21/03/2011 06:16 GMT+7

Còn cuộc sống còn tất cả

HÀ LINH(KHỔNG LOAN ghi)
HÀ LINH(KHỔNG LOAN ghi)

TT - Thật sự là qua cơn sốc ngay sau khi động đất xảy ra ngày 11-3 đến hôm nay, chẳng hiểu sao tôi thấy không sợ hãi hay lo lắng gì cả. Tôi đã chứng kiến cảm giác tuyệt vọng trong chốc lát, nhưng cũng hiểu rằng đúng là còn sống, được sống, sống và sống an bình là không có gì quý hơn.

Rif5FCfE.jpgPhóng to

Công nhân bắt đầu xây dựng nhà tạm cho người dân ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate ngày 20-3 - Ảnh: AFP

Tôi vẫn nhớ khi đang ôm đầu nép dưới gầm bàn lúc căn nhà rung lắc dữ dội, tôi đã nguyện cầu: ”Ông trời ơi, cho con sống, hãy cho con được sống. Con sẽ không bao giờ phàn nàn, trách cứ, giận dữ gì nữa cả, chỉ cần được sống thôi, được sống là quá đủ với con!”.

“Đi đã nhé!”

Người Nhật chỉ có thể sơ tán đâu đó an toàn hơn ở các vùng xung quanh vì họ không còn lựa chọn nào hơn, còn người Việt hay nước khác thì còn có quyền rời khỏi nước Nhật lúc này. Các nước đều đang khuyến cáo công dân rời khu vực bị ảnh hưởng của thảm họa, rời khỏi Nhật.

Tôi đã không biết đến sự lựa chọn này cho đến khi một người bạn gọi để hỏi: “Linh có về Việt Nam không?”. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng vẫn trả lời “không”. Tôi không có một giây một phút nào nghĩ đến chuyện về Việt Nam tránh nạn, tránh nhiễm phóng xạ, khi mà tình hình cho đến nay vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ Nhật và sự an toàn của gia đình tôi chưa bị đe dọa.

Đừng nói tôi can trường hay đặc biệt. Đó chỉ là cảm giác tự nhiên, vì Nhật Bản đã là quê hương thứ hai của tôi, của gia đình nhỏ bé yêu thương của tôi. Nếp sinh hoạt và mọi thứ gắn bó quá mật thiết, động đất mạnh qua rồi, sóng thần không đến nơi, nhà máy điện hạt nhân ở xa. Cuộc sống xung quanh vẫn diễn ra trong trật tự bình lặng vốn có, con cái vẫn đến trường, vợ chồng việc ai người nấy làm y như bao nhiêu người khác. Giải pháp “về” chỉ có thể được lựa chọn khi tình thế không thể nào khác được.

Có một mốc thời gian mà tôi và hàng triệu người khác sẽ không bao giờ quên. 2g46 chiều 11-3-2011. Đó là thời khắc động đất và sóng thần tấn công Nhật Bản. Đúng vào thời khắc đó một tuần sau, 18-3, cả nước Nhật đã có một phút mặc niệm những người ra đi.

Tất cả mọi người trên hiện trường dọn dẹp hậu quả sóng thần và động đất đều bỏ mũ cúi mình. Các nhân viên công quyền các tỉnh có nạn nhân giữa bộn bề công việc cũng hướng tất cả suy nghĩ của mình về những con người không may mắn. Tất cả. Chuông kéo dài rồi điểm những nhịp ngân nga, run run, đau buồn... Tôi thấy lòng mình thắt lại.

Cả ngàn người đã ra đi mà không kịp biết là họ phải ra đi vì sóng dữ từ biển khơi. Chỉ một phút trước đó tất cả đều an bình. Những con sóng làm nên vẻ đẹp của biển cả phút chốc biến hóa thành những con quái vật tham lam, giết người hàng loạt trong chớp mắt. Con người quá nhỏ bé, quá mong manh... Trên truyền hình, biển vẫn xanh như triệu triệu năm vẫn vậy. Nhưng giờ đây trong muôn trùng xanh xanh đó còn có lớp lớp linh hồn của những người ra đi mà không kịp nói “Ittekimasu!” (Đi đã nhé!).

Giương lên ngọn quốc kỳ

Những ngày này, tôi có cảm giác hình như mình đang chứng kiến một trận đánh lớn vào tổ máy số 3 của Nhà máy điện Fukushima. Các mũi giáp công bằng nước của không quân từ trên trời xuống, xe cứu hỏa ở mặt đất đánh vào. Trên truyền hình, các sĩ quan cấp cao trong quân phục màu xanh đậm giải thích phương án tác chiến làm tăng thêm không khí khẩn trương.

Khi gia đình tôi chuyển đến bất kỳ một nơi ở mới nào, lúc đi đăng ký cư trú cũng được phát luôn sơ đồ sơ tán khi có biến cố. Ngoài các trường học thì trong trường hợp khẩn cấp, những nơi công cộng to lớn như hội trường hội họp, nhà văn hóa cộng đồng, cung biểu diễn có mái che... cũng sẽ trở thành nơi sơ tán cho mọi người.

Do đó, việc người dân biết chạy đến chỗ nào đã giúp giảm tối đa những thương vong không đáng có sau thảm họa. Chưa bao giờ tôi cảm nhận rõ bầu không khí thân ái, ấm áp trùm lên tất cả như hiện nay: gần gũi, cùng chung những nỗi niềm, hành động. Tất cả đều mở rộng vòng tay của mình che chở những người phải rời khỏi nhà sơ tán.

Tất nhiên, khi có thiệt hại to lớn xảy ra thì cả đất nước cùng hướng về con người vùng bị nạn, nhưng chính phủ phải thể hiện cao nhất sự độc lập của mình trong vai trò cứu dân, hỗ trợ dân. Chính quyền ông Naoto Kan trước đó đang gặp rất nhiều khó khăn khi tỉ lệ ủng hộ của dân chúng với ông chỉ còn 20%, nhưng một khi thảm họa xảy ra, họ đã nhanh chóng cung cấp thức ăn, chỗ ở, làm những gì có thể để duy trì cuộc sống của người còn sống và thi hành những biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai.

Chính phủ đi đầu thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình một cách đầy thuyết phục, cùng với đó là hoạt động của cộng đồng. Nhìn vào sự phối hợp nhịp nhàng đó để thấy rõ sự đoàn kết đồng lòng. Công ty mì ăn liền Nisen nhanh chóng cung cấp thêm mì trong cốc giấy rất tiện lợi; Công ty quần áo Uniqlo cung cấp thêm quần áo tỏa nhiệt mặc trong để cơ thể ấm hơn; Công ty điện thoại Sofbank sẵn sàng cho mượn 10.000 điện thoại miễn phí.

Các cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài đứng ra quyên góp cho nhân dân trong nước, cầu thủ trong nước cũng tiến hành quyên góp ở các địa điểm khác nhau. Nhìn hình ảnh mọi người giương quốc kỳ Nhật ở nước ngoài trong bối cảnh tổ quốc gặp khó khăn thấy lòng xao xuyến. Họ không ngần ngại tự mình bưng các hộp lạc quyên để nhận quyên góp từ khán giả. Các hộp quyên góp màu trắng vẽ mặt trời đỏ vừa trang trọng và đầy yêu thương.

Nhiều hoạt động thể thao, giải trí, nghệ thuật... đã lên lịch từ trước, kể cả cuộc thi trượt băng quốc tế, liên hoan phim hoạt hình quốc tế đều đã hoãn lại. Những nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật đều lên tiếng chia sẻ những thông điệp cảm động, sâu sắc và chân thành. Người Nhật chẳng bao giờ tự khen mình là “tự hào truyền thống” (như truyền thống đùm bọc), nhưng rõ ràng qua những lúc này thấy rõ họ và những quốc gia khác cách biệt như thế nào.

Dư chấn vẫn tiếp tục. Ngày 19-3 là một đợt mạnh 6 độ Richter ở ngoài khơi bờ biển phía đông Honshu. Từ ngày 11-3 đến nay, người ta đã ghi nhận được con số kỷ lục 262 trận dư chấn cường độ 5 độ Richter hoặc lớn hơn. Tokyo thời tiết đang ấm áp lên. Nhưng ở mấy tỉnh bị thiệt hại nặng vẫn rất lạnh, nhiệt độ dưới 0. Nếu mà ấm lên và tuyết ngừng rơi ở vùng đông bắc thì tốt bao nhiêu để dân cư ở đó đỡ khổ vì rét. Gần 20 bệnh nhân ở các khu sơ tán đã ra đi...

Hãy yêu thương nếu muốn yêu thương, hãy nói điều muốn nói, làm điều muốn làm cho bạn bè, người thân của mình, đừng ngần ngại! Hãy tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống nhiều như có thể và hãy gắng không làm tổn thương người khác, gắng sống sao cho vui, lòng thanh thản.

Còn cuộc sống là còn tất cả, giống như bức hình những bông hoa nở trên thân cây cằn khô, những người còn sống sẽ tiếp tục những gì mà những người đã ra đi còn dang dở...

____________________

Những câu chuyện xúc động mà phóng viên

Tuổi Trẻ ghi lại từ bốn trại tị nạn trong vùng thảm họa cho thấy dấu hiệu của một nước Nhật đang tìm đến sự hồi phục giữa tình thương yêu.

Kỳ tới: Hành động nhỏ và tấm lòng lớn

HÀ LINH(KHỔNG LOAN ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên