Phóng to |
Những khẩu phần ăn được ưu tiên cho người già và trẻ em - Ảnh: Reuters |
Đó là dẫn chứng rõ ràng ở Haiti - một trong những nước nghèo đói nhất; Chile - quốc gia giàu nhất châu Mỹ Latin; New Zealand - đất nước châu Đại Dương được coi là rất văn minh; và không ít người Mỹ - nước giàu nhất thế giới - đã xấu hổ khi nhớ lại tình trạng hỗn loạn khi bão Katrina ập tới. Cướp bóc, la hét, tức giận, ầm ĩ, bạo loạn.
Nước Nhật hoàn toàn khác.
Tính cách quốc gia
Kyung Lah - phóng viên kênh truyền hình CNN tại Tokyo - đã nhận định trong bài viết của mình: “Sau ba năm sống ở Nhật tính tới nay, tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu thấy người Nhật cư xử khác như vậy. Sau thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong 100 năm qua, lương thực, điện, nước, y tế đều thiếu. Những người may mắn sống sót thiếu tin tức về những người thân yêu đang mất tích.
Họ vẫn trật tự xếp hàng, kiên nhẫn nhích từng bước, đợi trong nhiều giờ chỉ để nhận được vài chai nước, một phần nhỏ thức ăn.
Toàn bộ khu vực bị sóng thần ở phía bắc và các vùng lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng những kết cấu xã hội của Nhật Bản cho tới nay chưa bị phá vỡ. Tại các cửa hàng khắp thành phố, người ta vẫn xếp hàng dài đợi hàng cứu trợ.
Ngay khi các cửa hàng biết tình hình khan hiếm hàng hóa, họ lập tức giới hạn số hàng bán ra cho từng người. Không ai phàn nàn, không ai dối trá.
Các nỗ lực cứu hộ tập trung ở khu vực bị sóng thần tàn phá hay Nhà máy hạt nhân Fukushima. Với công tác nhân đạo, tự bản thân các nhóm tình nguyện viên hay các nhóm cộng đồng tự phát đã đứng ra tổ chức nơi trú ẩn và phân phát thức ăn.
Tại khách sạn Monterey ở Sendai, hai đầu bếp đứng ở cửa khách sạn múc xúp nóng cho khách ăn sáng. Tất cả mọi người đi qua đều được mời ăn cùng. Với rất nhiều người, đó là bát xúp nóng đầu tiên của họ kể từ sau sóng thần.
Nhưng điều đáng chú ý là tất cả chỉ lấy đúng một bát xúp ăn và đi. Họ không quay lại để lấy bát xúp thứ hai bởi còn rất nhiều người đói nữa.
Trường cấp II Shichigo ở Sendai giờ là nơi trú ngụ của hàng trăm nạn nhân sóng thần. Trong phòng học ở lầu 3, các gia đình đã tự bố trí, sắp xếp vị trí của họ và để đồ đạc vào những thùng cáctông.
Không gia đình nào có chỗ rộng hơn gia đình khác. Không để giày dép lên chăn mền để giữ vệ sinh. Thức ăn được chia đều nhất có thể, thậm chí có những người còn tình nguyện ăn uống ít đi để ai cũng có miếng vào bụng. Bọn trẻ, dĩ nhiên vẫn nô đùa, khóc lóc nhưng âm thanh rất nhỏ. Tất cả đều bình tĩnh.
Nhật hoàng Akihito, trong bài nói chuyện với thần dân của mình, đã chỉ ra là cộng đồng thế giới thật sự ấn tượng với những nạn nhân Nhật Bản: “Những lãnh đạo thế giới nói công dân của họ rất ấn tượng trước sự điềm tĩnh của người Nhật, cách giúp đỡ lẫn nhau và cách tổ chức cuộc sống trong cơn nguy cấp”.
Giáo sư Jeffrey Kingston, thuộc ĐH Temple (Mỹ) - người đã sống ở Nhật từ năm 1987 - viết trên New York Times, cho rằng ngay từ khi còn nhỏ người Nhật đã được dạy đặt lợi ích của tập thể lên trước.
Những quan điểm đó có thể gây tranh cãi với văn hóa phương Tây vốn tôn vinh cá nhân, nhưng trong giờ phút nguy khó này, những ai phản bác tinh thần vì tập thể sẽ bắt đầu nghĩ lại. “Đó là tính cách của một quốc gia” - giáo sư nhận định.
Kiểm soát khủng hoảng
Nước Nhật đã bị thảm họa từ khi mới lập nước và đã quen với việc xử lý thảm họa. Những nạn nhân Nhật Bản cũng đau đớn như bất kỳ nạn nhân thảm họa nào khác, nhưng họ được dạy từ nhỏ, là cần phải nuốt nước mắt vào trong.
“Chúng tôi được dạy thế giới này là của con người và chính con người đã làm thế giới chuyển động” - Miho “Mimi” Ujiie, chủ tịch sáng lập Phòng thương mại Utah châu Á, giải thích.
Thật thà. Trung thành. Đối xử thân tình bằng hữu. Đó đều là một phần văn hóa Nhật. “Điều gì có thể đáng hơn là cho đi hơn cả bản thân cuộc đời mình” - bà Ujiie nói. Một số thành viên gia đình bà đang mất tích nhưng bà tin vào chính phủ. “Khi tôi nghe tin về trận động đất, ý nghĩ đầu tiên của tôi là họ đã chuẩn bị để đối phó với thảm họa này. Chắc chắn sẽ không có chuyện hôi của”.
Văn hóa Nhật Bản có thể mô tả là văn hóa tập thể. Ở đó, mọi người được dạy phải giúp đỡ lẫn nhau. Ngay giữa thảm cảnh, Ujiie nói người ta sẵn sàng chết vì những người lạ. “Nhưng điều đó không có nghĩa họ không muốn sống. Họ ý thức giá trị cuộc sống, nhưng cùng lúc đó họ nghĩ tới người khác”.
Người ta thường tin tưởng lẫn nhau. Đó là lý do các gia đình Nhật Bản không cảm thấy cần phải lợi dụng tình hình khó khăn hiện nay để mưu lợi riêng. Họ cũng tin chính phủ sẽ cứu họ. Các cơ quan thực thi pháp luật sẽ cứu họ. Ai đó sẽ tới. Văn hóa tôn giáo Thần đạo và đạo Phật, người Nhật chăm sóc lẫn nhau. Họ được dạy con người cùng tồn tại trong hòa bình. Cảnh sát thậm chí cũng không mang súng.
Tỉ lệ tội phạm thấp tới mức, theo bà Ujiie, cảnh sát địa phương đến từng nhà để uống trà với người dân và hỏi chuyện họ. “Họ có sự sung sướng sang trọng đó vì người dân không phạm pháp”.
Thực tế mỗi thị trấn đều có đồn cảnh sát, ở đó ai đi lạc đường có thể tìm đến, cảnh sát trực suốt cả tuần. Thay vì dùng súng, cảnh sát được huấn luyện võ thuật.
“Stoic” - khắc kỷ - là cụm từ mà các phát thanh viên truyền hình sử dụng để mô tả tính cách người Nhật. Họ chấp nhận các hiện tượng tự nhiên với sự bình tĩnh, cư xử trật tự; coi đó là định mệnh và ai làm việc đó dù tình hình có như thế nào.
Truyền hình và các hệ thống truyền thông vẫn hoạt động 24/24, đưa tin mọi ngõ ngách của sự kiện, các góc nhìn. Quốc hội Nhật vẫn nhóm họp, dịch vụ tàu nhanh chóng nối lại sau động đất. Binh lính Nhật lập tức thực hiện các sứ mệnh giải cứu với sự hỗ trợ của nhà chức trách các địa phương.
Ngay cả những người làm việc tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima cũng kiên quyết bám trụ để kiểm soát tình hình. Sự hiểu biết về thảm họa đã thành luật tại Nhật, với nhiều đợt diễn tập về các ứng xử trong các tình huống khẩn cấp như động đất và hỏa hoạn. Trẻ em được luyện tập cách bảo vệ mình trong thảm họa thiên tai.
Kiểm soát khủng hoảng cũng là một chức năng trong hành vi văn hóa. Trong khi xây dựng các tòa nhà chống động đất, đảm bảo độ an toàn của các con đập và nhà máy điện hạt nhân là quan trọng, thì cách ứng xử trật tự của cộng đồng trong tình huống căng thẳng lại càng vô cùng quan trọng.
Các nhà lãnh đạo trên thế giới sau khi nhận thấy những lợi ích to lớn từ cách người Nhật ứng xử trong khủng hoảng, bắt đầu nghĩ tới việc làm thế nào để người dân nước mình cũng được như người Nhật, dù chỉ một phần nhỏ.
Những nhà hoạch định chính sách cần phải thiết kế các kế hoạch lâu dài để làm thế nào xây dựng được văn hóa quốc gia như thế.
------------------------------------------------------
Tôi ôm đầu nép dưới gầm bàn lúc căn nhà rung lắc dữ dội rồi lầm bầm khấn vái: ”Ông Trời ơi, cho con sống, hãy cho con được sống, con sẽ không bao giờ phàn nàn, trách cứ, giận dữ gì nữa cả. Chỉ cần được sống thôi, được sống là quá đủ với con!”. Trải nghiệm của một người Việt hiện đang sống ở Nhật.
Kỳ tới:Còn cuộc sống là còn tất cả
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận