Cô Beheshta Arghand đã phỏng vấn ông Mawlawi Abdulhaq Hemad, thành viên nhóm truyền thông của Taliban, về tình hình Kabul và đất nước sau khi Taliban chiếm được thủ đô - Ảnh: TOLO NEWS
Taliban sẽ tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Đây là mục tiêu đấu tranh của họ và đó cũng từng là tên gọi của Afghanistan trong giai đoạn Taliban cầm quyền trước đây (1996 - 2001).
Sẽ là một Taliban "mới"?
Sau khi chiếm được Kabul, Taliban tuyên bố sẽ thành lập chính quyền mới với sự tham gia của đông đảo thành phần xã hội. Những người thuộc chế độ cũ cũng có thể tham gia chính phủ miễn là họ thề trung thành và phụng sự chính quyền mới.
Ngày 17-8, Taliban ban lệnh tổng ân xá cho tất cả các quan chức chính phủ cũ, kêu gọi họ trở lại phục vụ. Lực lượng này cũng tuyên bố thành lập Hội đồng lâm thời điều hành đất nước với sự tham gia của một số nhân vật chính trị, trong đó có cựu tổng thống Hamid Karzai và người đứng đầu Hội đồng tối cao về hòa giải dân tộc Abdullah Abdullah thuộc chính phủ của cựu tổng thống Ashraf Ghani.
Đặc biệt, Taliban tuyên bố không trả thù những người thuộc chính quyền cũ. Tất cả mọi người được đảm bảo an toàn. Những ai muốn rời đất nước đều được đảm bảo một hành lang an ninh đến sân bay. Các nhà ngoại giao nước ngoài, các đại sứ quán ở Kabul sẽ được bảo vệ.
Taliban tuyên bố chính quyền mới sẽ không giống chế độ Taliban trước đây. Các bệnh viện, trường học, các cơ sở văn hóa sẽ tiếp tục hoạt động. Các quyền của phụ nữ được tôn trọng: họ được đi học, đi làm, miễn là phải mặc áo choàng đen và che mặt; họ có thể ra đường không cần người giám hộ. Trẻ em cũng sẽ được đến trường.
Về đối ngoại, chính quyền mới của Taliban cũng đang tìm cách thiết lập quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Nga và các nước lớn. Những tuyên bố của Taliban sau khi chiếm được Kabul tỏ ra khá ôn hòa. Họ khẳng định chính quyền của họ sẽ mang diện mạo mới, khác với thời kỳ 1996 - 2001.
Tình hình Afghanistan còn hết sức phức tạp, chưa thể đoán định hết, song nhìn chung bước đầu tình hình vẫn đang được kiểm soát trật tự. Có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền Taliban sắp tới sẽ thay đổi theo chiều hướng ôn hòa và cởi mở hơn nhằm đưa đất nước Afghanistan phát triển hòa bình, ổn định, chấm dứt nỗi thống khổ của người dân.
Tranh giành ảnh hưởng
Quyết định rút khỏi Afghanistan nằm trong chiến lược chung của Mỹ nhằm giảm bớt sự hiện diện quân sự tại Trung Đông, chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương, tập trung ứng phó với Trung Quốc và ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cũng theo chiều hướng này, Washington đã rút quân khỏi Iraq, chấm dứt can dự vào cuộc chiến ở Yemen, rút các đơn vị tên lửa Patriot khỏi Saudi Arabia, đàm phán khôi phục lại Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) và bình thường hóa quan hệ với Tehran.
Tuy nhiên, khi Mỹ và NATO rút đi, chính quyền của tổng thống Ashraf Ghani sụp đổ nhanh đã tạo ra một khoảng trống về quyền lực tại Afghanistan. Mỹ và Liên minh châu Âu lo ngại tới đây ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga sẽ ngày càng lớn tại quốc gia này.
Ngày 16-8, Nghị viện châu Âu họp phiên khẩn cấp về Afghanistan và ra tuyên bố chung trong đó nêu rõ cần phải có một chiến lược mới cho Afghanistan và toàn bộ khu vực.
Trung Quốc, dù có quan hệ ngoại giao chính thức với chính quyền của tổng thống Ashraf Ghani, vẫn duy trì tiếp xúc với các lãnh đạo Taliban. Mới nhất, tháng 7-2021 phái đoàn Taliban do Mullah Baradar Akhund, lãnh đạo cấp cao của Taliban, dẫn đầu đã thăm Bắc Kinh và được đón tiếp rất nồng hậu.
Trung Quốc đang tăng cường quan hệ với Taliban nhằm đảm bảo thực hiện sáng kiến "một vành đai, một con đường" kết nối Trung Quốc - Pakistan - Afghanistan với khu vực Tây Á và Trung Nam Á.
Mặt khác, quan hệ với Taliban, Trung Quốc sẽ thâm nhập được thị trường đầy tiềm năng chưa khai thác với nhiều dự án đầu tư tái thiết Afghanistan. Quan hệ đó cũng sẽ khiến người Duy Ngô Nhĩ không thể sử dụng Afghanistan làm căn cứ tiến hành các hoạt động nhằm vào khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc.
Về phía Nga, dù vẫn coi Taliban là tổ chức khủng bố và bị cấm ở Nga nhưng Matxcơva đang tìm cách thiết lập quan hệ chính thức với chính quyền Taliban để mở rộng ảnh hưởng tại Trung Nam Á và đảm bảo an toàn cho biên giới phía Nam của họ.
Từ đầu năm đến nay, Nga đã tiếp nhiều phái đoàn Taliban mà trong đó có quan chức cao cấp trong ban lãnh đạo của Taliban là Mohammad Abbas Stanikzai. Ngày 17-8, đại sứ Nga tại Kabul, Dmitry Chirnov, là đại sứ nước ngoài đầu tiên gặp điều phối viên của phong trào Taliban bàn về quan hệ hai nước. Về phần mình, Taliban tuyên bố "không ai được đụng đến một sợi tóc của các nhà ngoại giao Nga".
Iran và Pakistan có chung đường biên giới với Afghanistan, các nước như Qatar, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)... vốn đã có quan hệ với Taliban do có chung tôn giáo, nay Mỹ và NATO rút sẽ là cơ hội để các nước này thắt chặt hơn quan hệ hợp tác nhiều mặt với chính quyền mới ở Kabul.
Taliban là ai?
Taliban là phong trào Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni, thành lập đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô rút quân khỏi Afghanistan năm 1989. Taliban chiếm được chính quyền năm 1996. Năm 2001, chế độ Taliban bị lật đổ trong chiến dịch quân sự "Tự do bền vững" của Mỹ với sự hỗ trợ của Liên minh NATO.
Trong thời kỳ Taliban cầm quyền, luật Sharia Hồi giáo khắc nghiệt nhất đã được áp dụng. Taliban đã giúp các thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al-Qaeda ẩn náu và tiếp tục cưu mang các chiến binh của tổ chức này, sau khi chế độ Taliban bị lật đổ ở Afghanistan. Năm 2003, Liên Hiệp Quốc liệt kê Taliban vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận