Kỳ 1:Cung đường khốn khổ
![]() |
Trụ cầu Nước Ngọt (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) phải “băng bó” vì xuống cấp nặng - Ảnh: Đ.NAM |
Liên tiếp những đợt mưa lũ kéo dài vừa qua đã đẩy quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung rơi vào tình cảnh “rách nát” chưa từng có. Lún, nứt, xập xệ với hàng nghìn ổ gà, ổ voi và cuối cùng là cảnh từng đoàn xe rồng rắn nối đuôi nhau chầu chực chờ thông đường là hình ảnh thường xuyên xuất hiện trên cung đường này.
Con đường huyết mạch Bắc - Nam vì thế đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực giao thông toàn tuyến và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Mặt đường rách nát
Theo báo cáo của Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định, đợt lũ vừa qua đã làm mặt đường nhiều đoạn bị biến dạng hoàn toàn. Thống kê cho thấy hơn 17.000m2 ổ gà trên mặt đường đoạn qua địa phận các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định) xuất hiện sau lũ. |
Tuyến quốc lộ 1A đoạn qua huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) vốn đã xuống cấp, nay tan nát hơn khi phải liên tiếp hứng chịu những đợt lũ vào tháng 11.
Sau lũ, cả một đoạn đường dài chừng 10km từ xã Bình Nguyên đến xã Bình Long (huyện Bình Sơn) xuất hiện hàng nghìn ổ gà, mặt đường bị bong tróc từng mảng lớn. Có nơi ổ gà sâu hoắm tạo nên những vũng nước lớn án ngữ ngay trên mặt đường, khiến việc lưu thông hết sức khó khăn.
Cung đường này càng trở nên nguy hiểm hơn vào ban đêm vì không có hệ thống chiếu sáng. Nhiều người tham gia giao thông bằng các phương tiện xe máy, xe thô sơ hú vía khi cánh xe tải, xe khách chạy tốc độ cao không quen mặt đường đến đoạn ổ gà đã tìm cách lấn sang phía bên kia đường khiến nhiều xe chạy ngược chiều phải dừng lại tránh.
Anh Ngô Văn Mỹ, một lái xe container tuyến Bình Định - Hà Nội, cho biết mặt đường quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Ngãi rất nguy hiểm cho cánh lái xe đường dài vào ban đêm. Với những lái xe lần đầu tiên đi qua đường này rất dễ “ăn đòn” vì phải căng mắt vừa chạy vừa canh đường.
Tại Quảng Nam, đoạn quốc lộ 1A qua tỉnh này cũng đang rơi vào cảnh rách nát, nhất là đoạn đi qua huyện Núi Thành. Mặt đường bị biến dạng tạo nên những rãnh lớn đan xen khắp nơi. Để vượt qua đoạn đường này, giới lái xe chỉ còn cách giảm hết tốc độ rồi “bò” từng đoạn nếu không muốn cả xe lẫn người nhảy dựng.
Nhưng khốn khổ nhất có lẽ là đoạn đường tránh đi qua TP Huế (Thừa Thiên - Huế). Tuyến đường dài chưa đầy 40km này xuống cấp nặng chỉ sau mấy năm đưa vào khai thác. Đi qua đoạn này, không ai có thể hình dung đây lại là tuyến quốc lộ huyết mạch của quốc gia bởi trên đường xuất hiện rất nhiều đống đất đá gồ ghề. Mặt đường nhiều đoạn đã bong tróc hết phần nhựa, chỉ còn đất đá trộn lẫn khiến bụi bay trắng trời mỗi khi có xe qua.
Thành, một tài xế xe khách chạy tuyến Đà Nẵng - Đông Hà, than vãn đã có không dưới ba lần xe anh bị sập hố ngay trên cung đường đau khổ này. “Hành khách nhăn nhó vì mệt, còn chủ xe chửi rủa bảo không biết chạy xe dù tôi đã có 18 năm cầm lái” - anh lắc đầu nói.
Có mặt trên đoạn đường này vào tối 21-12, chúng tôi ghi nhận những cảnh tượng hết sức nguy hiểm. Đất đá được các đơn vị thi công sửa mặt đường đổ vô tội vạ chắn ngang đường, trong khi cả cung đường không có lấy một bóng đèn chiếu sáng. Trời tối nên từng đoàn xe phải nối đuôi nhau “bò” ì ạch.
Trong khi đó, hơn 111km quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Bình Định phải đối mặt với cảnh lún, xuống cấp nghiêm trọng khiến giao thông thường xuyên bị ách tắc, gián đoạn. Theo báo cáo của Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định, đợt lũ vừa qua đã làm mặt đường nhiều đoạn bị biến dạng hoàn toàn.
Thống kê cho thấy hơn 17.000m2 ổ gà trên mặt đường đoạn qua địa phận các huyện An Nhơn, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định) xuất hiện sau lũ.
Ông Đinh Bảo Khanh, trưởng phòng kỹ thuật quản lý giao thông Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định, cho biết: “Trước tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của tuyến đường, công ty đã tự ứng kinh phí khẩn trương khắc phục để thông xe tạm thời theo cách thức rách đâu vá đó”.
Cầu sắp hàng chờ... sập
![]() |
Mặt đường nham nhở đoạn qua Đồng Hới (Quảng Bình) - Ảnh: Đ.Nam |
Không chỉ mặt đường xuống cấp, hàng loạt cây cầu trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua miền Trung cũng rung bần bật mỗi khi xe cộ qua lại. Tại Bình Định, tình trạng kẹt xe trên các cây cầu diễn ra thường xuyên, nhưng nặng nhất phải kể đến cầu Gành (đoạn qua hai huyện An Nhơn và Tuy Phước) - vốn là “nút thắt” của ba tuyến đường huyết mạch gồm quốc lộ 1A, quốc lộ 19 và đường vào cảng Quy Nhơn.
Hằng ngày, cây cầu này đang phải “gánh” hàng ngàn lượt xe cộ từ thô sơ đến trọng tải lớn đi qua khiến mặt cầu luôn trong trạng thái bất an. Theo Công ty CP Quản lý và xây dựng đường bộ Bình Định, cầu Gành được xây dựng trước năm 1975, hiện đã xuống cấp rất nặng nhưng vẫn chưa có kế hoạch xây mới mà chỉ được phép tu sửa hằng năm.
Tương tự, một loạt cây cầu như Cẩm Tiên 2, Đập Đá, Châu Thành (đoạn qua huyện An Nhơn, Bình Định) hay như cầu Bà Rén (Quảng Nam)... đang trong tình trạng báo động đỏ. Để cứu nguy, nhiều cầu tạm đã được ngành giao thông gấp rút cho xây dựng để giải phóng bớt gánh nặng đang đè lên những cây cầu già nua, thế nhưng trên thực tế một số cầu vẫn phải gồng mình gánh chịu.
Đơn cử như cầu Cẩm Tiên 2 xe trên 10 tấn vẫn ùn ùn nối nhau qua, trong khi bảng hướng dẫn chỉ cho phép xe tải trọng dưới 8 tấn lưu thông.
Tại Thừa Thiên - Huế, cầu Nước Ngọt (đoạn qua huyện Phú Lộc) cũng rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan bởi đây là tuyến đường độc đạo. Tại hiện trường, theo ghi nhận cho thấy có không dưới năm trụ đỡ chính của cây cầu này đang trong tình cảnh nứt và bong tróc nghiêm trọng, buộc đơn vị quản lý cầu phải dùng phương pháp “băng bó” tạm thời.
Ông Nguyễn Quang, một người dân địa phương, cho biết: “Ban đêm mỗi khi có xe tải nặng đi qua thì cả cây cầu rung lên. Chẳng biết sập khi nào”. Trong khi phần thân cầu xuống cấp từng ngày thì phần mặt đường bong tróc hết sức nham nhở.
Không thể lưu thông được, gần một tháng qua ngành giao thông Thừa Thiên - Huế đã phải cho xe lưu thông một chiều để gia cố mặt cầu, khiến giao thông tiếp tục bị gián đoạn.
Anh Nguyễn Văn Dũng, tài xế kiêm chủ xe du lịch chạy tuyến Huế - Đà Nẵng, đã hết nhẫn nại khi cho rằng: “Có khi phải mất hơn bốn giờ để di chuyển từ Huế vào Đà Nẵng với cự ly chừng 100km. Hôm 27-11, tôi chở đoàn gồm sáu khách du lịch từ Huế vào sân bay Đà Nẵng để bay đi TP.HCM về Pháp nhưng khi đến cầu Nước Ngọt thì bị tắc đường kéo dài. Kết cục hành khách bị trễ chuyến bay và tôi buộc phải bồi thường một phần tiền cho khách. Thiệt hại oan ức vậy nhưng không biết kêu ai”.
Theo thống kê của Khu Quản lý đường bộ 5, hiện có không dưới 100 cây cầu tuổi thọ trên 50 năm nằm trải dài từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa và Tây nguyên được liệt vào danh sách báo động đỏ. Trong đó, riêng quốc lộ 1A chiếm nhiều nhất với 68 cầu, kế đến là quốc lộ 19 với 11 cầu và quốc lộ 26 với 11 cầu. Tuy nhiên, hiện rất ít các cây cầu trong số đó được đầu tư, xây dựng mới, số còn lại vẫn phải xếp hàng chờ đợi...
------------------------------------------------------
Kỳ sau: Mỏi mòn chờ dự án
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận