27/12/2024 17:10 GMT+7

Tái lập môi trường sống cho sếu đầu đỏ quay về

'Ngày 26-12 có 7 con sếu đầu đỏ bay về phân khu A5 Vườn quốc gia Tràm Chim 'thám thính'. Đầu tháng 3 có 4 con sếu về, một tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường đã dần hồi phục theo hướng tốt' - TS Trần Triết cho hay.

Tái lập môi trường sống cho sếu đầu đỏ quay về - Ảnh 1.

Đã có lúc sếu về sống tại Vườn quốc gia Tràm Chim số lượng lên đến hàng ngàn con - Ảnh tư liệu: NGUYỄN VĂN HÙNG

Vườn quốc gia Tràm Chim hạ mức nước luân phiên, sếu đầu đỏ về "thám thính"

Gần 30 năm trước, hơn 1.000 con sếu đầu đỏ di cư đến sống tại Vườn quốc gia Tràm Chim, trở thành niềm tự hào của người dân Tam Nông nói riêng, Đồng Tháp nói chung. Nhưng kể từ dấu mốc vàng son đó, đàn sếu về thưa dần, rồi có những năm sếu không về nữa.

TS Trần Triết - giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu quốc tế - cho biết đàn sếu đầu đỏ Việt Nam - Campuchia thường di chuyển theo mùa. Vào mùa mưa là mùa sinh sản, sếu sẽ ở phía bắc Campuchia. 

Đến mùa khô, sếu mới di cư về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Kiên Giang. 

Do đó muốn có đàn sếu định cư ở khu vực này quanh năm, cần phải có nơi sống thích hợp cho sếu, quan trọng nhất là nơi ở trong mùa sinh sản.

"Trong giai đoạn sinh sản, sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Bởi vậy ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại. Canh tác lúa thân thiện với môi trường, sinh vật và đảm bảo an toàn. Cốt lõi là môi trường trong sạch” - ông Triết nói.

Tuy nhiên, có giai đoạn rất dài ở Vườn quốc gia Tràm Chim vì yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho rừng tràm phải quản lý lượng nước. Điều này ảnh hưởng đến việc duy trì toàn vẹn hệ sinh thái, dẫn đến môi trường sống không phù hợp với sếu đầu đỏ.

Cuối năm 2023, Vườn quốc gia Tràm Chim đã điều tiết nước theo các kỹ thuật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng cách hạ mực nước theo đúng thiết kế, nhằm tái tạo hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim - đại diện hệ sinh thái Đồng Tháp Mười. 

Điều kiện ngập - khô luân phiên là điều kiện sinh thái tự nhiên, và nhờ sự điều tiết đã phục hồi nhanh chóng. Chất lượng nước cũng được cải thiện rõ rệt. Các loài thủy sinh vật tốt hơn, thể hiện rõ về số lượng tăng lên. Quy trình điều tiết nước này cũng góp phần giảm nguy cơ cháy rừng ở mức tối ưu.

"Chỉ qua một năm điều tiết mực nước, các nhà khoa học rất bất ngờ vì Vườn quốc gia Tràm Chim đã đón rất nhiều loài chim quay về. Đặc biệt ngày 8-3, bốn con sếu đầu đỏ đã bay về. Ngày 26-12, có bảy con sếu bay về phân khu A5 Vườn quốc gia Tràm Chim “thám thính”. 

Đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy môi trường đang được quản lý đúng đắn, phục hồi được nơi sống và thả sếu, thu hút sếu tự nhiên tìm về.

Điều quan trọng là tái lập môi trường tự nhiên để sếu quay lại Tràm Chim như chúng từng sống trước đây” - tiến sĩ Trần Triết nói.

Tái lập môi trường sống cho sếu đầu đỏ quay về - Ảnh 4.

Khu vực dự kiến thả nuôi sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Cộng đồng chung tay đưa đàn sếu trở về

UBND tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032. 

Mục tiêu chung đặt ra là nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm nuôi thả 100 con sếu, tối thiểu có 50 con sống sót.

Vườn quốc gia Tràm Chim sẽ nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn quốc gia Tràm Chim.

ThS Nguyễn Hoài Bảo - giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) - chia sẻ cha ông ta xưa có câu: "Đất lành chim đậu". Do đó để sếu trở về, cần tạo ra một mảnh đất lành, môi trường trong sạch làm nơi cư ngụ của sếu.

Theo ông Bảo, không chỉ dừng lại ở 1-2 năm, công cuộc phục hồi môi trường sống cho sếu đầu đỏ phải là câu chuyện dài hơi, có thể là chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Đề án được cộng đồng, đặc biệt là người dân huyện Tam Nông quan tâm, ủng hộ.

Điều cốt lõi là tạo sinh kế, giúp người dân nhìn thấy được lợi ích của việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang mô hình lúa sinh thái, để trên mỗi mảng xanh của lúa, sếu và các loài chim muông có thể sinh sống mà không sợ hóa chất cùng sự ô nhiễm môi trường đe dọa.

Bên cạnh đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp với phát triển du lịch, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái, để từ chính mảnh đất từng hứng chịu hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, loài sếu đầu đỏ quý hiếm bậc nhất có thể sống và sinh sôi.

Tái lập môi trường sống cho sếu đầu đỏ quay về - Ảnh 5.

Vùng lõi Vườn quốc gia Tràm Chim - Ảnh: ĐẶNG TUYẾT

Tái lập môi trường sống cho sếu đầu đỏ quay về - Ảnh 6. Phát hiện 7 con sếu đầu đỏ bay về Vườn quốc gia Tràm Chim

Sáng 26-12, thông tin từ Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết nhân viên kiểm lâm phát hiện 7 con sếu đầu đỏ bay về vườn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên