Lượng tóc rụng trong một lần gội của người F0 sau khi khỏi bệnh
Trong số này còn có nhiều bệnh nhân gặp các vấn đề tâm lý, cần phải can thiệp. Ngành y tế TP.HCM xem đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.
Tăng gấp đôi
Dù là sáng cuối tuần (8-1) nhưng tại Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19 thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh
(TP.HCM) có nhiều bệnh nhân sau khỏi COVID-19 được kỹ thuật viên tập vật lý trị liệu với nhiều bài tập khác nhau, trong đó có trẻ em.
Phần lớn bệnh nhân gặp các di chứng hậu COVID-19 gồm: mệt mỏi, khó thở, mất ngủ, lo lắng, rụng tóc, đau nhức xương khớp... Số ít bệnh nhân kèm theo xơ phổi, liệt hay teo cơ.
Nằm trên giường với chiếc bóng cao su trên bụng, bé N.P.M. (6 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) ngoan ngoãn nghe lời nhân viên y tế thực hiện nhiều động tác kết hợp với hít thở sâu. Từng là bé rất năng động, hoạt bát, lanh lợi nhưng sau khi khỏi bệnh COVID-19 bé M. hay than mệt, có khi thở dốc lúc vui chơi, chạy nhảy.
Thấy sức khỏe của con yếu hơn so với trước khi nhiễm COVID-19, gia đình bé M. đưa cháu đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh, được chẩn đoán mắc bệnh về hô hấp. Sau đó, bé được khám tiếp tại Trung tâm phục hồi chức năng vật lý trị liệu, tâm lý trị liệu sau nhiễm COVID-19, các bác sĩ xác định bé có triệu chứng hậu COVID-19 và lên phác đồ điều trị cụ thể.
Đều đặn mỗi sáng, bà H.T.G. (73 tuổi, ngụ phường Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức) được người nhà chở đến trung tâm này để tập vật lý trị liệu khoảng 60 - 90 phút. Vào thời gian sau khỏi bệnh COVID-19, bà thường xuyên bị khó thở, chân tay bủn rủn, đi đứng không vững. Hơn nửa tháng tập luyện, bà G. đã tự đi được, ăn ngon miệng hơn, ngủ được nhiều hơn.
ThS Trần Tuấn Thành, khoa vật lý trị liệu - phục hồi chức năng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết những ngày qua số bệnh nhân khỏi COVID-19 cần tập vật lý trị liệu tại trung tâm tăng rõ rệt.
Cụ thể, vào những ngày cuối tháng 9 chỉ tiếp nhận khoảng 20 - 30 bệnh nhân thì từ cuối tháng 12 đã tăng lên gấp đôi với 40 - 60 bệnh nhân/ngày. Trước tình hình này, nhân sự gồm 1 trưởng khoa, 3 bác sĩ và 7 kỹ thuật viên phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân sau COVID-19 tăng.
Tương tự, tại khoa hồi sức và phục hồi chức năng sau COVID-19 Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM), ông Lê Đình Thanh - giám đốc bệnh viện - cho hay hiện khoa có khoảng 40 giường và luôn trong tình trạng bệnh nhân hậu COVID-19 (chủ yếu người trên 65 tuổi) nằm kín giường bệnh.
Lưu ý trẻ em và người già
Lý giải vì sao bệnh nhân hậu COVID-19 tăng, ThS Thành cho rằng khi tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM được kiểm soát tương đối, người dân được đi lại bình thường thì bệnh nhân gặp các triệu chứng hậu COVID-19 sẽ tìm đến các trung tâm, khoa điều trị hậu COVID-19 nhiều hơn.
Còn PGS Thanh giải thích với quy định rút ngắn thời gian cách ly, điều trị người F0 xuống còn 7 ngày khi thỏa các điều kiện của Bộ Y tế (không có triệu chứng, tiêm đủ 2 mũi vắc xin và kết quả xét nghiệm âm tính ngày thứ 7 - PV), cộng với tỉ lệ ca tử vong giảm, ca xuất viện tăng, ca bệnh nặng được cứu sống nhiều thì số người sau khỏi bệnh gặp các di chứng hậu COVID-19 sẽ tăng.
Theo ông Thanh, điều này nằm trong dự tính, phù hợp với tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM. Để giảm tải áp lực tại khoa hồi sức và phục hồi chức năng sau COVID-19, khoa sẽ tiếp nhận những bệnh nhân có di chứng COVID-19 nặng, cần hồi sức. Với những bệnh nhân gặp những di chứng điển hình thì chuyển về các khoa phòng phù hợp.
Sau khỏi COVID-19, mỗi lần gội đầu tóc rụng cả nắm
Theo ThS Trần Quang Trọng, rụng tóc là một trong những di chứng thường gặp hậu COVID-19. Nếu tình trạng này kéo dài cũng sẽ dẫn đến lo lắng, lo âu. Ở người lạc quan, họ sẽ tự tìm cách để giải tỏa từ phương pháp hợp lý hóa hay thăng hoa... Ví dụ tìm một lý do tích cực giải thích như rụng tóc là do nhiễm COVID-19 và tóc sẽ mọc lại trong thời gian tới.
"Tâm lý lạc quan rất quan trọng trong mùa dịch COVID-19, suy nghĩ những điều tích cực thì việc điều trị tốt hơn, tâm lý thoải mái và có con đường thoát ra. Ngược lại, nếu suy nghĩ tiêu cực như một vòng luẩn quẩn không lối thoát, dẫn đến lo nhiều", ông Trọng chia sẻ.
BS Trần Kim Phượng - trưởng khoa thẩm mỹ da thuộc Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết nguyên nhân rụng tóc sau khi khỏi COVID-19 là do stress, sốt cao, uống thuốc (chống đông, kháng virus), thiếu hụt chất dinh dưỡng...
Để khắc phục, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc, tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, tập luyện đều đặn, hạn chế tác động mạnh lên tóc... Nếu được điều trị đúng, tóc sẽ mọc lại sau 5 - 6 tháng.
Kỹ thuật viên tập thở cho một bệnh nhi 6 tuổi gặp di chứng hậu COVID-19 - Ảnh: X.MAI
Thời gian điều trị bao lâu?
Về phác đồ và thời gian điều trị, tập luyện, ThS Thành cho hay mỗi bệnh nhân sẽ có một phác đồ điều trị khác nhau. Ở những bệnh nhân đáp ứng tập luyện tốt mất khoảng 30 phút/ngày và phục hồi trong vòng 3 - 4 tuần. Còn bệnh nhân đáp ứng tập luyện thấp như trẻ em, người cao tuổi... thì cần nhiều thời gian hướng dẫn, theo dõi hơn.
"Trẻ em, người cao tuổi thường khó tập luyện hoặc không hiểu hướng dẫn nên chất lượng điều trị không cao. Do đó, các kỹ thuật viên phải dành nhiều thời gian cho họ. Đặc biệt ở trẻ em thì cần kỹ thuật viên tay nghề cao và người nhà cần lưu ý đưa trẻ đi điều trị sớm vì ảnh hưởng cả quá trình phát triển, trưởng thành về sau của trẻ", ông Thành nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận