Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio - Ảnh: REUTERS
Theo báo Nikkei Asia, trong cuộc họp báo sau khi nhậm chức thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản vào ngày 4-10, ông Kishida Fumio đã đề cập đến việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP.
"Chúng ta cần xem xét liệu Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn cao mà hiệp định yêu cầu hay không", ông Kishida nói.
Ông Kishida lưu ý rằng Trung Quốc đang dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng trong khu vực. "Điều quan trọng là chúng ta cần phối hợp với các đồng minh và đối tác cùng chia sẻ các giá trị cơ bản để nói những gì cần nói với Trung Quốc".
Trong ngày 4-10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng Thủ tướng Kishida đắc cử. "Liên minh Mỹ - Nhật là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới. Tôi mong muốn cùng với Thủ tướng Kishida tăng cường hợp tác chặt chẽ trong những tháng năm sắp tới", ông Biden nói.
Ông Kishida và ông Biden đã có cuộc điện đàm kéo dài 20 phút vào sáng ngày 5-10. Hai vị lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của liên minh và khẳng định hợp tác nhằm hướng tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những lo ngại trước những diễn biến gần đây, bao gồm liên quan tới Trung Quốc.
Về chính sách đối ngoại, ông Kishida đưa ra ba nguyên tắc: bảo vệ các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền; củng cố quốc phòng; đi đầu trong giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và lưu thông tự do dữ liệu.
Về tăng cường an ninh, tân thủ tướng Nhật Bản đề cập đến tăng cường phòng thủ tên lửa.
"Để bảo vệ lãnh thổ, vùng biển, không phận cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân, tôi quyết tâm tăng cường khả năng phòng thủ của Nhật Bản, bao gồm phòng thủ tên lửa và tăng cường an ninh hàng hải" - ông Kishida nhấn mạnh.
Ngày 16-9, Trung Quốc tuyên bố Bộ trưởng Thương mại nước này Vương Văn Đào đã chính thức gửi đơn gia nhập CPTPP đến Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor. Hai bộ trưởng cũng đã "trao đổi về các bước tiếp theo đơn xin gia nhập của Trung Quốc".
Hiệp định được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Nếu chính thức gia nhập, Bắc Kinh sẽ là nền kinh tế lớn nhất khối CPTPP.
Nhật Bản hiện là chủ tịch bộ phận ra quyết định của CPTPP, trong khi New Zealand chịu trách nhiệm tiếp nhận đơn xin gia nhập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận