05/10/2021 17:17 GMT+7

Tân thủ tướng Nhật Kishida ôn hòa hay cứng rắn với Trung Quốc?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Những động thái đầu tiên và nội các của tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gửi thông điệp rõ ràng tới các đồng minh và đối thủ, đồng thời cho thấy ông dường như chưa phải là "lựa chọn tốt nhất" như truyền thông Trung Quốc mô tả.

Tân thủ tướng Nhật Kishida ôn hòa hay cứng rắn với Trung Quốc? - Ảnh 1.

Ông Kishida Fumio chính thức được bầu làm thủ tướng Nhật Bản ngày 4-10 - Ảnh: REUTERS

Sau khi ông Kishida Fumio đắc cử tân lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản vào tuần trước, Đài CGTN của Trung Quốc đã gọi kết quả này là "lựa chọn tốt nhất có thể cho Bắc Kinh".

Thuộc nhóm chủ trương phát triển quan hệ với Trung Quốc trong LDP, chính trị gia ôn hòa được kỳ vọng sẽ cân bằng quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của mình.

Tuy nhiên, khi đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản là Mỹ đang theo đuổi chính sách cứng rắn với Bắc Kinh và người dân trong nước ngày càng lo ngại về sự xâm phạm của tàu Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, ông Kishida sẽ khó đi chệch khỏi chính sách duy trì từ hai người tiền nhiệm Abe Shinzo và Suga Yoshihide. 

Những thông điệp đầu tiên 

Ngày 5-10, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, tân lãnh đạo Nhật Bản khẳng định sẽ hợp tác hướng tới tăng cường liên minh Nhật - Mỹ và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở, cũng như các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Triều Tiên.

Trong cuộc họp báo đầu tiên vào ngày 4-10 sau khi chính thức nhậm chức thủ tướng, ông Kishida đã tuyên bố "cần xem xét liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao mà hiệp định (CPTPP - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) yêu cầu hay không", đề cập đến việc Bắc Kinh mới đây chính thức xin gia nhập CPTPP mà Tokyo đang là thành viên chủ chốt.

Trước đó, Thủ tướng Kishida cũng trấn an Mỹ bằng nội các mới, trong đó giữ lại các nhân vật kỳ cựu từ chính quyền tiền nhiệm như Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi. 

Ông Motegi được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ và củng cố các sáng kiến đa phương mới như "Bộ tứ Kim cương" gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc. Còn ông Kishi, em trai của cựu thủ tướng Abe Shinzo, là một nhân vật ủng hộ Đài Loan và thường xuyên cảnh báo về việc Trung Quốc muốn thay đổi thực trạng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương bằng vũ lực.

"Bằng việc giữ lại ông Motegi và Kishi ở vị trí hiện tại, ông Kishida chắc chắn đang cố gắng trấn an Mỹ và các đối tác quốc tế quan trọng khác rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi lớn và đột ngột nào trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản", tờ Japan Times dẫn lời ông Mike Mochizuki, một chuyên gia chính trị và đối ngoại Nhật Bản tại Đại học George Washington (Mỹ), nhận định. 

"Và sự kết hợp giữa Motegi và Kishi duy trì sự cân bằng giữa nhóm ôn hòa và diều hâu trong LDP và liên minh cầm quyền", ông Mochizuki nói thêm.

Ngoài ra, ông Kishida lập thêm một vị trí mới là Bộ trưởng An ninh kinh tế và trao vị trí này cho chính trị gia trẻ Takayuki Kobayashi, trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với thách thức về thiếu hụt chất bán dẫn và nghi vấn Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

Trung Quốc dõi theo

Tân thủ tướng Nhật Kishida ôn hòa hay cứng rắn với Trung Quốc? - Ảnh 2.

Thủ tướng Kishida Fumio (giữa, hàng đầu) và nội các mới của Nhật Bản - Ảnh: AFP

Thật ra, theo giới quan sát, quan điểm của ông Kishida đã chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình tranh cử, cho rằng Bắc Kinh đặt ra thách thức khiến Tokyo phải xem lại năng lực quân sự và quan hệ với nước láng giềng này.

Việc lựa chọn ông Kishida là bằng chứng cho thấy đảng cầm quyền vẫn đang chịu sự kiểm soát của ông Abe và cựu thủ tướng (giai đoạn 2008-2009) Taro Aso", Liu Jiangyong, chuyên gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), đánh giá trên báo South China Morning Post

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng dù ông Kishida nói cứng về Bắc Kinh nhưng việc ông đưa sự cứng rắn đó vào các chính sách sẽ là điều Trung Quốc đang chờ xem. Các chuyên gia của Bắc Kinh đánh giá ông Kishida với kinh nghiệm từng làm ở nhiều vị trí trong chính phủ có thể xây dựng chính sách riêng của mình.

Còn chuyên gia Zhou Yongsheng, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản của Đại học Ngoại giao Trung Quốc, chỉ ra rằng Nhật Bản nên cẩn trọng với việc ngả hẳn về phía Mỹ bởi quan hệ giữa 2 ông lớn Washington và Bắc Kinh có thể điều chỉnh để phù hợp với lợi ích, nhắc đến thỏa thuận mới đây đã giúp "công chúa Huawei" thoát nạn trở về nước từ Canada.

Dù vậy, với việc chính trường Nhật Bản thường xuyên đổi lãnh đạo, ông Zhou cho rằng có thể ông Kishida cũng không có nhiều thời gian để tạo ra sự thay đổi lớn. "Ông ấy có thể mạnh hơn ông Suga Yoshihide, nhưng có vẻ ông ấy cũng sẽ là nạn nhân của sự đấu đá khốc liệt trong chính đảng của mình mà thôi", ông Zhou bình luận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản

TTO - Ngày 4-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ngài Kishida Fumio được Quốc hội Nhật Bản bầu làm Thủ tướng thứ 100 của nước này.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên