da và 1,5 triệu ca tử vong do ung thư da mỗi năm, kèm theo 45 triệu ca đục thủy tinh thể, theo số liệu của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA).

Hơn nữa, biến đổi khí hậu sẽ tồi tệ hơn bởi những chất hóa học "ăn" tầng ozone cũng là những khí gây hiệu ứng nhà kính với mức độ hàng ngàn lần so với CO2.

"Khí hậu chúng ta sẽ tăng tối thiểu 25% so với ngày nay nếu không có nghị định thư, cụ thể đến năm 2070 có thể thêm đến 2,50C" - Rolando Garcia, nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu khí quyển quốc gia Mỹ, cho biết. Điều này sẽ làm tăng những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán gấp 3 lần.

Do đó, ông Kofi Annan, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trước đây, từng nhận định "thỏa thuận quốc tế thành công nhất cho đến nay đã đạt được trên thế giới là nghị định thư Montreal".

Vẫn còn nhiều thách thức

Tầng ozone ra sao sau 30 năm nghị định thư Montreal? - Ảnh 4.

Gia tăng sử dụng PVC trong nông nghiệp và xây dựng cũng làm suy giảm tầng ozone - Ảnh: BBC

Theo trang Popular Science, lỗ hổng ozone của năm sau luôn nhỏ hơn năm trước ở cùng một thời điểm kể từ năm 2006, khi lỗ hổng này đạt kỷ lục cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Tuy nhiên, vẫn còn rất lâu để tầng ozone có thể trở lại như trước năm 1980. Đặc biệt, tầng ozone rất khó phục hồi như trước năm 1970.

Theo The Telegraph, hoạt động núi lửa có thể thúc đẩy sự suy giảm lượng ozone. Năm 2015, các nhà khoa học đã phát hiện lỗ hổng ozone lớn nhất từng thấy, với hơn 20 triệu km2 vào tháng 10, và hoạt động núi lửa ở Chile được cho là "thủ phạm".

"Khói núi lửa kết hợp với clo nhân tạo sẽ là một hỗn hợp cực độc", Susan Solomon từ Viện Công nghệ Massachusetts cho biết.

Đồng thời, những hợp chất được sử dụng cho nền công nghiệp sản xuất PVC tăng nhanh so với trước đây có thể làm chậm quá trình phục hồi của tầng ozone lên đến 30 năm, theo BBC.

Điển hình là dichloromethane - một trong những hóa chất sử dụng làm dung môi công nghiệp và chất tẩy sơn - đã tăng thêm 60% trong khí quyển trong thập niên vừa qua.

Một hợp chất nguy hiểm khác cũng đang tăng nhanh là dichloroethane, được dùng trong công nghiệp sản xuất PVC, loại nhựa nhẹ được sử dụng rộng rãi trong xây dựng và nông nghiệp.

Trong một khoảng thời gian dài, các nhà khoa học tin rằng 2 hợp chất này sẽ phân hủy cho đến khi chúng có thể vượt đến tầng ozone. Tuy nhiên, những phân tích mới đây cho thấy ngược lại: 2 hợp chất đến được tầng ozone nhanh hơn và gây nhiều ảnh hưởng hơn.

Dù vậy, những chất này chủ yếu được sản xuất ở Trung Quốc và hiện vẫn chưa được quản lý chặt chẽ.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên