13/10/2014 15:10 GMT+7

IS siết chặt Kobani nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thờ ơ, vì sao?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO -  Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đang siết chặt vòng vây quanh thị trấn Kobani ở Syria, sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chính quyền Ankarta tỏ ra rất thờ ơ với nguy cơ IS tiến sát đến biên giới.

 Nhìn từ phía biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ có thể thấy khói bốc lên mù mịt ở thị trấn Kobani - Ảnh: Reuters

Trong vài ngày qua, phiến quân IS liên tục bắn phá dữ dội thị trấn Kobani. Truyền thông phương Tây cho biết IS đã kiểm soát 30% diện tích thị trấn, bất chấp việc bị liên quân Mỹ không kích. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cảnh báo nếu chiếm được Kobani, IS sẽ thảm sát hàng nghìn người Kurd tại đây.

Ước tính 200.000 người Kurd đã tháo chạy khỏi Kobani tới biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã dàn hàng chục xe tăng tại biên giới, nhưng không phải ngăn chặn nguy cơ IS tiến tới biên giới mà để chặn dòng người Kurd tràn vào nước này.

Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở biên giới cũng ra sức ngăn cản hàng nghìn người Kurd ở nước này vượt biên sang Kobani chiến đấu chống IS. LHQ, Mỹ và các nước phương Tây đều lên tiếng kêu gọi chính quyền Ankara can thiệp để cản bước tiến của IS, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cương quyết nói không.

Tại sao ông Erdogan và chính quyền Ankara thờ ơ trước nguy cơ phiến quân IS tiến tới biên giới Thổ Nhĩ Kỳ? Có hai nguyên nhân.

Thứ nhất, ông Erdogan muốn triệt hạ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ông từng công khai kêu gọi liên quân chống IS tấn công lực lượng của ông al-Assad và “xây dựng tương lai mới cho Syria”.

Ông Erdogan khẳng định việc trấn áp IS sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng Syria. Và như giới chuyên gia quốc tế nhận định: việc liên quân Mỹ không kích IS có lợi cho chính quyền al-Assad, bởi IS chính là một trong những nhóm nổi dậy chống lại Damascus một cách dữ dội nhất.

Thứ hai quan trọng hơn, lực lượng người Kurd đang bảo vệ thị trấn Kobani là Đơn vị phòng vệ nhân dân (YPG), có mối quan hệ thân cận với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nhiều thập niên qua, PKK đã mở cuộc chiến ly khai chống lại chính quyền Ankara và bị coi là tổ chức khủng bố.

Cuộc chiến giữa người Kurd và chính quyền Thổ đã kéo dài gần 30 năm, khiến 42.000 người thiệt mạng, chủ yếu là các tay súng và thường dân người Kurd. Tuy nhiên cũng có hơn 6.500 thành viên lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bị sát hại.  

Cuối tuần trước, ông Erdogan thẳng thừng tuyên bố coi PKK cũng là mối đe dọa tương tự IS. Một quan chức Đảng cầm quyền AKP ở Thổ Nhĩ Kỳ viết tin nhắn trên trang Twitter: “IS có thể giết người nhưng không tra tấn người như PKK”.

Có lẽ mối lo ngại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là một vùng tự trị của người Kurd ở khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó chính quyền Ankara không có bất cứ hành động gì để ngăn chặn việc IS tàn sát người Kurd ở Kobani.

Tuy nhiên cái giá mà Thổ Nhĩ Kỳ phải trả cho sự thờ ơ này có thể sẽ không nhỏ. Nếu thị trấn Kobani sụp đổ, phiến quân IS sẽ kiểm soát khu vực biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Làn sóng giận dữ của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng lên trong những ngày qua, biến thành các cuộc biểu tình bạo động khiến hàng chục người thiệt mạng.

Và nếu Kobani sụp đổ, cơ hội tìm kiếm hòa bình giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Kurd tại đây sẽ trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên