Theo báo Telegraph, lực lượng Taliban tại Pakistan dọa sẽ tấn công các dự án phát triển trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bao gồm Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), nếu Chính phủ Pakistan không trả cho Taliban khoản thuế 5% đối với các công trình xây dựng.
Cụ thể, chỉ huy phe Gandapur, một nhóm thuộc Taliban, tuyên bố sẽ phá hủy CPEC - một dự án cơ sở hạ tầng bao gồm các công trình đường bộ, đường sắt dài hơn 3.200km nối tỉnh Tân Cương, phía tây Trung Quốc với cảng Gwadar, phía tây nam Pakistan.
“5% là thuế mà chúng tôi đặt ra ở mọi nơi”, chỉ huy này nói trong một bài phát biểu trước các công nhân xây dựng tại quận Dera Ismail Khan (Pakistan).
“Máy móc và nhân viên sẽ là mục tiêu của Taliban nếu chính phủ không nộp thuế”, chỉ huy phe Gandapur đe dọa.
Lời cảnh báo của chỉ huy trên là một phần của chiến dịch nhằm vào các dự án thuộc khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc tại Pakistan.
Theo ông Abdul Sayed, một nhà phân tích về an ninh khu vực Afghanistan - Pakistan, cách “làm tiền” này của Taliban khá phổ biến bởi họ chủ yếu dựa vào những nguồn thu trên để chi tiêu cho các hoạt động.
Đây cũng không phải lần đầu tiên các kỹ sư và công nhân Trung Quốc bị đe dọa và thậm chí là tấn công. Trước đó, năm 2021, một vụ nổ xe buýt tại khu vực công trường xây dựng đập thủy điện Dasu, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, miền bắc Pakistan, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 9 công nhân Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, đại sứ Mỹ tại Pakistan Donald Blome đã đến thăm dự án cảng nước sâu do Trung Quốc tài trợ ở thành phố Gwadar hôm 12-9.
Theo tạp chí Nikkei Asia, chuyến thăm của một nhà ngoại giao Mỹ đến công trình được xem như cốt lõi của CPEC đã cho thấy Islamabad cố gắng cân bằng mối quan hệ với các siêu cường kinh tế, nhằm tìm kiếm sự ổn định tại khu vực cảng Gwadar và còn để trấn an người dân địa phương.
“Những lo ngại của Trung Quốc về các mối đe dọa an ninh đối với những khoản đầu tư của họ ở Pakistan là lý do lớn khiến CPEC mất đà trong những năm gần đây”, ông Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu Wilson, nhận định.
Ông Kugelman phân tích sự ảnh hưởng của Taliban bỗng trỗi dậy kể từ khi tổ chức này nắm chính quyền tại Afghanistan, và kể từ đó Pakistan đã hứng chịu làn sóng khủng bố chủ yếu ở khu vực dọc biên giới phía bắc nước này.
Hồi đầu tháng 11, Thủ tướng tạm quyền của Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar cho biết các cuộc tấn công khủng bố ở nước này đã tăng 60%, các vụ đánh bom liều chết đã tăng 500% kể từ khi Taliban lên nắm chính quyền ở Afghanistan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận