Phóng to |
Học sinh ở “trường ông Biện” vui chơi trong giờ giải lao - Ảnh: Mai Vinh |
Một ngày cuối năm 2009, trạm trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Đắk Măng Nguyễn Đăng Biện tiếp trưởng bản Sùng Minh Trường, người dân tộc Mông ở xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Bước vào cửa, ông Trường ngập ngừng: “Tôi vừa đến nhà Biện, thấy con Biện đang học bài. Biện có cách nào chỉ cho trẻ con học chữ như con Biện đi”. Nhìn ông Trường cầm lấy tay mình nắn nắn đầy tin tưởng, ông Biện gật đầu: “Để tôi nghĩ cách!”.
Giấc mơ trên ruộng lúa
* Ma Sùng (một người dân Sêrêpôk): Hai đứa cháu nhà tôi đã 15 tuổi mà có biết chữ đâu. Nhờ có ông Biện chúng nó mới biết chữ và biết tiếng Việt. * Trưởng bản Sùng Minh Trường: Chuyện ông Biện dựng trường dạy học cho con cháu chúng tôi giờ đã được ghi vào sử của bản làng. Dám phá bỏ ruộng lúa là không đơn giản đâu, mất nhiều tiền nhiều gạo lắm đấy. Vì vậy dân bản này thương ông Biện như thương già làng. |
Tháng 9-2010, bán hết cà phê và bắp, vay mượn thêm ngân hàng... được tất cả 150 triệu đồng, ông dựng trường trên ruộng lúa đang làm đòng. Để ngôi trường của mình thêm “hoành tráng” ông dựng cột cờ, làm cổng trường. Ở cuối mỗi phòng học ông gắn dòng chữ “Dạy thật tốt, học thật tốt!”. Trường được đặt tên là Hướng Dương. Ngày “khai giảng” (đầu năm 2011) trưởng bản Sùng Minh Trường mời 83 người từ 8-15 tuổi tới trường. Kiểm lâm Biện và vợ đứng ngay cổng phát cho mỗi người một cuốn tập và cây bút chì. Lớp học xóa mù chữ bắt đầu như thế.
Giáo viên đứng lớp chính là vợ ông, bà Vũ Thị Như, từng tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Một “thầy giáo” khác là chàng trai người Thái tên Cầm Bá Dũng, sinh năm 1985, vừa tốt nghiệp ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh. Điều làm ông Biện hoang mang nhất là không biết tổ chức lớp học như thế nào vì học sinh gồm nhiều dân tộc, tiếng nói và phong tục khác nhau. Mãi rồi ông cũng nghĩ ra cách thuê hai học sinh dân tộc Mông và M’Nông đã học hết lớp 12 làm trợ giảng với “tiền lương” 4 triệu đồng/tháng. Đấy là tất cả lương của ông Biện. Đến tháng 9-2011 Phòng Giáo dục huyện Đam Rông công nhận Trường Hướng Dương và đổi tên thành Trường Đar Bô - thuộc Trường tiểu học Đar Sal và cử giáo viên về cắm bản.
Phóng to |
Ông Biện sửa lại bàn ghế hư - Ảnh: Mai Vinh |
“Trả nợ” cho đất
Nguyễn Đăng Biện sinh năm 1968 tại Thanh Miện, Hải Dương. Ông từng học tại Trường trung cấp Nông nghiệp Tô Hiệu (Hưng Yên). Sau thời gian tham gia quân đội ở Bắc Giang, năm 1999 ông đưa vợ con vào huyện Đam Rông (Lâm Đồng) lập nghiệp. Năm 2005, ông Biện làm việc cho Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sêrêpôk. |
Sau cuộc nói chuyện đó, thêm một ngôi trường mái tôn, vách gỗ mọc lên bên dòng Đắk Măng và không lâu sau, tiếng những em nhỏ hát quốc ca một lần nữa lại vang lên xua tan âm u của núi rừng. Ông Biện và vợ đang làm hồ sơ để xin Nhà nước công nhận trường này và cử giáo viên chính thức về đứng lớp. “Hiện chúng tôi chỉ mới xóa mù chữ chứ không thể dạy chương trình bài bản được!” - ông nói.
Việc xây trường của ông Biện tạo nên lắm dư luận. Người thì nói ông khùng, làm ăn không lo mà muốn nổi tiếng. Người thì trách ông bao đồng, nhà gỗ mục lợp mái tôn mà cứ lo chuyện thiên hạ. Ông tâm sự: “Mình còn 1.000 cây cà phê để lo cho con đi học, nhà cửa tạm bợ nhưng còn ngon hơn bà con. Mình chỉ mong cho mấy đứa nhỏ đó biết chữ như con mình để tương lai chúng không còn khổ sở như đời ông cha chúng”. Trưởng bản đi góp tiền gửi cho nhưng ông từ chối: “13 năm tha hương, nếu Tây nguyên không thương tôi thì sao tôi còn sống. Thôi, cứ coi như cho tôi trả nợ cho vùng đất này vậy”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận