22/03/2011 04:44 GMT+7

Hành động nhỏ và những tấm lòng lớn

LAN PHƯƠNG
LAN PHƯƠNG

TT - Trên hành trình về miền đông bắc Nhật Bản trong những ngày sau thảm họa sóng thần, chúng tôi đã tìm thấy một cuộc hồi sinh từ trong tâm hồn của chính những người dân nơi đây. Không ai oán, không tuyệt vọng, họ lặng yên trước nỗi đau, họ mở bàn tay ra để đón những người khó khăn xung quanh về bên mình. Cuộc sống tiếp tục ào tới như chưa bao giờ mạnh mẽ như vậy.

Vov3k3dQ.jpgPhóng to

Ông Kareki Sakae đi nhận đồ ăn cho gia đình mình và những người già xung quanh nhà - Ảnh: Lan Phương

Mang phần ăn đến tận nhà cho người già

Trên bảng thông báo của Trung tâm đối phó thảm họa Kita Ibaraki, 10 giờ sáng 20-3-2011 những thanh niên và người khỏe mạnh từ từ đổ về đông đúc. Họ đứng ngay ngoài nhà bếp, chờ nhận những phần ăn được làm sẵn và sẽ đem đến phát cho từng gia đình không thể đi nhận được.

Bà phó thị trưởng thành phố giải thích: “Thành phố có nhiều người già. Có những gia đình có hai người già, có khi cả hai người già đều không thể đi bộ được. Xăng của cả thành phố đã hết. Những người tình nguyện khỏe mạnh và có thể đi bộ được sẽ đem thức ăn đến cho họ mỗi ngày“. Khi câu chuyện của chúng tôi đang tiếp tục, đã có thêm hàng chục người đến xếp hàng trước cửa trung tâm chờ đến giờ mình có thể đem đồ ăn đi phân phát cho mọi người.

Cũng trong những ngày thông tin về sự cố rò rỉ hạt nhân ở Nhà máy Fukushima Daiichi, hàng ngàn người đã tìm cách di tản khỏi khu vực ảnh hưởng. Nhiều người không có xe đã đi bộ hàng chục giờ.

Và ngay khi họ đến được Kita Ibaraki, chính những người dân đang phải dọn dẹp đống đổ nát của thành phố đã đưa những chiếc xe có xăng cuối cùng ra đón họ về, chia sẻ ngay cho họ những đồ ăn mà họ vừa nhận được từ sự giúp đỡ của người khác. Sự giúp đỡ đó đã làm nhiều người cảm thấy được che chở và bình yên hơn trong những lúc phải rời xa ngôi nhà thân thiết của mình.

Khi đi đến rất nhiều nơi, ngoài sự nhường nhịn đồ ăn, chăn màn, chúng tôi còn thấy những bác sĩ mặc blouse trắng của bệnh viện Đại học Tsukuba rong ruổi khắp nơi trên đường lên miền đông bắc. Mỗi nhóm của họ gồm hai y tá và một bác sĩ. Một chiếc xe có khoảng ba đội. Họ mang theo những loại thuốc cơ bản như thuốc cảm, viêm khớp - những bệnh người già hay mắc phải.

Cứ hai ngày một lần các nhóm bác sĩ lại quay về nơi mình đã khám lần trước để kiểm tra lại sức khỏe những người lánh nạn. Người già được khám bệnh, trò chuyện, kiểm tra lại các chu kỳ thuốc men mà họ đang sử dụng và bị gián đoạn vì đồ đạc bị cuốn trôi theo sóng thần. Với nhiều người bị bệnh hiếm hoặc nguy hiểm, chính những đội bác sĩ này cũng là người đầu tiên ghi nhận và yêu cầu các xe thuốc đặc chủng từ các nhóm y tế khác tới hỗ trợ sau đó.

Những ngôi nhà lánh nạn

Tại một trường tiểu học ở Kita Ibaraki, một nhóm bạn trong mạng xã hội Mixi của Nhật đã cùng nhau góp từng phần thức ăn của các thành viên tự nguyện, chất đầy ba ôtô và lặn lội đến tận ngôi trường này trong buổi sáng trời mưa giá rét. Vì cơn sóng thần xảy ra, trường tiểu học trở thành nhà lánh nạn của người từ đông bắc tới, và cứ thế những đợt hỗ trợ thức ăn, chăn màn liên tiếp đổ về trường. Nhiều người mang cả những phần gạo cuối cùng của gia đình mình đến và chia cho người ở đây.

Tại một hội trường của quận nằm trên vách đá cao, ông lão Kareki Sagae (79 tuổi) đến nhận đồ ăn cứu trợ từ nơi này. Ông kể: “Đường nhà tôi tới đây dễ thôi, thả dốc cái là đến. Nhưng đạp về mệt lắm. Hết xăng rồi nên tất cả chúng tôi đều phải đi bộ hoặc xe đạp. Gần nhà tôi mọi người cũng già như tôi và chân yếu hết. Tôi còn khỏe mạnh nên đi nhận phần thực phẩm này về chia lại cho mấy người xung quanh nhà mình. Tôi sẽ chia cho mỗi người một túi này vậy”.

Tuy đã lớn tuổi nhưng vì thường xuyên đạp xe tập luyện nên ông vẫn có thể di chuyển xa trong suốt thời gian không có xăng để sử dụng xe hơi. Hành động nhỏ bé đó của ông lão đã giúp thêm nhiều người khó khăn giống như mình và cực hơn mình trong những ngày thiếu những tiện nghi của cuộc sống vì giao thông ách tắc sau sóng thần.

Giữa nỗi đau quá lớn, ở Nhật Bản chúng tôi đã gặp từng con người nỗ lực thật nhiều để vượt qua mất mát của mình và của những người xung quanh. Không có cảnh hỗn loạn nào. Không có cuộc tranh cướp nào. Dù lặng lẽ, cuộc sống ở đây vẫn đang bật dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

J0pLA6Pp.jpgPhóng to
Ảnh: Lan Phương

Tại phòng tập thể thao Sekimoto Thamukuteki Kensyu Syukai, bà Sakai Misako (58 tuổi, ảnh, phải), người sống trong khu vực bán kính 20km gần lò phản ứng hạt nhân Fukushima Daiichi, vẫn chưa được về nhà như những người lánh nạn khác.

Vì khu vực xung quanh lò phản ứng vẫn còn báo động nguy hiểm, bà phải ở lại trong phòng tập thể thao cách nhà đến 80km này. Ngày báo động về nguy cơ hạt nhân, bà chỉ mang theo trong mình hai bộ đồ vì nghĩ mọi chuyện sẽ qua nhanh và có thể trở về nhà.

Tuy nhiên, những ngày chờ đợi cứ dài thêm. Người con trai đi cùng bà đến đây đã phải trở về Tokyo để bắt đầu nhịp làm việc bình thường ở đô thị lớn. Bà ngồi cô đơn trong căn phòng trống dần những người cùng cảnh ngộ.

Tuy nhiên, khi hỏi đến tình hình bà lại lạc quan kể rất chi tiết: “Mọi người nấu cho tôi ăn ngày hai bữa, ngoài ra họ còn gửi thêm rất nhiều đồ ăn và chăn nữa. Ở đây không thiếu thốn gì. Những ngày qua tôi đã phải đi tắm nhờ những gia đình xung quanh đây. Họ tốt lắm. Họ đều giúp tôi cả. Thậm chí cả quần áo của tôi họ cũng giặt sạch giúp”.

__________________

Tại thành phố Sendai, vùng được coi là trung tâm của thảm họa và là nơi bị tàn phá nghiêm trọng nhất vì sóng thần, PV Tuổi Trẻ ghi nhận những cuộc tái thiết đang diễn ra giữa đống đổ nát hoàn toàn.

Kỳ tới: Tái thiết từ trung tâm thảm họa

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bài học từ một đứa trẻKỳ 2: Bố, mẹ và con trai tôi Kỳ 3: Tĩnh lặng trong đổ nát Kỳ 4: Còn cuộc sống còn tất cả

LAN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên