02/08/2018 11:36 GMT+7

Tạm dừng đổi đất lấy hạ tầng

LÊ THANH - BẢO NGỌC - S.LÂM - M.TRƯỜNG - T.TÚ - ĐÔNG HÀ - NGỌC ẨN
LÊ THANH - BẢO NGỌC - S.LÂM - M.TRƯỜNG - T.TÚ - ĐÔNG HÀ - NGỌC ẨN

TTO - Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018.

Tạm dừng đổi đất lấy hạ tầng - Ảnh 1.

Dự án nút giao thông Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội) được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, tổng mức đầu tư 2.800 tỉ đồng, trong quá trình thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư chưa hợp lý đã dẫn tới tình trạng bị đội vốn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Thắng, cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết bộ này vừa có công văn đề nghị Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng đất để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao).

Quy định cũ đã hết hiệu lực

Ông Trần Đức Thắng giải thích quyết định 23 năm 2015 của Thủ tướng có quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT đã hết hiệu lực vào ngày 31-12-2017.

Liên quan dự án BT, từ năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT. Song đến nay, văn bản này chưa được ban hành.

Ông Thắng cũng nói thêm trong thời gian chờ hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã có đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1-1-2018 cho đến khi nghị định có hiệu lực thi hành. 

Và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sau đó cũng hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về việc thực hiện các nội dung trên.

"Trường hợp Hà Nội thanh toán đất lấy hạ tầng cho nhà đầu tư BT từ ngày 1-1 đến nay thì cần phải dừng lại để chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn. Còn nếu đã thanh toán đất lấy hạ tầng trước ngày 1-1, theo quy định của quyết định 23 thì không có vấn đề gì" - ông Thắng nói.

Trường hợp Hà Nội thanh toán đất lấy hạ tầng cho nhà đầu tư BT từ ngày 1-1 đến nay thì cần phải dừng lại để chờ nghị định của Chính phủ hướng dẫn.

Ông Trần Đức Thắng

Hà Nội: hàng loạt dự án BT chờ triển khai

Tháng 8-2017, Hà Nội có văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất cơ chế đặc thù cho thủ đô triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để giải quyết ùn tắc giao thông và vấn đề môi trường. 

Thành phố đề xuất cơ chế đặc thù triển khai 24 dự án hạ tầng theo PPP, trong đó có 22 dự án BT. Tổng mức đầu tư các dự án là 135.905 tỉ đồng.

Hà Nội cũng đề nghị được chủ động quyết định phương án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, đáng chú ý là dự án khép kín đường vành đai 2,5 có tổng mức đầu tư 4.681 tỉ đồng, dự án khép kín đường vành đai 3,5 có tổng mức đầu tư 25.949 tỉ đồng, dự án khép kín vành đai 4 có tổng mức đầu tư 35.990 tỉ đồng...

Để thực hiện các dự án giao thông, môi trường nhiều nghìn tỉ này, từ nay đến năm 2021, Hà Nội dự kiến sẽ dành hàng nghìn hecta đất tại các quận Tây Hồ, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Long Biên, quỹ đất hai bên sông Hồng và đất tại các huyện Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh... để đổi cho nhà đầu tư.

Đến tháng 4-2018, Hà Nội tiếp tục có tờ trình số 32 gửi Thủ tướng đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị tuyến số 2 Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tuyến số 3 ga Hà Nội - Hoàng Mai, tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc theo hình thức BT. 

Tổng mức đầu tư 3 dự án khoảng 137.558 tỉ đồng, thông qua hình thức đầu tư BT.

Quỹ đất đối ứng cho nhà đầu tư BT thực hiện 3 dự án trong giai đoạn 2018 - 2024 khoảng 7.690ha. Trong đó có 1.340ha đất tại 16 dự án đô thị trên địa bàn các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín... Giá trị quỹ đất đối ứng cho 3 dự án đường sắt đô thị khoảng 98.000 tỉ đồng.

BT chưa có cơ chế rõ ràng

Theo ông Phạm Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, hiện nay việc thực hiện dự án theo hình thức BT khó khả thi và không có lợi nhiều cho Nhà nước trong các dự án giao thông. Một phần nguyên do là vì hình thức này tùy thuộc vào giá cả đất đai là chính.

Do các dự án giao thông hiện nay tiền đền bù giải phóng mặt bằng thường rất lớn, khi đổi lại những vị trí đất liền kề nhà đầu tư không còn mấy mặn mà vì sự chênh lệch giá của khu đất được giao và tiền phải bỏ ra giải phóng mặt bằng không bao nhiêu. 

BT cũng thường khó khăn trong triển khai vì người dân còn mang tâm lý không thích "đánh đổi" với doanh nghiệp, khi có những tiêu cực trong việc giao đất thì cũng thường để lại những hậu quả rất lớn, lâu dài.

Tại Long An mới đây có dự án đường vành đai TP Tân An từng dự tính thực hiện theo hình thức BT. 

Tuy nhiên, sau một thời gian khó thực hiện vì các nhà đầu tư không mặn mà và cũng gặp phải sự phản đối của người dân về hình thức xây dựng, tỉnh đã phải dừng thực hiện theo hình thức này và chuyển đổi sang hình thức khác, tự đối ứng ngân sách giải phóng mặt bằng và kêu gọi thi công thêm.

Ông Trần Văn Dũng, giám đốc Sở KH-ĐT Tiền Giang, cho biết tỉnh này chưa thực hiện BT vì chưa có chính sách rõ ràng. 

Trước đây, cũng có một số doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư theo hình thức BT với khu hành chính tỉnh. Các doanh nghiệp muốn xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh và đổi lại họ sẽ tiếp quản trụ sở của các cơ quan hiện nay. 

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế chính sách rõ ràng nên tỉnh cần phải xin ý kiến thêm, vì thế chưa dự án nào được thực hiện.

Ông Vũ Đại Thắng (thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư):

Không tính theo thị trường sẽ thiệt hại cho Nhà nước

l4513170928468_n 2(read-only)

Bộ Tài chính vừa yêu cầu Hà Nội tạm dừng thực hiện các dự án BT nhằm tính toán lại giá trị quỹ đất đổi hạ tầng. Quy định về định giá đất dự án BT hiện chưa rõ ràng nên phải chờ văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ TN-MT để minh bạch phương án định giá đất với các dự án BT.

Đối với dự án BT, nếu quỹ đất đổi lấy hạ tầng không được tính toán theo giá thị trường sẽ thiệt hại cho Nhà nước.

TS Vũ Đình Ánh (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả):

Đưa BT vào đúng nguyên tắc thị trường

vu-dinh-anh-15239563501471895354843-0-0-352-626-crop-1523956354206503716221 3(read-only)

Đa số các dự án BT thực hiện thời gian qua do nhà đầu tư tự đề xuất, họ đề xuất chi phí xây dựng công trình và đề xuất quỹ đất đổi công trình.

Trong khi quy trình định giá đất không dựa trên nguyên tắc thị trường, đúng ra nhà đầu tư phải đấu giá công khai quỹ đất.

Có thể thấy nhà đầu tư BT làm dự án không thông qua đấu thầu, đổi đất không thông qua đấu giá, không hề có yếu tố thị trường.

Cần đưa dự án BT trở lại nguyên tắc thị trường, tránh tình trạng nhà đầu tư vừa đá bóng vừa thổi còi, chỉ một nhà đầu tư thực hiện cả một quá trình, không có cơ sở để so sánh, dễ chủ quan, cảm tính khi quyết định đầu tư.

Để tăng tính minh bạch trong đầu tư BT, phải đảo lại quy trình làm dự án, dự án BT phải do địa phương đề xuất, sau đó các nhà đầu tư tư nhân tham gia đấu thầu thực hiện dự án.

Ông Nguyễn Văn Trình (chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Quan trọng là giám sát, quản lý

38118449_1679478218827841_2287958602184392704_n 3(read-only)

Bản chất của BT hay BOT đều rất tốt vì huy động được nguồn lực của xã hội. Vấn đề đặt ra cho các dự án theo hình thức này là cách quản lý, giám sát. Nếu chúng ta công khai, minh bạch dự án kêu gọi cũng như có giám sát, thẩm định chặt thì những dự án BT hay BOT rất tốt. BT phải đấu giá dự án công khai.

Nếu dừng BT sẽ chậm phát triển. Quan trọng là cách làm phải công khai, thẩm định, định giá.

Hà Nội giải thích việc giao 270ha đất cho 5 nhà đầu tư BT không qua đấu giá Hà Nội giải thích việc giao 270ha đất cho 5 nhà đầu tư BT không qua đấu giá

TTO - Hà Nội lựa chọn việc giao 270ha đất cho 5 nhà đầu tư thực hiện 5 dự án đổi đất lấy hạ tầng (BT) không qua đấu giá

LÊ THANH - BẢO NGỌC - S.LÂM - M.TRƯỜNG - T.TÚ - ĐÔNG HÀ - NGỌC ẨN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên