20/12/2014 09:44 GMT+7

​Tại sao phải thang điểm 20?

V.HÀ - H.HG. ghi
V.HÀ - H.HG. ghi

TT - Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và đông đảo phụ huynh học sinh về thay đổi này cũng như một số điểm mới khác của dự thảo.

Thay đổi từ thang điểm 10 sang 20 nếu được thông qua sẽ gây không ít khó khăn cho cán bộ chấm thi. Trong ảnh: cán bộ Trường ĐH Sài Gòn chấm thi kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014 - Ảnh: Như Hùng

Dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận. Một trong những “điểm nóng” của dự thảo này chính là việc chuyển từ thang điểm 10 sang thang điểm 20.

Từ số báo này, Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo và đông đảo phụ huynh học sinh về thay đổi này cũng như một số điểm mới khác của dự thảo.

* PGS Văn Như Cương: 

Tránh thêm việc, thêm mối lo

Tôi băn khoăn không hiểu Bộ GD-ĐT chuyển thang điểm 20 để làm gì, vì tôi thấy không cần thiết. Trước đây khi dùng thang điểm 10 để chấm thi tuyển sinh ĐH-CĐ, Bộ GD-ĐT đã xây dựng barem điểm chi tiết đến 0,25.

Như vậy nếu một câu được 1.0 điểm thì có thể chia nhỏ đến 1/4 để “gạn” được lấy những phần nhỏ trong một câu mà thí sinh làm được để cho điểm. Như vậy độ chính xác đã cao và đảm bảo được quyền lợi cho thí sinh. Nay nếu tăng mức độ phân hóa thì chỉ cần chia nhỏ hơn, chi tiết tới 1/8, thay cho việc nâng thang điểm lên 20.

Việc chuyển thang điểm lên 20 sẽ có một số khó khăn. Vì điểm của học sinh ở THPT vẫn theo thang điểm 10. Để xét tốt nghiệp trên một hệ quy chiếu lại phải thêm các thao tác về kỹ thuật.

Tương tự, một số trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng theo phương án kết hợp điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia và điểm học trong quá trình THPT (xét học bạ) thì sẽ bị vênh giữa hai dữ liệu điểm.

Với một kỳ thi, một mùa tuyển sinh có nhiều thay đổi như vậy, những việc không cần thiết phải điều chỉnh thì không nên làm, tránh thêm việc, thêm mối lo cho các nhà trường, học sinh.

* Cô Hoàng Thị Thu Hiền (giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM):

Cần tập huấn kỹ cán bộ chấm thi

Việc chấm thi theo thang điểm 20 là cách làm mới cần ủng hộ vì sẽ giúp giám khảo chấm chính xác và công bằng hơn. Tuy nhiên, tôi đề nghị các cơ quan hữu quan cần tập huấn thật kỹ cho cán bộ chấm thi để họ đừng chấm quá “chặt” theo tâm lý thang điểm 10.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ chấm thi cũng cần được sàng lọc bởi không phải giáo viên (phổ thông), giảng viên (đại học) nào cũng có thể đi chấm thi. Phải là những người có thâm niên đứng lớp và trình độ chuyên môn vững vàng mới chấm thi chính xác được (đã có trường hợp giám khảo khen thí sinh dẫn chứng văn, thơ hay nhưng khi giám khảo khác đọc lại mới biết là thí sinh dẫn chứng sai).

Một yếu tố nữa cũng cần đổi mới là: đừng bắt các giám khảo phải hoàn thành công tác chấm thi trong một thời gian quá gấp.

Tôi cho rằng cần phải có quy chế về chấm thi một cách cụ thể: ví dụ như mỗi ngày giám khảo chỉ được chấm tối đa một số lượng bài thi nhất định (tránh tình trạng giám khảo chạy sô, tránh việc xuất hiện của những “thợ chấm thi”...).

Muốn như vậy thì phải trả phí (chấm thi) cao hơn cho giám khảo và có sự kiểm tra, kiểm soát gắt gao hơn để các giám khảo chấm thi một cách công tâm, khách quan, tránh thiệt thòi cho thí sinh.

* ThS Thái Doãn Thanh (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM):

Không thay đổi bản chất vấn đề

Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 để giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh. Nhưng tôi cho rằng cách giải thích trên không logic, bởi vì đề thi có sự phân hóa cao không liên quan đến thang điểm là 10 hay 20 mà quan trọng là barem điểm như thế nào (nhỏ hay to). Vì thế không nên thay đổi thang điểm 10 thành thang điểm 20, vì nó không thay đổi bản chất vấn đề.

T.HUỲNH ghi

 

Chẳng có gì mới

Bạn đọc Tuổi Trẻ đã gửi hơn 60 ý kiến phản hồi về thang điểm 20, trong đó đa số đều cho rằng “đổi mới” của Bộ GD-ĐT chuyển sang thang điểm 20 là... không có gì mới. Bạn đọc cũng đề nghị bộ giải thích rõ hơn căn cứ dẫn đến thay đổi này.

* Đề nghị Bộ GD-ĐT cho biết thang điểm 20 được căn cứ theo phương pháp giáo dục nào... chứ đừng làm kiểu ngẫu hứng mà cả một thế hệ học sinh lãnh hậu quả. 

(Hoài Nam)

* Điểm số tự thân nó cao hay thấp, thang điểm với phổ điểm rộng hay hẹp không phải là một vấn đề, mà vấn đề ở chỗ “chất lượng” của hệ thống xác định nó. Chất lượng càng cao mức độ chuẩn hóa càng lớn, khả năng quốc tế hóa nền giáo dục càng rộng. Vậy cơ sở nào mà Bộ GD-ĐT mở rộng thang điểm? Có thay đổi gì đâu khi mà mọi khâu tổ chức thi cử không khác? Làm gì có chuyện không chuẩn hóa về công cụ, phương thức thực hiện mà mong là sẽ phân hóa được năng lực người học chỉ đơn giản là mở rộng thang điểm từ 10 thành 20? 

(Trần Thu)

* “Mở rộng thang điểm sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh và thuận lợi cho công tác xét tuyển sinh” - không phải thế! Trong đào tạo tín chỉ, bộ đã đưa ra một thang điểm lạ lẫm là 4, xã hội không chấp nhận, buộc các trường phải quy về thang 10, sinh viên tốt nghiệp phải dùng hai bảng điểm với hai thang khác nhau. Nay lại thang 20. Không có tác dụng gì cả, chỉ làm rối mà thôi! 

(Trần Thuyết Nam)

 

V.HÀ - H.HG. ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên