Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Văn Hòa - ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng hành vi tổ chức đánh bạc (hoặc gá bạc) và đánh bạc trái phép là hành vi bị cấm hiện nay. Quy định chế tài hành vi này hiện không thiếu cả về hành chính lẫn hình sự. Vấn đề là việc thực thi pháp luật, giám sát, điều tra, truy xét loại tội phạm này đến đâu.
"Ngay hiện nay không thể hợp thức hóa và xem đánh bạc là một ngành nghề kinh doanh hợp pháp, bởi nó còn liên quan đến nhiều vấn đề về văn hóa, sinh hoạt của người dân trong điều kiện kinh tế còn khó khăn. Nếu hợp pháp hóa sẽ có một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, sa đọa vào cuộc chơi này, không học hành, bê tha, thậm chí còn có thể trộm cướp, giết người để có tiền chơi.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng dù quy định cấm và đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt xử lý cũng không thể cấm triệt để việc tổ chức và đánh bạc đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Về lâu dài cần nghiên cứu để hợp pháp hóa mà không làm thay đổi lớn đến các tiêu cực xã hội", ông Hòa nêu vấn đề.
* Quy định chế tài không thiếu, nhưng sao ông lại nhận định không thể cấm triệt hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép?
- Thực tế việc tổ chức đánh bạc và đánh bạc theo hình thức truyền thống đã khó quản lý. Nay với sự giúp sức của công nghệ, giữa "ma trận" các nền tảng công nghệ như web, Facebook, YouTube…, việc tổ chức đánh bạc, nhất là đánh bạc online, càng dễ hoạt động. Để ngăn chặn, quản lý theo kiểu cấm triệt để sẽ rất khó.
Dù hiện nay chúng ta chưa thể hợp thức hóa hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc, nhưng về lâu dài cần có lộ trình hợp thức hóa, thừa nhận đấy là một ngành kinh doanh để vừa đáp ứng nhu cầu có thật của người dân vừa để dễ quản lý.
Thực tế, chúng ta cũng đã thí điểm và cho phép đua ngựa, đua chó. Hay một số lĩnh vực như xổ số điện toán ngày xưa được cho là nhạy cảm, nhưng giờ cũng được hợp thức hóa. Đấy là những cái tiền đề thành công cần tham khảo cho lộ trình hợp thức hóa việc đánh bạc.
* Ông nói hợp thức hóa sẽ dễ quản lý hơn cấm?
- Lộ trình hợp thức hóa việc đánh bạc sẽ có ba lợi ích. Thứ nhất, Nhà nước thu được thuế một cách chính đáng, chứ không phải để rất nhiều tiền chui lủi, chui vào túi một số cá nhân. Thứ hai, lợi ích của người tiêu dùng được đảm bảo.
Hiện nay với nền tảng công nghệ, các tổ chức, cá nhân tổ chức đánh bạc trái phép, không cần đăng ký nên khi xảy ra sự cố, người dùng sẽ bị mất hết quyền lợi. Cuối cùng, khi hợp thức hóa, những tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh sẽ phải đăng ký và được quản lý. Chính lực lượng chính danh này sẽ cạnh tranh với nhau, đồng thời theo dõi những tổ chức, cá nhân làm trái phép, không đăng ký để tố cáo cho cơ quan chức năng xử lý.
Ngay cả người chơi, hiện nay họ đang chơi trái phép nên có bị lừa đảo cũng không có quyền tố cáo. Nếu hợp pháp rồi, họ sẽ có quyền tố cáo các tổ chức, cá nhân lừa đảo.
Nhiều ý kiến người dân cho rằng cần phải mạnh tay hơn nữa trong phòng chống tệ nạn bài bạc - Ảnh chụp màn hình
* Vậy theo ông, lộ trình hợp thức hóa nên được tính toán như thế nào?
- Nếu xem đây là một ngành kinh doanh, dịch vụ, chỉ cần giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, nhất là Bộ Công an, Bộ Tư pháp xây dựng đề án về lộ trình hợp pháp hóa việc đánh bạc, sau đó công bố và khuyến khích một số doanh nghiệp thử nghiệm đề án thí điểm. Lộ trình có thể 2-3 năm hoặc dài hơn là 5 năm.
Trước mắt có thể xem xét hợp thức hóa việc cá cược bóng đá quốc tế, đua ngựa, đua chó, những hoạt động đang thu hút nhiều người tham gia "chui", sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khác khó quản lý hơn như cờ bạc online.
Sau khi tổng kết mới đề xuất chính thức cho phép hợp thức hóa việc đánh bạc là ngành nghề kinh doanh.
Trong thời đại công nghệ số như thế này, các tội phạm hoạt động dựa vào công nghệ, nhất là tội phạm về tổ chức đánh bạc, càng hoạt động dễ. Việc có lộ trình hợp thức hóa nó thành một ngành kinh doanh sẽ giúp Nhà nước quản lý dễ nhất và mang lại lợi ích lớn hơn.
Liên tiếp chặt đứt vòi bạch tuộc bài bạc
Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an, trong vài năm gần đây, mỗi năm có hàng trăm chuyên án liên quan đến tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng được triệt phá. Riêng năm ngoái, lực lượng chức năng đã xử lý gần 700 vụ việc, triệt phá gần 200 chuyên án, khởi tố 570 vụ, hơn 2.600 bị can.
Trong số các vụ án này, cơ quan chức năng phát hiện hơn 20 cổng thanh toán trung gian chưa rõ nguồn gốc được sử dụng vào hoạt động tổ chức đánh bạc. Thế nhưng cứ triệt phá đường dây này, đường dây khác lại mọc lên. Cứ trang web đánh bạc này sập lại có trang khác mọc lên. "Vòi bạch tuộc" cờ bạc online từ bên ngoài biên giới liên tục thò vào hút cạn túi tiền của những người cả tin.
Lãnh đạo C50 cho hay trong thời gian tới, không gian mạng tiếp tục là môi trường hoạt động phổ biến của tội phạm tổ chức đánh bạc. Không phải "xuống tiền" trực tiếp trong các sới như trước đây, các con bạc còn được nhà cái chiều hết nấc, chỉ cần trong tài khoản có tiền. Thậm chí, nhà cái sẵn sàng cho các "thượng đế" đánh bạc
trước, trả tiền sau (tín chấp). Hàng loạt nhà cái đã được đưa vào danh sách cảnh báo của lực lượng công an như Bong88, Sbobet, 3in1bet… Các con bạc muốn được tín chấp sẽ có "đại lý" là các tay anh chị "xã hội" xác minh và "bảo lãnh" cho vay.
Thông thường, mỗi tuần hoặc 10 ngày, con bạc phải đến các đại lý thanh toán các khoản vay, số tiền được mất và cả số lãi cắt cổ. Hệ quả của hình thức này là làm phức tạp thêm nạn cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen đang nhức nhối hiện nay" - cán bộ C50 cho hay.
Trong các chuyên án đã bị lực lượng chức năng triệt phá, các "nhà cái" thiết lập cả một mạng lưới website vệ tinh, mạng ẩn danh với hàng trăm tên miền khác nhau. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, chặn trang này thì đội ngũ nhân viên sẽ gửi link trực tiếp đến các "thượng đế" và quảng cáo tên miền mới.
VŨ TUẤN
Cần mạnh tay hơn với nạn bài bạc
Trong khi chưa thể hợp thức hóa bài bạc, tôi nghĩ các cơ quan chuyên trách cần quản lý chặt chẽ tệ nạn này, đặc biệt là trên không gian mạng. Quá nhiều hậu quả gia đình tan vỡ, nợ nần, mất nhà cửa, thậm chí tù tội vì sa vào bài bạc.
Ông Nguyễn Thanh Liêm (giáo viên nghỉ hưu, Thanh Hóa)
Chúng ta có hệ thống chính quyền tới tận cơ sở dân cư, cần đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tệ nạn bài bạc để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ. Tôi thấy hằng năm có nhiều chương trình tuyên truyền rầm rộ đến tận các khu dân cư, nhưng hình như không có chương trình phòng chống tệ nạn bài bạc.
Bà Nguyễn Thị Huệ (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, TP.HCM)
Nạn bài bạc luôn gắn liền tín dụng đen. Thua bài bạc thì phải đi vay nóng với lãi suất cắt cổ bên ngoài. Đây chính là con đường nhanh nhất và ngắn nhất dẫn đến "cửa tử" phải bán nhà trả nợ, trốn chui trốn nhủi, gia đình tan vỡ, con trẻ thiệt thòi, thậm chí cha mẹ già cũng khốn khổ theo. Phòng chống bài bạc cần phải mạnh tay truy quét cả tín dụng đen. Có như vậy mới triệt để được. Nạn bài bạc cần phải quyết liệt xóa bỏ, chứ không cho phép dù là kiểu nào.
Anh Nguyễn Xuân Thiệu (giáo viên ở huyện Đức Huệ, tỉnh Long An)
Cá nhân tôi và chắc nhiều người nữa cũng vậy, hoàn toàn không chấp nhận nạn bài bạc dù là lén lút hay được hợp thức hóa gì đó. Trên báo chí và thực tế xã hội luôn nhan nhản những câu chuyện buồn, thậm chí rất bi thảm, vì bài bạc. Cần phải mạnh tay hơn nữa với tệ nạn này.
Anh Lê Phong (TP Đà Nẵng)
Bài bạc từ giải trí dẫn đến nghiện ngập rất nhanh mà người ta gọi là "ma bài". Tôi đã chứng kiến nhiều người khốn khổ, mất hết danh dự, nghề nghiệp, hạnh phúc gia đình vì bài bạc, thế mà vẫn không thoát ra được, cứ có tiền lại lao vào đỏ đen. Quan điểm của tôi là phải phòng chống bài bạc triệt để, nghiêm khắc, chứ không hợp thức hóa nó dù là hình thức nào.
Chị Võ Thị Đoan Trang (quận 4, TP.HCM)
MẠNH DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận