Tài xế hào hiệp đánh lái ép kẻ gian, giành lại tài sản cho người đi đường
Hẹn gặp anh Huy để nghe lại câu chuyện, tài xế mời chúng tôi lên xe buýt để cho xem những con búp bê mà anh trang trí.
* Vì sao khách đặt cho anh biệt danh là Huy "búp bê"?
- Chuyện bắt đầu từ lúc chạy xe, có thanh niên bị ngáo chạy theo đạp vào xe buýt rồi chặn đầu xe lại, nên tôi bước xuống hỏi sao cứ muốn kiếm chuyện hoài vậy. Do tính cũng nóng, tôi lấy cái mũ gõ cốp cốp trên đầu thanh niên này. Hậu quả, thanh niên gọi cả nhóm đến đánh hội đồng, tôi chảy máu.
Đêm về nhà nằm nghĩ lại, cái nghề tài xế phức tạp, tính tình nóng quá cũng không hay. Phải treo trên xe cái vật gì đó dễ thương cho mình hiền hiền lại một chút. Thế là tôi mua mấy con búp bê gắn lên xe buýt cho vui vui mắt. Vợ tôi cũng thích búp bê lắm. Từ lúc treo búp bê, trước lúc làm gì cũng nhìn nó. Bản thân mình bĩnh tĩnh hơn, bao nhiêu chuyện khó khăn đều vượt qua.
Dần dần, mỗi ngày tôi mua một con treo trên xe. Đợt có 9,5 triệu, tôi mua một lần mấy trăm búp bê bán trên vỉa hè, trang trí trên xe. Khách nào làm việc thiện như nhường ghế, giúp đỡ người già, trẻ em, tôi gửi một con giống như tặng huy chương làm kỷ niệm. Thế là mọi người đặt cho biệt danh Huy ‘búp bê’.
Áo mưa miễn phí do tài xế bỏ tiền ra mua trên xe buýt - Ảnh: LÊ PHAN
* Khách thường đi xe buýt đánh giá anh là một tài xế tính hơi điên, hơi khùng một chút?
- Tính tôi hơi khuấy động hay làm chuyện bao đồng. Tôi bắt móc túi, lấy lại tài sản cho khách, thích búp bê và tặng áo mưa. Có người không hiểu nói mình khùng, làm màu, xạo, làm nổi… Hôm ép nhóm cướp, thấy tui lao xe lên vỉa hè, người dân đi đường ai cũng chưng hửng, người nói tôi ngủ quên, người chỉ mặt kêu chạy kiểu gì mà kỳ vậy.
Thực tình là do va chạm nhiều với tội phạm trên xe buýt nên bản năng thấy cần phải hành động ngay. Tôi nhìn nhanh qua kính chiếu hậu không thấy ai đi sau, liền đánh lái, chặn lại không cho nhóm lấy xe tẩu thoát. Đôi khi cảm xúc mình thấy vậy buộc lòng mình phải làm chuyện đó. Mục đích cũng chỉ thấy chuyện bất bình, lấy lại tài sản cho nạn nhân.
* Anh từng bắt nhiều vụ móc túi?
- Trước kia lúc chạy xe buýt 54 - tuyến có nhiều bệnh nhân các tỉnh đi khám bệnh, tôi từng bắt 17-18 vụ móc túi lấy lại tài sản. Có vụ mắc cười lắm. Hôm đó, hành khách dồn lên cửa sau. Có tên móc túi cũng chen vào lấy cái ví của một ông cụ rồi vọt xuống, nhảy lên xe đồng bọn tính chạy đi.
Quan sát nhìn kính chiếu hậu, tôi xuống xe vòng phía sau chặn đầu tụi nó, đứng lườm lườm. Biết không thoát, tên móc túi quăng cái ví lại. Tôi lên xe hỏi có ai mất ví không. Lúc đó, hành khách bị móc túi mà không hay. Tôi lấy giấy chứng minh ra đọc tên, nạn nhân hỏi một câu: sao ông có cái bóp của tui vậy?
Khách đi xe buýt vẽ lại hình ảnh tài xế Huy 'búp bê' bắt móc túi - Ảnh: LÊ PHAN
* Anh rất rành về các thủ đoạn băng nhóm tội phạm móc túi?
- Tôi lái xe buýt hằng ngày tiếp xúc với hàng ngàn người, đặc biệt là người nghèo đi chữa bệnh bị móc túi. Tôi thấy họ khóc, thương quá. Có hôm khách mất điện thoại rồi la lên tài xế không mở xe cho khách xuống. Tìm mãi mà không phát hiện ai lấy, đành phải cho khách xuống.
Hôm đó xuống ca, tôi xin băng camera về cả đêm nghiên cứu mãi mà không nhìn ra. Tình cờ, hôm sau đi gặp một ông bán đậu phộng trên xe, ông kể lại bữa đó chứng kiến móc túi điện thoại, tụi nó giấu dưới đùi nên mọi người không thấy.
Tôi tức quá nói luôn: giờ này ông kể chuyện này ra làm gì, sao không giữ mãi trong lòng luôn đi. Kể ra chi cho người ta biết ông là người hèn nhát. Tội nghiệp, người ta có cái điện thoại, vì sự hèn nhát mà không dám tố cáo.
Mấy chị bán đồ dạo trên xe buýt mấy chục năm cũng chỉ cho tôi cách phát hiện các thủ đoạn của nhóm móc túi. Tôi tích lũy kinh nghiệm, dần dần lấy lại được đồ cho khách nhiều hơn.
* Anh đạp đổ nồi cơm của băng móc túi, họ có gửi thông điệp gì cho anh?
- Băng móc túi biết tính tình tiếp viên, tài xế, ai nhát là nó hù dọa. Còn lên xe là tui la cho bà con cẩn thận móc túi, nó mà hành động là tui đóng cửa chụp cổ lại ngay.
Nhưng có hôm xe chạy đi chạy về, nhóm móc túi xui hay sao mà toàn gặp xe tôi. Cuối cùng nhóm này tức quá nên đứng trước đầu xe vạch khẩu trang ra - giơ tay lên gửi thông điệp cứa cổ.
Mấy chị bán đồ dạo trên xe thấy vậy cũng khuyên là tôi nên nghỉ đi, đừng đạp nồi cơm của tụi nó mà hại đến bản thân. Chứ mấy chị nghe là các băng đó dọa sẽ cứa cổ không cho Huy "búp bê" về quê ăn tết.
* Bị dọa cắt cổ, vậy anh còn tiếp tục làm chuyện bao đồng nữa không?
- Đêm về nằm ngủ cũng ớn ớn nổi da gà, lỡ mà tụi nó làm thật hết đường về với vợ con. Qua ngày sau, thấy tụi móc túi lấy đồ, cảm giác sợ biến đâu mất tiêu. Tôi vẫn truy đuổi lấy lại đồ vì thương hành khách quá. Quan điểm của tôi là lấy lại tài sản cho khách chứ không muốn gây thù chuốc oán cho ai, cũng không muốn bắt giữ ai để lập công gì hết.
Rổ tiền lẻ trên xe buýt - Ảnh: LÊ PHAN
* Trên xe anh có rổ tiền lẻ, vì sao anh có ý tưởng này?
- Nhiều người dân ở quê đi khám bệnh không có tiền hay cũng có người lâu lâu trong cuộc đời đi đâu đó mà quên ví ở nhà. Chả lẽ không có tiền mà không cho khách về nhà chỉ vì mấy đồng bạc lẻ. Từ đó, tôi đặt một cái rổ trên đầu xe. Mỗi ngày tự góp tiền lẻ vào thùng và ghi không nhận tiền từ thiện. Ai không mang tiền cứ việc lấy đủ để mua một chiếc vé về nhà.
* Còn chuyện áo mưa cho khách đi xe thì sao?
- Tôi làm chuyện thực tế thôi. Thí dụ đi, giờ xuống xe buýt mà trời Sài Gòn bất chợt đổ cơn mưa. Thấy khách không có áo mưa bước xuống trạm mình cũng thấy xót xót. Khách xuống chắc chắn sẽ ướt, còn mình ngồi trên xe sướng hơn vì có máy lạnh.
Thế là tôi tự bỏ tiền túi mua áo mưa để trên xe, ai cần thì lấy mặc vào xuống xe cho khỏi ướt.
* Sau vụ dùng xe buýt chặn nhóm lấy xe, mấy tiếng sau con anh được cứu sống. Anh nghĩ gì về điều này?
- Tôi cũng không ngờ trong mấy tiếng đồng hồ mà xảy ra chuyện như vậy. 12h trưa đánh lái xe buýt lấy được xe cho nạn nhân, chiều lại nghe tin con nuốt bóng đèn LED.
Lúc nghe người nhà ở quê gọi điện báo tin con gặp nạn, tôi xỉu trên tay lái luôn. Công ty phải điều người lên chạy xe buýt về.
Đến tối, các bác sĩ ở quê cứu sống con, tôi mừng lắm và rất biết ơn. Cả đêm đó tôi không ngủ mà cứ nằm suy nghĩ: đúng là phép màu. Bởi không ai nghĩ rằng điều kỳ diệu lại xảy ra như thế.
* Cơ duyên nào đưa anh vào nghề lái xe buýt?
- Hồi xưa tôi tốt nghiệp trung cấp kế toán, sau đó đi bộ đội. Đi về, tôi vào làm một ngân hàng tại An Giang. Mấy năm sau, gia đình gặp biến cố, tôi buồn nên xin nghỉ rồi rời quê lên Bình Dương, TP.HCM làm công nhân.
Năm 2016, tôi được bạn rủ làm tiếp viên xe buýt, sau đó vì đã có bằng lái nên tôi học thêm chạy xe buýt số 54 - tuyến đi qua nhiều bệnh viện, tập trung hành khách là người nghèo đi chữa bệnh.
Sau thời gian chạy xe buýt số 54, tôi nghỉ về quê mấy tháng. Vừa rồi, đội trưởng đội xe nói thiếu tài xế, tôi lại lên chạy tiếp vì tôi cũng nhớ hành khách, nhớ nghề nghiệp của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận