30/07/2015 14:30 GMT+7

Tài nguyên: Không thể mạnh ai nấy khai thác, quản lý

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện

TT - PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung gợi mở những giải pháp có thể giúp hạn chế rủi ro đối với người dân miền Tây trong khi biến đổi khí hậu đang làm nhiều người điêu đứng.

Trồng rừng và xây bờ kè bảo vệ đất được nhiều tỉnh ở ĐBSCL tiến hành để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng kết quả chưa được là bao  Ảnh: HUỲNH LÂM
Trồng rừng và xây bờ kè bảo vệ đất được nhiều tỉnh ở ĐBSCL tiến hành để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng kết quả chưa được là bao - Ảnh: Huỳnh Lâm

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu kiêm trưởng khoa quản lý tài nguyên nước ĐH Cần Thơ cho biết những gì loạt bài “Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu”Tuổi Trẻ phản ánh rất đáng quan ngại.

Biến đổi khí hậu đã có tác động rất cụ thể đến sản xuất và cuộc sống người dân trong vùng.

* Thưa ông, điều rất đáng lo ngại là dù nhiều năm nay các nhà khoa học đã cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nặng nề cho ĐBSCL, nhưng có vẻ chính quyền và người dân các tỉnh trong vùng đang rất chủ quan, “đủng đỉnh” ứng phó?

- Tôi nghĩ thời gian gần đây chuyện biến đổi khí hậu đã được các tỉnh quan tâm hơn, có kế hoạch, có thành lập các ban bệ hẳn hoi. Nhưng vấn đề ở chỗ họ rất bị động, thiếu cán bộ am hiểu chuyên môn đủ năng lực tham mưu và thiếu tài chính để nghiên cứu, làm việc.

Hiện chỉ Cần Thơ có văn phòng công tác biến đổi khí hậu và văn phòng này hoạt động khá hiệu quả, còn các tỉnh chưa rõ vai trò của bộ phận này nên hiệu quả dự báo cảnh báo cho người dân còn quá ít.

* Theo ông, giải pháp trước mắt và dài hạn cho vấn nạn này là gì?

- Năm nay bị mặn như vậy mà chúng ta cứ bỏ tiền ra xây dựng đê, cống nhưng năm sau lại không có mặn nữa thì sẽ lãng phí. Thường giải pháp của chúng ta là lúc nào cũng đắp đê, xây kè, nâng nền, giải quyết ngay trong khi thông tin mình chưa có bài bản.

Vừa rồi một nhóm các nhà khoa học của chúng tôi có kết hợp với một số cơ quan liên quan trong và ngoài nước “chạy” thử kịch bản là chi tiền xây dựng cống Cái Lớn, Cái Bé (Kiên Giang), đóng cửa sông Tiền thì thấy mặn có thể không xâm nhập nhiều, có thể bảo vệ được nhiều vùng trồng lúa nhưng về mặt kinh tế chưa chắc tốt.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất trong thời gian ngắn hạn không nên xây dựng công trình có thể giảm mặn nhưng rất tốn kém về kinh tế, mà giải pháp đơn giản hơn là giảm vụ sản xuất tùy theo vùng. Có những vùng có thể giảm từ ba vụ lúa xuống hai vụ, cộng một vụ màu vào mùa khô.

Cụ thể các khu vực như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau... bị ảnh hưởng mặn nhiều nên chuyển đổi số vụ mùa trong năm. Việc giảm số vụ này là bài toán chiến lược của từng tỉnh.

Trong giai đoạn trung hạn không có sự thay đổi lớn về các kiểu sử dụng đất nhưng có thể thay đổi mùa vụ, sử dụng giống có thời gian canh tác ngắn hơn. Đặc biệt cần khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước trong tưới tiêu.

Một nghiên cứu của chúng tôi và một tổ chức của Hà Lan ở Sóc Trăng thử nghiệm sử dụng các ao hồ xung quanh trữ nước trong mùa mưa, mùa khô sử dụng cho rau màu, hoặc một phương pháp nữa là tiết kiệm nước trong sản xuất lúa như: không bơm ngập liên tục mà chỉ bơm vừa đủ sát mặt đất để lúa vẫn sống được, khi nước hạ xuống mới bơm thêm.

Đây là phương pháp tiết kiệm một lượng rất lớn về nước mà năng suất vẫn đảm bảo. Với cách này, số lần bơm ít hơn, lượng nước bơm vô cũng giảm rất nhiều.

Tôi nghĩ các tỉnh cần tạo các khu trữ nước khác nhau như làm mới thêm hồ chứa, cải tạo hồ cũ và sử dụng khúc cua các con sông. Một nghiên cứu mới đây của chúng tôi cho thấy các tỉnh có thể sử dụng những khúc cua của sông để ngăn lại một phần trữ nước.

Mùa nước ngọt thì lấy vô trữ nước, khi nước mặn xâm nhập thì ngăn lại trong khúc cua vẫn có nước ngọt. Những chỗ này sẽ là chỗ cấp nước sinh hoạt, lấy nước xử lý.

Hiện tượng sụt lún và sạt lở không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do nhiều vấn đề khác tác động như: không tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ hành lang bờ sông, xây nhà cửa, cầu cống...

Một điều đáng lưu ý là việc xây kè cứng thời gian qua có thể không làm sạt lở ở khu vực đã được kè, nhưng lại gây sạt lở tại khu vực không có kè gần đó do khi xây dựng chưa tính hết tác động của dòng chảy.

Hiện nay các tỉnh đầu nguồn đều làm đê bao nên khi lũ về thay vì phân tán vô nội đồng, giờ nước lũ chỉ chảy trên sông nên vận tốc dòng chảy cao hơn sẽ xắn vô bờ gây sạt lở. Việc sạt lở này thường vào mùa khô bởi khi lũ rút đi thì đất trở nên rỗng và dễ sụt.

Ảnh: C.Quốc
PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung - Ảnh: C.Quốc

* Ông có khuyến nghị gì đối với cơ quan hữu quan để có thể giảm thiểu rủi ro cho người dân?

- Tôi nghĩ dài hạn hơn là phải có bài toán quy hoạch, tầm nhìn chiến lược trong vấn đề sử dụng tài nguyên đất, nước; tính bài toán kinh tế nhưng dựa vào sinh kế của dân. Đã đến lúc chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào tài nguyên tự nhiên nữa mà phải nhờ vào dịch vụ.

Tùy vùng, chỗ nào trồng lúa, điều kiện tốt mà 100 năm nữa không ảnh hưởng gì thì trồng lúa và mạnh dạn đầu tư cho lúa chất lượng cao. Còn vùng nào dễ rủi ro hơn thì chuyển đổi, tìm hình thức sản xuất khác.

Lâu nay chúng ta quản lý nguồn nước, quy hoạch theo địa phương, mạnh ai nấy khai thác mà không có sự phối hợp điều tiết nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt.

Vì vậy cần có một bộ phận quản lý chuyên sâu về tài nguyên nước chung cho cả vùng ĐBSCL, không chỉ quản lý nước mặt trên sông, nước ngầm mà còn giữ vai trò kiểm tra giám sát, điều tiết nguồn nước cho cả vùng.

Hiện các cơ quan quản lý đó thuộc bộ chuyên ngành, còn sở tài nguyên - môi trường của tỉnh nào lo tỉnh đó nên không sâu sát.

Tìm giải pháp về công nghệ

Tại hội thảo “Công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay” do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức ở TP.HCM sáng 29-7, vấn đề “Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu” được các nhà khoa học rất quan tâm.

Theo các chuyên gia, hiện tượng nước nhiễm mặn ở ĐBSCL hiện nay cũng chính là tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao.

PGS.TS Bùi Xuân Thành, khoa môi trường và tài nguyên ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: Vấn đề nhiễm mặn trên không thể giải quyết được bằng các biện pháp thông thường, tự nhiên.

Khi mực nước biển dâng lên, nước mặn sẽ lấn sâu vào trong, dẫn đến chúng ta phải tìm cách giảm tác động đó.

Phải có kế hoạch để giảm thiểu tác động ấy chứ không thể nào dừng được. Chúng ta phải tìm giải pháp về công nghệ để giải quyết vấn đề nước mặn như đầu tư một số công nghệ khử mặn.

Hiện đã có một số công ty của Nhật hay châu Âu mang một số công nghệ xử lý nước lợ thành nước ngọt ở ĐBSCL. Một số công nghệ xử lý nước nhiễm mặn, nước lợ hiện nay trên thế giới là công nghệ lọc thẩm thấu ngược, công nghệ điện thẩm.

Các công nghệ ấy có thể triển khai và mở rộng, hoặc tìm kiếm những nguồn nước thay thế khác nước mưa.

MINH PHƯƠNG

______________

Miền Tây điêu đứng vì biến đổi khí hậu

>> Kỳ 1:  Mặn tấn công, trở tay không kịp

>> Kỳ 2: Miền Tây khát giữa mùa mưa

>> Kỳ 3: “Chạy biển”, “chạy sông”

 

HOÀNG TRÍ DŨNG - CHÍ QUỐC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên