27/09/2021 22:37 GMT+7

Tại sao tiêm chủng rồi vẫn bị nhiễm COVID-19?

TS.BS NGUYỄN BÁCH (trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất)
TS.BS NGUYỄN BÁCH (trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất)

TTO - Nghiên cứu tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) ở bệnh nhân trên 60 tuổi suy thận mạn phải chạy thận chu kỳ cho thấy, có 19,05% bệnh nhân đáp ứng tăng kháng thể sau khi tiêm mũi 1, tỉ lệ này tăng lên 83,87% ở mũi 2.

Tại sao tiêm chủng rồi vẫn bị nhiễm COVID-19? - Ảnh 1.

Người bệnh được khám sàng lọc kỹ lưỡng trước khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại khoa thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - Ảnh: bác sĩ cung cấp

Nhiều bạn đọc, bệnh nhân quan tâm và đặt câu hỏi chọn loại vắc xin nào phù hợp với người lớn tuổi có nhiều bệnh nền và tại sao tiêm chủng rồi vẫn bị nhiễm COVID-19.

Đánh giá hiệu quả tiêm vắc xin COVID-19 dựa vào 2 tiêu chí quan trọng là đáp ứng miễn dịch của cơ thể và biểu hiện lâm sàng khi bị nhiễm COVID-19. Đáp ứng miễn dịch của cơ thể sau tiêm vắc xin thay đổi từng người (mỗi người mỗi khác nhau). Nhìn chung được chia làm 3 mức độ về mặt hiệu quả bảo vệ: tốt, trung bình và yếu.

Để đánh giá một cách toàn diện hệ thống miễn dịch sau tiêm chủng vắc xin, phải dùng những xét nghiệm để khảo sát đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và đáp ứng miễn dịch thể dịch.

Đánh giá đáp ứng qua trung gian tế bào cần xét nghiệm chuyên sâu hơn, thường phục vụ trong nghiên cứu hơn là trong lâm sàng. Do vậy, cách đơn giản và dễ thực hiện nhất để giúp đánh giá phần nào hiệu quả bảo vệ của vắc xin COVID-19 là định lượng kháng thể tại thời điểm 2-3 tuần sau tiêm vắc xin.

Nghiên cứu tại Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) ở người trên 60 tuổi suy thận mạn, phải chạy thận chu kỳ thì có đến 96,40% bệnh nhân có bệnh nền tim mạch (tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ...), 43,10% mắc bệnh đái tháo đường và nhiều bệnh nền khác như viêm gan mạn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư giai đoạn ổn định. 

Số bệnh nhân này đã tiêm 2 mũi vắc xin AstraZeneca. Kết quả cho thấy sau tiêm vắc xin mũi 1, tỉ lệ bệnh nhân có đáp ứng tăng kháng thể IgG chỉ đạt 19,05% và tỉ lệ này tăng lên 83,87% sau khi tiêm mũi 2. Như vậy phù hợp với các khuyến cáo hiện nay trên thế giới là nên tiêm đủ 2 mũi.

Tuy nhiên, ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền và nguy cơ cao khi nhiễm SARS-CoV-2, bác sĩ khuyên nên xét nghiệm kiểm tra kháng thể để cân nhắc tiêm thêm mũi 3 hoặc đổi loại vắc xin khác.

Đánh giá hiệu quả về mặt lâm sàng, ghi nhận các bệnh nhân được tiêm chủng vắc xin cũng bị nhiễm SARS-CoV2 nhưng với tỉ lệ thấp hơn và tùy theo thời điểm dịch bùng phát mạnh tại TP.HCM. Chẳng hạn vào tháng 7-2021 là 0,59%, còn tháng 8 là 5,66%.

Điều đáng chú ý là các bệnh nhân được tiêm kể cả 1 mũi ít có biểu hiện nặng, chỉ cần cách ly và theo dõi tại nhà. Tỉ lệ bệnh nhân nhập viện là 1,19% và tỉ lệ tử vong 0,59%.

Về chọn lựa loại vắc xin nào phù hợp với bệnh nhân có nhiều bệnh nền như suy thận mạn, tim mạch, tiểu đường... thì hiện nay chưa rõ do chưa có dữ liệu khoa học để so sánh. Theo đó, đối tượng tuyển chọn tình nguyện để đánh giá hiệu quả, an toàn của tất cả các loại vắc xin là người khỏe mạnh, không có bệnh nền.

Tuy nhiên, nếu được phép chọn lựa, các bác sĩ khuyên dùng loại vắc xin của các hãng bào chế lớn, uy tín toàn cầu có nhiều thông tin về hiệu quả, an toàn với các thử nghiệm lâm sàng đầy đủ.

Người mắc bệnh thận mạn, đặc biệt bệnh nhân lọc máu, cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể Người mắc bệnh thận mạn, đặc biệt bệnh nhân lọc máu, cần tiêm vắc xin sớm nhất có thể

TTO - Bệnh thận mạn, đặc biệt đã chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng, nếu không có chống chỉ định nên tiêm ngay vắc xin COVID-19 khi có thể, càng sớm càng tốt. Người bệnh nên tiêm vào ngày không lọc máu và chú ý uống thuốc huyết áp trước khi tiêm.

TS.BS NGUYỄN BÁCH (trưởng khoa nội thận - lọc máu Bệnh viện Thống Nhất)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên