27/11/2014 09:02 GMT+7

Tài sản tham nhũng bị “tẩy rửa”

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Một phần lớn tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, che giấu, thậm chí đã được “tẩy rửa”, rất khó phát hiện để thu hồi.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu” - Ảnh: N.Dân

Đánh giá về tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng tại phiên Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 diễn ra ở Hà Nội ngày 26-11, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy.

Cùng với việc chỉ ra những thiệt hại, Phó thủ tướng cũng đặt vấn đề cần nỗ lực tìm ra giải pháp để thu hồi tài sản, nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng.

“Tham nhũng thường gắn với rửa tiền”

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thu hồi tài sản là một nội dung quan trọng của công tác đấu tranh chống tham nhũng. Mọi tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu.

Việc thu hồi tài sản sẽ làm giảm thiểu tổn thất do tham nhũng gây ra, làm triệt tiêu động cơ kinh tế của những kẻ tham nhũng. Phó thủ tướng cũng viện dẫn Việt Nam đã có nhiều quy định về thu hồi tài sản tham nhũng tại các bộ luật và luật...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đang ở mức thấp, một phần lớn tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán, che giấu, thậm chí đã được “tẩy rửa”, rất khó phát hiện để thu hồi.

17.000 tỉ đồng

Đó là tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện từ ngày 1-10-2010 đến 30-4-2013, theo Bộ Tư pháp. Tổng giá trị thu hồi được gần 5.000 tỉ đồng (đạt khoảng 29,4%).

Năm 2014, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách trên 1.500 tỉ đồng (đạt 22,3%).

Từ những đánh giá trên, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định tham nhũng đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước và tài sản của các tổ chức, doanh nghiệp.

Đó là một thách thức lớn đòi hỏi phải nỗ lực tìm ra giải pháp, trong đó có việc cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường thực thi pháp luật về thu hồi tài sản, nâng cao hiệu quả của các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng chống tham nhũng, tăng cường thanh tra, kiểm tra và phối hợp trong hợp tác quốc tế.

Tại cuộc đối thoại, Phó thủ tướng đã nêu “tham nhũng thường gắn với hoạt động rửa tiền”, nên việc hợp tác quốc tế trong phát hiện, truy tìm, thu hồi tài sản tham nhũng rất quan trọng.

Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác để nâng cao năng lực trong việc chống rửa tiền, thu hồi tài sản tham nhũng để tiến tới thực hiện tốt cơ chế hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản theo quy định của công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.

Nhiều vụ không thể thu hồi tài sản

Trên thực tế, theo Bộ Tư pháp, có nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được người phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều cách thức khác nhau như chuyển quyền sở hữu cho người thân, mua sắm các tài sản, rửa tiền, trong đó có việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau, trong khi các cơ quan có thẩm quyền chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội) dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản.

Bên cạnh đó, quá trình xét xử thường chú trọng nhiều phần trách nhiệm hình sự của bị cáo mà chưa quan tâm đúng mức đến phần trách nhiệm dân sự và xử lý tang vật, tài vật.

Người phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng chủ yếu chấp hành hình phạt tù, trong khi phần dân sự có thể có giá trị lớn nhưng không có tài sản, không có điều kiện thi hành.

Do đó, Bộ Tư pháp đưa ra ba giải pháp lớn gồm: Thứ nhất là thay đổi nhận thức để thấy rõ việc thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ thông qua kết án hình sự mà cần thông qua các kênh khác như kênh dân sự, kênh hành chính vì vấn đề quan trọng nhất là đánh vào và làm triệt tiêu động cơ, lợi ích kinh tế của người phạm tội tham nhũng và những người có liên quan.

Thứ hai là việc hoàn thiện pháp luật, thiết chế về thu hồi tài sản tham nhũng, cần bổ sung các quy định cụ thể của pháp luật.

Thứ ba là tăng cường nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống tham nhũng nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng...

Đã tích cực thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền

Đó là nhận định của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh bên lề phiên Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13.

Ông Tranh cho biết: “Nguyên tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư quản lý và sau khi Ban Bí thư chỉ đạo, Ủy ban Kiểm tra trung ương có kết luận và thông báo thì việc thu hồi tài sản của ông Truyền cũng được các cơ quan chức năng tiến hành kịp thời.

Qua theo dõi, chúng tôi thấy các cơ quan chức năng đã tích cực thực hiện việc này. Chúng tôi tin tưởng việc này sẽ được thực hiện tốt và có kết quả tốt trong thời gian sắp tới”

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên