23/03/2011 04:00 GMT+7

Tái thiết từ trung tâm thảm họa

LAN PHƯƠNG (từ Ishinumaki, Sendai)
LAN PHƯƠNG (từ Ishinumaki, Sendai)

TT - Đã 11 ngày trôi qua sau cơn sóng thần 11-3-2011, thành phố nhỏ Ishinumaki, phía bắc Sendai vẫn lầm lũi với những nỗi buồn trong đôi mắt người dân. Nhưng cũng chính trong sự lặng lẽ ấy, cuộc sống đã trở lại nơi này.

Read this on Tuoitrenews.vn

HRDJYEUs.jpgPhóng to
Người dân Sendai bắt đầu “làm lại” bằng những chiếc xe đạp - khi ôtô và các thiết bị công cộng đều đã ngưng hoạt động - Ảnh: Lan Phương

Bắt đầu từ đôi tay

Cô Rie Kudo, người dân ở Sendai, nhớ lại: “Khi sóng thần rút đi, nhiều bờ biển có hàng trăm xác người la liệt. Chưa bao giờ có nhiều người chết đến thế!”. Như để minh chứng lời cô nói, cả thành phố vẫn ngập trong đổ nát như không cách gì có thể gượng dậy nổi.

Trên con đường dẫn ra biển, một nghĩa trang nhìn tang thương hơn khi những bia đá đổ ập xuống, hàng chục chiếc ôtô nằm ngổn ngang trên những mộ phần bể nát. Nhà cửa hóa thành những mảnh gỗ gai góc đâm ra tua tủa từ khắp các ngả đường. Người ta đi lại, lặng lẽ trùm kín mặt trong những chiếc khẩu trang. Bà Sato Miyoko đứng trầm ngâm trước ngôi nhà của mình. Hôm sóng thần xảy ra, cả nhà bà đang ở công ty còn bà đang đến chơi nhà em trai.

May mắn hơn hàng trăm người nơi đây, họ không mất người thân nào. Bà rơm rớm nước mắt khi đứng nhìn mái ấm trước đây biến thành đống gỗ và kính bẹp dúm. “Chúng tôi làm trong một hiệp hội những người tình nguyện. Đến hôm nay, trong 42 thành viên của hội vẫn còn một người mất tích” - bà lắc đầu, đôi mắt nhìn vào căn nhà nát bấy của chính mình, tự hỏi liệu còn gì có thể lấy được để bắt đầu lại cuộc sống trong tương lai.

Nhưng ngay bên cạnh ngôi nhà của bà Sato, những chiếc xe cẩu nhỏ, xe cứu hộ, xe kéo ôtô đã gấp gáp đổ về trên con đường hướng ra biển. Chỉ quãng đường gần 2km, hàng chục trạm xe của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Tổ chức tàu Hòa bình (Peace Boat) đổ những đợt hàng cứu trợ và người giúp đỡ xuống hiện trường thảm họa. Binh lính của lực lượng phòng vệ đi khắp những khu vực còn đổ nát nghiêm trọng và có khả năng gây nguy hiểm khi đồ đạc ở trên cao. Họ khéo léo cùng nhau dọn xuống những cột điện đổ ngang, chống những xe hơi lơ lửng khỏi rơi xuống người dân xung quanh.

Trên chuyến xe buýt tăng cường sáng 22-3 đến thành phố Sendai, nơi có vùng bờ biển ảnh hưởng cực kỳ nặng nề sau khi sóng thần đi qua ngày 11-3, chúng tôi đã gặp một cặp vợ chồng già đang tìm cách trở về nhà ở Sendai sau những ngày đi du lịch. Khi trở về, ngôi nhà ngay cảng của họ đã trở thành bình địa vì cơn sóng thần cực mạnh đánh vào.

Hai ông bà buồn bã cho biết một người con của mình ở nhà đã mất tích, đến giờ vẫn chưa có thêm tin tức gì. Dù không còn nhà cửa, ông bà vẫn quyết định trở về với hi vọng tìm được tin con. Những người trên chuyến xe buýt từ Tokyo về Sendai đều cầm trên tay một bản tin thảm họa.

Ở một trường tiểu học, trạm nấu đồ ăn cấp phát miễn phí cho người dân liên tục chuẩn bị những chén xúp nóng trong buổi sáng lạnh cóng. Người người tấp nập ra vào trạm. Bữa ăn sáng vội vàng. Chỉ trong chốc lát trạm tiếp tế thức ăn vắng hẳn người. Ai về nhà nấy. Xe bán tải nhỏ của người thân, họ hàng chạy đến mấy ngôi nhà gặp nạn. Cùng nhau, họ dọn dẹp bùn đen từ đáy biển ập vào nhà. Người ta lôi những chăn màn, máy giặt, tủ... bị nát bấy thành từng mảnh và quẳng ra bãi phế liệu trước sân nhà.

Trạm xăng chưa hoạt động. Mọi người vẫn dè dặt sử dụng ôtô đi đến và rời khỏi nơi này. Nhưng trên đường ra biển, người dân đã dọn dẹp đống gỗ vụn khỏi một chiếc máy bơm xăng, tháo tung máy ra và bắt đầu dùng tay quay thủ công đưa từng lít xăng đến người cần dùng. Mọi người vẫn xếp hàng, vẫn mua xăng và vẫn chờ đợi để nói lời cảm ơn người thợ bơm đang còng lưng quay máy bơm một cách vội vã.

Phải sống!

Chị Takahashi Ayumi đi xe đạp cùng cha từ nhà một người thân trở về ngôi nhà vỡ hẳn tầng một của mình. Cô đứng trầm ngâm trước nhà, nhìn từng món đồ điện, cái găng tay được cha cô lôi ra từ dưới đám bùn đen trong nhà.

Cô nói: “Cả nhà tôi ngày nào cũng trở lại đây, nhất là khi thời tiết tốt, để tìm lại những vật dụng có thể dùng được. Mẹ đang chờ chúng tôi ngoài kia” - Takahashi mỉm cười thật tươi với những người hỏi chuyện. Nhưng khi chỉ còn một mình đứng trước nhà, chị ngước nhìn căn nhà mới xây ba năm trời của gia đình giờ toang hoác từng mảng tường. Chị cúi mặt, hai tay ôm đầu gục xuống.

Trên đường phố với những cây cột đèn đường gãy nát của Ishinumaki, chúng tôi đã gặp hai anh em ông Mitsuhiro Hashimoto và ông Akihiro Wagai. Họ dùng từng chiếc hộp để đặt vào đó những quyển sách lấm lem bùn đất và trân trọng bê về một căn hộ khuất sau một ngôi chùa nhỏ. Ông Mitsuhiro cho biết: “Đây là mấy quyển album ảnh của mẹ chúng tôi. Bà muốn chúng tôi tìm lại”. Vừa đi dưới nắng chiều vừa dọn dẹp những mảng bùn đen bám vào mấy quyển sách, hai ông kể về gia đình mình, thiệt hại xảy ra và những việc họ sắp phải làm trong những ngày kế tiếp.

Khắp nơi trong thành phố cảng, những gia đình không gặp thiệt hại về người đều đã trở về ngôi nhà của mình. Với cuốc, xẻng, cây lau nhà, túi rác... họ bắt đầu thu gọn những đống đổ nát trong ngôi nhà. Họ gom những đồ đạc còn sử dụng được lên xe tải và chở đến nơi ở tạm. Nhiều người vất vả lôi từng đống rác khỏi nhà, tự phân loại rồi xếp vào những túi tìm được xung quanh.

Với thành phố Ishinumaki quá nhiều người già sinh sống này, người ta có thể bắt gặp ở bất cứ đâu những người già tóc bạc khó nhọc lôi những tấm chiếu hay máy móc lớn khỏi cửa nhà. Dù phải tự mình xoay xở trong những lúc còn ngặt nghèo, họ vẫn chăm chỉ, cần mẫn, từng chút một để cuộc sống trở lại bình thường từ chính sự lao động của họ khi xây dựng lại căn nhà của mình.

Song song với nhịp sống đang vội vã trở lại, trang báo đề 1.000 người đã chết và 900 người mất tích ở nơi này dường như đủ thắt lòng để làm tất cả phải bật khóc khi nhắc về nỗi đau. Trên ngọn đồi sau lưng thành phố, lần đầu tiên người ta phải đào tung cả ngọn đồi lên để sẵn những hố chôn ẩm ướt ngay đầu mùa xuân và chờ đợi hàng ngàn xác người sẽ được đưa về đây trong những ngày tới. Thành phố không có điện cũng như xăng, người ta không cách gì hỏa táng người thân của mình theo cách truyền thống. Lúc đi bộ trên quãng lưng đồi, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi nhìn những dải đất nâu vàng mới đang bật lên vì răng cưa của gàu máy xúc.

Rồi sẽ còn bao nhiêu người nằm yên nghỉ tại nơi này. Dù sao người ta vẫn phải tiếp tục sống và rút ra những bài học cho tương lai...

_______________

Các phát thanh viên từ ánh mắt, cách trình bày bản tin đều toát lên rất tự nhiên sự thông cảm, lo âu và hi vọng. Sự bình tĩnh, đúng mực của họ đã mang đến sự an tâm cho công chúng...

Kỳ tới: Truyền thông trong “sóng dữ”

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bài học từ một đứa trẻ Kỳ 2: Bố, mẹ và con trai tôi Kỳ 3: Tĩnh lặng trong đổ nát Kỳ 4: Còn cuộc sống còn tất cả Kỳ 5: Hành động nhỏ và những tấm lòng lớn

LAN PHƯƠNG (từ Ishinumaki, Sendai)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên