15/02/2025 16:35 GMT+7

​​Tại sao cần trợ cấp cho người già không có lương hưu?

Trợ cấp cho người già chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu hay trợ cấp hằng tháng kỳ vọng cải thiện đời sống nhiều người, giảm gánh nặng cho con cháu và xã hội.

Tại sao cần trợ cấp cho người già không có lương hưu? - Ảnh 1.

Cán bộ của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang tư vấn quyền lợi về lương hưu, thẻ bảo hiểm y tế miễn phí... cho người tham gia tự nguyện - Ảnh: HÀ QUÂN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo trình Chính phủ nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về trợ cấp hưu trí xã hội. 

Không có lương hưu được nhận trợ cấp?

Cụ thể, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu có đóng bảo hiểm xã hội song không đủ điều kiện thời gian hưởng lương hưu (tối thiểu 15 năm theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024) cũng như chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sẽ được nhận trợ cấp hằng tháng.

Trợ cấp hưu trí xã hội áp dụng cho công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên, không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Người đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng các điều kiện theo quy định cũng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng (đang đề xuất là 500.000 đồng/tháng). Quyền lợi bổ sung là bảo hiểm y tế miễn phí và hỗ trợ mai táng phí.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ 1-7-2024, chuẩn trợ giúp xã hội đã tăng từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%). Đến nay, kinh phí trợ cấp xã hội cho hơn 3,8 triệu người (khoảng 3,8% dân số) khoảng 32.000 tỉ đồng/năm.

Hàng triệu người cao tuổi (trên 60 tuổi), khuyết tật, nhóm yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề… Trong đó, hơn 3,3 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, 95% người cao tuổi có bảo hiểm y tế…

Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến cuối năm 2022, có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (55 tuổi trở lên đối với nữ và 60 tuổi trở lên đối với nam).

Tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp hiện là hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu.

Trong đó, số hưởng lương hưu là 2,7 triệu người, còn số hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khoảng 630.000 người.

Số hưởng trợ cấp người cao tuổi là hơn 1,8 triệu người. Như vậy, còn khoảng 9,3 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu (chiếm 65%) chưa thuộc diện bao phủ của lưới an sinh xã hội.

Tại sao cần trợ cấp cho người già không có lương hưu? - Ảnh 2.

Niềm vui của nhiều người khi được nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Đây là khoản tiền quý giá để người cao tuổi tự lo cho bản thân - Ảnh: HÀ QUÂN

Cần có trợ cấp cho người già

Việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu có khoảng 60% người nghỉ hưu được hưởng lương hưu đến năm 2023 theo nghị quyết 28-NQ/TW còn thách thức lớn, nhất là khi tỉ lệ tăng bình quân người có lương hưu chỉ khoảng 80.000 người/năm.

Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, theo báo cáo của ngành lao động - thương binh và xã hội, khoảng 73% không có lương hưu hay trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng phải phụ thuộc vào người khác.

Những năm qua, đời sống người cao tuổi từng bước được cải thiện song đa số chưa có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận phải dựa vào con cháu. Nhiều người còn sống độc thân, cô đơn, không nơi nương tựa. Có trường hợp sức khỏe kém vẫn phải tự lao động, kiếm sống…

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá với khoảng 5 triệu người cao tuổi trên 60 và dưới 80 không thuộc hộ nghèo, không bị khuyết tật, không được hưởng trợ cấp hằng tháng có thể gặp khó khăn khi về già.

Nhiều quốc gia đã xác định trợ cấp tuổi già là tầng lương hưu xã hội trong hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Do vậy, ngân sách nhà nước cần cung cấp một khoản bảo đảm về thu nhập cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.

Về lâu dài, công đoàn khuyến nghị chính sách huy động xã hội hóa hỗ trợ đối tượng này với mức hưởng cao hơn và có lộ trình giảm tuổi hưởng lương hưu xã hội phù hợp.

GS.TS Giang Thanh Long - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế quốc dân - chia sẻ nhiều chính phủ cho người dân nhận trợ cấp hằng tháng với mức sống tối thiểu, đảm bảo nhu cầu lương thực thực phẩm, y tế, xăng dầu đi lại…

Với đề xuất trợ cấp người già từ 500.000 đồng, ông cho rằng cơ quan chức năng có thể tăng lên để hỗ trợ tốt hơn cho người dân song cần đánh giá kỹ lưỡng từ cơ quan chức năng, đồng thời mở rộng đối tượng hưởng lương hưu với tích lũy từ việc đóng bảo hiểm xã hội, tham gia bảo hiểm nhân thọ bổ sung.

Tại sao cần trợ cấp cho người già không có lương hưu? - Ảnh 3.Lương hưu tại Việt Nam đang cao hay thấp?

Chuyên gia cho rằng mức lương hưu bình quân ở nước ta không hề thấp và cần có giải pháp để duy trì quỹ hưu trí lâu dài.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên